Chủ động nguồn cung thịt lợn cho thị trường dịp cuối năm

Trong 9 tháng đầu năm, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã khiến hơn 5 triệu con lợn bị tiêu hủy, làm tổng đàn lợn cả nước giảm 19%, khiến ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dự báo sẽ sụt giảm mạnh nguồn cung trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán đang đến gần...

Ông Trần Đình Minh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai cho biết, theo thống kê mới nhất, toàn tỉnh có 4.480 hộ chăn nuôi bị DTLCP với 391.000 con bị tiêu hủy. Hiện tổng đàn lợn của tỉnh chỉ còn khoảng 1,5 triệu con, giảm 49% so với tháng 4/2019 là thời điểm trước khi xảy ra DTLCP trên địa bàn tỉnh. Hiện, DTLCP vẫn còn đang diễn biến phức tạp.

Trước tình trạng tổng đàn lợn sụt giảm mạnh, ông Dương Minh Dũng – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai lo ngại, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn sẽ đẩy giá cả tăng mạnh trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm là không thể tránh khỏi.

Nguồn cung thịt lợn thiếu hụt nhưng người chăn nuôi không dám tái đàn.

Nguồn cung thịt lợn thiếu hụt nhưng người chăn nuôi không dám tái đàn.

Mặc dù được dự báo nguồn cung khan hiếm và tăng giá dịp cuối năm, nhưng nhiều chủ trang trại không mặn mà với thông tin trên. Hầu hết các hộ chăn nuôi lợn không có ý định tái đàn trong thời điểm này. Mấy chục năm kiên trì với nghề chăn nuôi lợn, thời gian qua, đàn lợn mắc DTLCP khiến gia đình bà Nguyễn Mai Hoa (chủ trang trại lợn tại Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

“Sắp tới, một là tôi chuyển đổi qua nghề khác hoặc chờ dịch hết hẳn mới tái đàn. Sợ nhất tái đàn rồi lại bị dịch càn quét lần nữa”, bà Hoa băn khoăn.

Cùng nỗi lo sợ, ông Nguyễn Văn Tiến (chủ trang trại chăn nuôi lợn tại xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất), cũng cho biết, mặc dù đàn lợn trong chuồng đã đến thời điểm xuất chuồng, nhưng ông Tiến vẫn không có ý định tái đàn vì sợ dịch quay trở lại một lần nữa.

Trong khi đó, ông Trần Văn Bảy (chủ trại chăn nuôi lợn ở xã Gia Canh, huyện Định Quán) cho rằng, từ đầu tháng 9-2019 đến nay, tình hình thu mua lợn đã tăng trở lại, thương lái xuống tận nơi thu mua mang đi TP Hồ Chí Minh, ra miền Bắc và xuất đi Trung Quốc. Nhu cầu về thịt lợn của thị trường đã tăng trở lại, nhưng do DTLCP khiến tổng đàn sụt giảm, nên các chủ trang trại không có lợn để bán...

Có lẽ do “thấm đòn” từ DTLCP nên không ít chủ trang trại rất lo ngại chuyện tái đàn hoặc mở rộng quy mô chăn nuôi, ông Võ Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai mong muốn DN, người chăn nuôi tham gia tăng đàn, tái đàn để bảo đảm nguồn cung cho thị trường cuối năm.

Thị trường TP HCM mỗi ngày tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn, dịp Tết tăng lên gấp rưỡi và 80% thịt lợn trong số đó được nhập từ các tỉnh về, nhiều nhất là Đồng Nai. Chính vì nguồn cung thịt lợn bị thiếu hụt, nên ngành Công Thương TP HCM đã có kế hoạch chuẩn bị bình ổn thị trường vì dự báo dịp cuối năm thịt lợn sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Theo Sở Công thương TP HCM, kế hoạch chuẩn bị nguồn cung thịt lợn bình ổn thị trường năm 2019 là 4.091 tấn/tháng (chiếm 21% thị phần). Trong đó, các DN chủ lực như Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn 200 tấn/tháng; Vissan 1.315 tấn/tháng; Công ty C.P Việt Nam 225 tấn/tháng; Công ty Anh Hoàng Thy 60 tấn/tháng; Công ty San Hà 700 tấn/tháng; Saigon Co.op cung ứng 1.510 tấn/tháng; Hệ thống BigC 31 tấn/tháng...

Cùng với nguồn cung thịt lợn từ các trang trại chăn nuôi trong nước, thịt lợn nhập khẩu (chủ yếu từ các nước Brazil, Ba Lan, Canada, Mỹ, Úc…) trong thời gian qua đã tăng mạnh (7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập 11,7 ngàn tấn thịt lợn, tăng gấp 3,7 lần về lượng và 4,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018) đã bổ sung vào phần thiếu hụt do ảnh hưởng DTLCP.

Ngoài thịt lợn, các DN cũng đã có kế hoạch chuẩn bị các mặt hàng thực phẩm thiết yếu thay thế thịt lợn như thịt bò, thịt gà, trứng gia cầm... cho thị trường cuối năm để phòng tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Bộ NN&PTNT cũng khuyến nghị, để tăng nguồn cung thịt lợn cho thị trường dịp cuối năm, các địa phương tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học; đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, thủy sản và nhập khẩu thịt bò, gà ... để thay thế thịt lợn sản xuất trong nước.

Theo Bộ NN&PTNT, DTLCP làm giảm sản lượng lợn, giá sẽ tăng. Như vậy, năm nay và vài năm nữa thị trường thịt lợn chắc chắn hấp dẫn người chăn nuôi, thế nhưng việc tái đàn là vấn đề rất căn cơ.

Ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, tái đàn lại cũng phải thực hiện theo chủ trương, khi nào dịch ổn định, cơ quan quản lý sẽ thông báo cụ thể. Khi điều kiện cho phép thì tăng đàn trở lại để phục hồi chăn nuôi đáp ứng thị trường cuối năm. Tuy nhiên, tái đàn hay mở rộng quy mô sản xuất phải chú ý đến dịch bệnh, chú ý đến cân đối thị trường, tránh đầu tư ồ ạt vì sẽ bất ổn.

T.Hà - T.Giang

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/chu-dong-nguon-cung-thit-lon-cho-thi-truong-dip-cuoi-nam-564635/