Chủ động ngăn hàng giả, hàng nhái và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong ASEM

Đó là một phần nội dung được lãnh đạo Tổng cục Hải quan đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) lần thứ 13 diễn ra vào sáng ngày 3/10 tại trụ sở Tổng cục Hải quan.

Phóng viên nêu vấn đề ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới, vậy cơ quan Hải quan sẽ có những hành động gì để thực thi hiệu quả trong hành động Hải quan ASEM giai đoạn 2020-2021.

Giải đáp câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, dựa trên 4 ưu tiên chính được thông qua tại Hội nghị ASEM 12, dự kiến chương trình hoạt động trong Kế hoạch Hành động Hải quan ASEM giai đoạn 2020-2021 sẽ gồm 8 vấn đề ưu tiên.

Cụ thể, tạo thuận lợi cho thương mại và thủ tục hải quan phi giấy tờ; thực thi cơ chế một cửa trong bối cảnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ chuỗi khối (blockchain); kiểm soát hải quan hiệu quả sử dụng công nghệ không gián đoạn; chiến dịch hải quan xanh nhằm ngăn chặn vận chuyển trái phép phế liệu và rác thải; hoạt động hải quan phối hợp nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới; kết nối ASEM thông qua cơ chế chia sẻ và trao đổi thông tin; kợp tác ASEM liên quan đến các hoạt động quá cảnh và chuyển tải và quản lý hải quan đối với thương mại điện tử.

Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành chủ trì họp báo sáng ngày 3/10. Ảnh: H.Nụ

Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành chủ trì họp báo sáng ngày 3/10. Ảnh: H.Nụ

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, nằm trong khuôn khổ hợp tác hải quan chung ASEM, đầu tháng 3/2019, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với cơ quan chống hàng giả châu Âu (OLAF) tổ chức các hoạt động triển khai hoạt động hợp tác hải quan liên quan đến đấu tranh chống hàng giả và thực thi quyền sở hữu trí tuệ với hàng tiêu dùng nhanh (gọi tắt là JCO HYGIEA).

Chương trình hành động này nhằm tăng cường bảo vệ người tiêu dùng dưới hình thức phát động chiến dịch hoạt động hải quan chung nhằm đấu tranh chống hàng giả và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với nhóm hàng tiêu dùng nhanh (hàng gia dụng, nhu yếu phẩm, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cá nhân…).

Cách thức triển khai chiến dịch dựa trên việc trao đổi thông tin về việc di chuyển các lô hàng có yếu tố rủi ro cao, thông qua việc sử dụng ứng dụng trực tuyến (VOCU) thuộc hệ thống thông tin chống gian lận (AFIS) do OLAF phát triển.

Theo đó, chiến dịch được chia làm 4 giai đoạn: Giai đoạn trước khi triển khai, các nước thành viên thu thập và cung cấp thông tin về các lô hàng rời khỏi nước mình để đến người nhận tại EU. Thông tin được thu thập phù hợp với các hồ sơ được xác định cho hoạt động này, dựa trên phân tích hoạt động ban đầu của những hàng hóa vi phạm đã bị bắt giữ trước đó. Các chỉ số rủi ro được xác định trên cơ sở dữ liệu quốc gia của các nước thành viên tham gia hoặc theo các chỉ số và tiêu chí rủi ro được thiết lập cho hoạt động này cần được sử dụng trong giai đoạn trước và trong khi triển khai đối với các lô hàng được khai báo là đã được dỡ xuống tại một số cảng của một trong các nước thành viên tham gia.

Giai đoạn thực hiện chiến dịch, các thành viên tham gia thực hiện đánh giá rủi ro trên cơ sở vận đơn và thông tin tờ khai của các lô hàng đến từ một trong các cảng lực chọn và được chuyển xuống tại một số cảng được lựa chọn khác và lựa chọn các lô hàng để xác minh căn cứ các tiêu chí rủi ro của quốc gia hoặc quốc tế đã được xác định.

Giai đoạn sau chiến dịch lần 1, các nước thành viên thông báo cho các điều phối về các trường hợp bắt giữ và thông tin liên quan cần thiết để đánh giá hoạt động; lần 2 sẽ không có thông tin và báo cáo mới được cập nhật trên VOCU.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga thông tin thêm, tính đến tháng 7/2019, tổng số lô hàng được lựa chọn để xác minh trên hệ thống VOCU của OLAF là 195 trong đó có 37 lô hàng bị bắt giữ.

Với những kết quả đó, khẳng định Hải quan Việt Nam là thành viên tích cực tham gia chiến dịch này và là một trong số ít các nước có cán bộ được OLAF lựa chọn làm cán bộ liên lạc trực tiếp làm việc tại Ủy ban châu Âu trong 2 tuần với nhiệm vụ liên lạc, đề xuất, phân tích và phản hồi các yêu cầu thông tin giữa OLAF với các đầu mối quốc gia của các nước tham gia chiến dịch, bà Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, trong số các chương trình hoạt động này, với tư cách là nước chủ nhà Việt Nam đề xuất chương trình hoạt động vệ thực hiện chiến dịch hải quan xanh nhằm áp dụng các biện pháp ngăn chặn rác thải nhập vào Việt Nam. Ngoài ra, cùng với Cộng hòa Malta, Hải quan Việt Nam sẽ thực hiện một chương trình hoạt động liên quan đến quản lý hải quan đối với hàng chuyển tải qua các điểm trung chuyển đường biển.

Đảo Lê

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/chu-dong-ngan-hang-gia-hang-nhai-va-thuc-thi-quyen-so-huu-tri-tue-trong-asem-112608.html