Chủ động nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp

Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự báo đỉnh lũ năm 2020 trên sông Cửu Long ở mức thấp, tổng lượng dòng chảy thượng nguồn Mekong về khu vực ĐBSCL thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm (TBNN), khả năng xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến sớm ngay trong các tháng cuối năm 2020. Xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 tại ĐBSCL cũng có nhiều khả năng cao hơn và gay gắt hơn nhiều so với TBNN.

Thời gian qua, nhiều nông dân ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ đã chủ động chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa có nguy cơ thiếu nước sang trồng mè và các loại hoa màu tiết kiệm nước thích ứng điều kiện nắng hạn trong mùa khô.

Thời gian qua, nhiều nông dân ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ đã chủ động chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa có nguy cơ thiếu nước sang trồng mè và các loại hoa màu tiết kiệm nước thích ứng điều kiện nắng hạn trong mùa khô.

Hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm

Theo tính toán của các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021 dự kiến có thể xảy ra theo 2 kịch bản. Kịch bản 1, xâm nhập mặn xảy ra trong điều kiện mưa trên lưu vực sông Mekong trong những tháng cuối năm xuất hiện với lượng mưa cao hơn TBNN như dự báo của một số tổ chức khí tượng quốc tế. Theo đó, khả năng xảy ra xâm nhập mặn vẫn ở mức cao hơn nhiều so với TBNN, mức độ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở mức nghiêm trọng, một số thời điểm tương đương mùa khô năm 2015-2016. Mức độ xâm nhập mặn theo các cửa sông Cửu Long có thể đạt mức 4 gram/lít và xâm nhập vào sâu từ 58-70km (tùy cửa sông), cao hơn TBNN từ 10-20km, tương đương năm 2016, thấp hơn mùa khô năm 2019-2020 từ 7-15km. Từ giữa cuối tháng 12-2020, ranh mặn 4 gram/lít có thể ảnh hưởng sâu từ 20-30km. Từ tháng 1, tháng 2 và nửa đầu tháng 3-2021, ranh mặn 4 gram/lít vào sâu từ 40-50km, một số thời điểm vào sâu đến 60-70km. Từ giữa tháng 3-2021 đến cuối mùa khô, xâm nhập mặn có xu hướng giảm. Tuy nhiên, ranh mặn 4 gram/lít vẫn có thời điểm vào sâu đến 45-60km. Ðối với vùng ven biển Tây, sông Vàm Cỏ, xâm nhập mặn cũng biến động phức tạp, ở mức cao hơn TBNN, một số thời điểm có thể cao hơn năm 2015-2016. Xâm nhập mặn bắt đầu xuất hiện mạnh từ khoảng tháng 2-2021 và ảnh hưởng kéo dài đến hết tháng 4, bắt đầu giảm khi có mưa (khoảng tháng 5).

Kịch bản 2, xâm nhập mặn xảy ra trong điều kiện mưa trên lưu vực sông Mekong tiếp tục ở mức thiếu hụt như đã xảy ra từ đầu mùa mưa đến nay. Theo đó, khả năng xảy ra xâm nhập mặn vẫn ở mức cao hơn nhiều so với TBNN, mức độ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh từ nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng, có thể tương đương năm 2019-2020. Mức độ xâm nhập mặn theo các cửa sông Cửu Long, với ranh mặn 4 gram/lít cao nhất từ 65-75km (tùy cửa sông), cao hơn từ 20-30km so với TBNN, cao hơn năm 2015-2016 từ 3-5km, một số thời điểm ngắn hạn ở mức tương đương 2019-2020. Vùng ven biển Tây, sông Vàm Cỏ, xâm nhập mặn biến động phức tạp, ở mức cao hơn nhiều so với TBNN, ở mức tương đương 2015-2016, một số thời điểm tương đương 2019-2020.

Chủ động nguồn nước

Ðể đảm bảo nguồn nước phục vụ cho các tháng mùa khô sắp tới đây, Tổng cục Thủy lợi khuyến cáo các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước và các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn và ngành chức năng ở Trung ương để chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp và hiệu quả nhất.

Thực hiện rà soát, kiểm kê nguồn nước, bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để hạn chế tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Tăng cường nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến, thực hiện ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm... khi hạn hán xảy ra. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn đến người dân để nâng cao ý thức và hành động của người dân trong việc tích trữ, sử dụng nước tưới tiết kiệm và hiệu quả, cũng như phối hợp với ngành chức năng để quản lý, vận hành, khai thác tốt các công trình thủy lợi. Ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, lưu ý: “Các địa phương cần sớm triển khai công tác phòng, chống hạn mặn, thực hiện tích trữ nước bằng nhiều giải pháp, tính đến việc làm các đập tạm. Thực hiện tích trữ nước ngay trong mùa mưa, nhất là các tháng 11 và 12-2020 và có kế hoạch sản xuất phù hợp. Song song đó, các địa phương ven sông cũng lưu ý phòng tránh ngập úng do lũ và triều cường”.

Năm nay, dù lũ nhỏ nhưng các địa phương vùng ÐBSCL không được chủ quan với nguy cơ lũ có khả năng lên cao, kết hợp với triều cường gây ngập úng. Cần theo dõi sát sao các dự báo và chủ động có kế hoạch ứng phó với các đợt triều cường trong tháng 10 và tháng 11 để tránh các thiệt hại đáng tiếc. Ðồng thời, làm tốt công tác dự báo, truyền thông để thông tin kịp thời, chính xác đầy đủ đến người dân về nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2020-2021. Các địa phương cần vận động người dân chủ động có biện pháp phòng, chống phù hợp, với phương châm “bốn tại chỗ”, bắt đầu “từ người dân, từ cơ sở là chính”, mỗi hộ gia đình, cơ sở sản xuất, chủ vườn phải chủ động trữ nước cho sinh hoạt, sản xuất, Nhà nước hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và gia đình khó khăn. Chính quyền các cấp cần xây dựng kế hoạch cụ thể để phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong cả mùa khô. Kịp thời thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt như: nạo vét kênh rạch, xây dựng hồ chứa nước ngọt, đầu tư các bể chứa, bồn chứa, đắp đập tạm khoanh vùng để trữ nước ngọt…

Theo Giáo sư Tăng Đức Thắng, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có khả năng đến sớm từ tháng 12-2020 và bước sang tháng 1-2020 có khả năng xảy ra tình trạng thiếu nước. Do vậy, phải có các biện pháp nhằm chủ động tích trữ nước và thực tế nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã quan tâm thực hiện và có những cách làm rất hiệu quả.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/chu-dong-nguon-nuoc-cho-san-xuat-nong-nghiep-a126487.html