Chủ động ngăn ngừa làn sóng dịch Covid-19 thứ ba

Sau gần một tháng cả nước không ghi nhận ca lây nhiễm mới Covid-19 trong cộng đồng, tâm lý chủ quan, lơ là phòng, chống dịch lại bắt đầu xuất hiện ở một bộ phận không nhỏ người dân trong xã hội.

Sau gần một tháng cả nước không ghi nhận ca lây nhiễm mới Covid-19 trong cộng đồng, tâm lý chủ quan, lơ là phòng, chống dịch lại bắt đầu xuất hiện ở một bộ phận không nhỏ người dân trong xã hội.

Tình trạng người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng, nơi đông người, khi ra đường và không rửa tay sát khuẩn thường xuyên… lại diễn ra khá phổ biến. Nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 trong thời gian tới vẫn còn tiềm ẩn rất lớn, nhất là khi nước ta mở lại các đường bay thương mại quốc tế để khôi phục nền kinh tế. Theo các chuyên gia, bốn nguồn có nguy cơ lây nhiễm lớn nhất, bao gồm: Ðối tượng nhập cảnh trái phép; người nhập cảnh hợp pháp nhưng không thực hiện nghiêm túc quy định cách ly, giám sát y tế; nguồn bệnh lưu hành trong cộng đồng; một số mặt hàng nhập khẩu được sản xuất hoặc vận chuyển qua các nước có dịch bệnh.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ hai, các cấp, các ngành, các địa phương, cả hệ thống chính trị ở TP Hồ Chí Minh với tinh thần quyết liệt, triệt để đã triển khai đồng bộ các giải pháp và sớm ngăn chặn được sự lây lan trong cộng đồng. Ðây là tiền đề rất quan trọng để thành phố khôi phục nhanh kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Ðể ngăn ngừa làn sóng thứ ba của dịch Covid-19, UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng hoặc những nơi tập trung đông người. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện mục tiêu kép, chú trọng thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh. Mục tiêu được đưa ra là phấn đấu đến cuối năm 2020, thành phố không ghi nhận thêm ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, nhất là từ nay đến hết tháng 10 để bảo đảm điều kiện tốt nhất tiến hành Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 11.

Ðể thực hiện được điều này, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khi tổ chức các sự kiện tập trung đông người, hội nghị, hội chợ, hội thảo... phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Sở Du lịch được giao thẩm định thêm các cơ sở lưu trú để mở rộng các địa điểm cách ly có thu phí, đáp ứng nhu cầu cách ly y tế cho người nhập cảnh. Sở Y tế nhanh chóng xây dựng phương án giải quyết các trường hợp người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc, nhất là công tác xét nghiệm, quá trình di chuyển, thực địa của các chuyên gia nước ngoài; nghiên cứu việc xét nghiệm nhanh vi-rút SARS-CoV-2 ngay tại sân bay đối với người nhập cảnh; cập nhật các kịch bản, phương án ứng phó với dịch bệnh phù hợp theo từng cấp độ nguy cơ; tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập và chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực cho các tình huống dịch bệnh; tiếp tục thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch không để lây lan trong các cơ sở y tế; mở rộng triển khai hoạt động khám, chữa bệnh từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin để thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương nâng cao năng lực cán bộ y tế...

Mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng nguy cơ bùng phát trở lại vẫn rất cao khi tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Do đó, người dân, chính quyền địa phương các cấp không được chủ quan, lơ là, đề cao cảnh giác và chủ động thực hiện nghiêm các biện phòng, chống dịch.

KHÁNH DUY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dan-biet-dan-ban/chu-dong-ngan-ngua-lan-song-dich-covid-19-thu-ba-618458/