Chủ động ngăn ngừa tranh chấp lao động cuối năm

Có chính sách đãi ngộ tốt cho người lao động sẽ hạn chế tranh chấp lao động tập thể ở các doanh nghiệp vào dịp cuối năm

Thời điểm những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp (DN) phải chạy đua sản xuất để đáp ứng các đơn hàng. Do đó, nhu cầu về lao động và tăng ca sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, những vấn đề về tăng lương, thưởng Tết cũng được người lao động (NLĐ) rất quan tâm. Để hạn chế những vụ tranh chấp lao động tập thể, nhiều DN đã tính trước các phương án để ổn định quan hệ lao động.

Tranh chấp chủ yếu do lương, thưởng

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xảy ra 19 vụ đình công của hơn 7.000 công nhân, giảm 9 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Những địa bàn để xảy ra đình công nhiều nhất là huyện Nhơn Trạch (9 vụ), KCN Biên Hòa (5 vụ). Các vụ đình công tập trung chủ yếu vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan.

Ông Hồ Thanh Hồng, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, cho biết nguyên nhân dẫn đến các vụ đình công chủ yếu liên quan đến việc DN chưa thực hiện nghiêm những quy định liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ. Bên cạnh đó, một số DN chưa chủ động xây dựng và điều chỉnh công khai, phù hợp với phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo quy định, cắt giảm các khoản phụ cấp ngoài lương, trả lương chậm, chưa thỏa thuận với NLĐ khi tổ chức làm thêm giờ, trả lương làm thêm giờ chưa đúng.

"Có đến 70% DN có vốn đầu tư nước ngoài khi báo cáo với cơ quan chức năng đều nói đã xây dựng và đăng ký thang, bảng lương. Tuy nhiên, khi đình công xảy ra, qua kiểm tra, làm việc của đoàn công tác liên ngành mới phát hiện nhiều DN như: Công ty TNHH MTV Chính Túc (TP Biên Hòa), Công ty TNHH Lực Quán (KCN Tam Phước, TP Biên Hòa) không áp dụng đúng theo thang, bảng lương đã đăng ký và thông báo với các cơ quan quản lý nhà nước về lao động" - ông Hồng cho biết.

Đặc biệt, có những DN như Công ty TNHH Timber Industries (KCN Tam Phước, TP Biên Hòa) chưa xây dựng quy chế lương, thưởng, chưa chủ động thông báo việc thực hiện các chính sách của nhà nước đối với NLĐ, như chính sách về thuế thu nhập cá nhân, khiến NLĐ bức xúc, đình công kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của công ty và việc làm, thu nhập của NLĐ. Việc một số DN chưa chủ động thương lượng, thỏa thuận với NLĐ những chế độ phúc lợi như tiền đi lại, hỗ trợ nhà ở, tiền ăn giữa ca, tiền chuyên cần; thái độ của cán bộ chủ quản người nước ngoài chưa tốt cũng khiến NLĐ bức xúc.

Bảo đảm lương, thưởng cho người lao động là biện pháp ổn định quan hệ lao động cuối năm

Bảo đảm lương, thưởng cho người lao động là biện pháp ổn định quan hệ lao động cuối năm

Giải quyết thỏa đáng bức xúc của NLĐ

Trong khi đó, để kéo giảm tình trạng đình công, ngừng việc tập thể tại các DN chuyên ngành gỗ, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh, Công đoàn (CĐ) KCN Biên Hòa cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các KCN và Chi hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai đã nhiều lần họp, trao đổi, thương lượng, thống nhất các nội dung hướng tới ký kết thỏa ước lao động tập thể với 8 DN gỗ đang hoạt động tại KCN Tam Phước, TP Biên Hòa. Dự kiến trong tháng 10 này, bản thỏa ước lao động tập thể nhóm DN gỗ sẽ được ký kết với các nội dung chính gồm: Hằng năm, DN xét nâng lương cho NLĐ đủ điều kiện với mức nâng ít nhất bằng 5% lương cơ bản; DN tham khảo ý kiến của CĐ cơ sở để xét thưởng cho NLĐ (ít nhất bằng một tháng lương cơ bản) và thông báo cho NLĐ biết chậm nhất 15 ngày trước ngày nghỉ Tết nguyên đán; trị giá suất ăn giữa ca ít nhất bằng 16.000 đồng. Ngoài ra, NLĐ còn được hỗ trợ tiền nhà ở và đi lại (100.000 đồng/người/tháng), phụ cấp nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi (100.000 đồng/cháu/tháng).

Chia sẻ kinh nghiệm ổn định quan hệ lao động tại DN, bà Phạm Thị Phương - Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam (KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa) - cho biết: "Hằng tháng, CĐ cơ sở và ban giám đốc thường xuyên tổ chức họp định kỳ và đối thoại với NLĐ. Thông qua đối thoại, NLĐ có cơ hội để trình bày những bức xúc, nguyện vọng, tâm tư của mình với chủ DN. Từ đó, chủ DN hội ý và đưa ra những phương án giải quyết thấu tình đạt lý, giúp NLĐ an tâm công tác". Nhờ cách làm này, từ năm 2008 đến nay, DN không xảy ra tình trạng ngừng việc tập thể.

Ông Phan Tới Thọ Hiệp, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Tokin Electronics Việt Nam (KCN Long Bình, TP Biên Hòa), cho hay để ổn định mối quan hệ lao động giữa chủ DN và NLĐ, dịp cuối năm, CĐ công ty sẽ tăng cường tuyên truyền và tư vấn pháp luật cho NLĐ. Đồng thời, phối hợp với các phòng, ban kiểm tra, giám sát về việc DN thực hiện các chế độ chính sách pháp luật đối với NLĐ. CĐ cũng sẽ thường xuyên tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để phối hợp với các phòng, ban trong công ty giải quyết kịp thời.

Các cấp CĐ, đặc biệt là CĐ cơ sở, cần sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, từ đó đề xuất với chủ DN giải quyết kịp thời nhằm hạn chế đình công, lãn công dịp cuối năm. Đồng thời phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách, đặc biệt là trả lương, thưởng Tết tại DN".

NGUYỄN THỊ NHƯ Ý (Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai)

Bài và ảnh: TÙNG LÂM

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/chu-dong-ngan-ngua-tranh-chap-lao-dong-cuoi-nam-20191002221830215.htm