Chủ động ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm qua biên giới

Theo tài liệu của cơ quan chức năng Trung Quốc, nước này đã xuất hiện 14 ổ dịch tại 6 tỉnh, thành phố với tổng số hơn 38.000 con lợn bị nhiễm bệnh dịch tả châu Phi buộc phải tiêu hủy. Vì vậy, các đơn vị BĐBP trên tuyến biên giới Việt - Trung đang nỗ lực ngăn chặn các hoạt động vận chuyển, mua bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm từ thịt lợn nhập lậu từ Trung Quốc tràn qua biên giới vào Việt Nam.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai bắt giữ vụ vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc nhập lậu qua biên giới. Ảnh: Lê Đồng

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai bắt giữ vụ vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc nhập lậu qua biên giới. Ảnh: Lê Đồng

Nâng cao cảnh giác

Tỉnh Lào Cai là địa phương có 26 xã, phường thuộc 5 huyện tiếp giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Trên biên giới có 3 cửa khẩu và nhiều đường mòn, lối mở dân sinh thường xuyên có hoạt động vận chuyển hàng hóa, giao thương và du lịch giữa hai nước. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi từ Trung Quốc qua biên giới vào tỉnh Lào Cai là rất cao. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại, du lịch, đặc biệt là cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm từ thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến cũng có thể đưa vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn.

Thực hiện Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam và Kế hoạch của UBND tỉnh Lào Cai về ứng phó khẩn cấp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, BĐBP Lào Cai đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ biên phòng, tập trung lực lượng ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ Trung Quốc vào Việt Nam. Đồng thời, triển khai lực lượng giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, khu vực biên giới đối với người, phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam.

Đặc biệt, trong thời gian qua, do biến động của giá lợn tăng cao, trên địa bàn biên giới tỉnh Lào Cai đã có hiện tượng tư thương nhập lậu thịt, lợn thương phẩm qua các đường mòn, lối mở dân sinh trên biên giới, vận chuyển trái phép vào nội địa để tiêu thụ làm tăng nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Vào đầu tháng 8-2018, Đồn Biên phòng Mường Khương đã bắt giữ một xe ô tô chở 20 con lợn nhập lậu từ bên kia biên giới về Việt Nam với tổng trọng lượng 2.000kg. Vì vậy, nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh từ thịt lợn qua biên giới vẫn khá phức tạp, khó kiểm soát. Theo số liệu của Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Lào Cai, từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị đã bắt giữ, xử lý 30 vụ với 42 đối tượng, tang vật thu giữ 49kg lạp sườn, 545kg thực phẩm đông lạnh, 22 con lợn có tổng trọng lượng 3.200kg và nhiều tang vật khác có liên quan.

Công tác kiểm tra, kiểm soát đối với người, phương tiện vận chuyển hàng hóa tại khu vực cửa khẩu được BĐBP Lào Cai phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện chặt chẽ. Ảnh: Lê Đồng

Triển khai các biện pháp trên tuyến biên giới

Để thực hiện tốt biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm qua biên giới, BĐBP Lào Cai đã chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo các đơn vị trong tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa bàn để xác định phương thức, thủ đoạn, cũng như xác định các đối tượng là đầu nậu, qua đó có phương án đấu tranh, ngăn chặn một cách quyết liệt.

Đại tá Tống Chính Phúc, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Lào Cai cho biết: “Với phương châm ngăn chặn dịch bệnh ngay từ biên giới, nhiều ngày qua, BĐBP Lào Cai đã triển khai lực lượng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các bến bãi, khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên biên giới, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các hoạt động mua bán, vận chuyển, nhập lậu động vật, sản phẩm từ động vật. Các đơn vị tổ chức tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi để nhân dân biết được tác hại của việc nhập lậu lợn, sản phẩm từ thịt lợn nhập lậu, từ đó không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển nhập lậu lợn vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ”.

Ngày 2-10-2018, tại buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh biên giới phía Bắc về công tác ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: “Do dịch tả lợn châu Phi là bệnh lây nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc-xin tiêm phòng và tỉ lệ chết lên tới 100%, nên việc phòng chống dịch là rất quan trọng. Khi phát hiện, bắt giữ các lô hàng thịt, nội tạng lợn không rõ nguồn gốc, các cơ quan chức năng phải phân tích và tiêu hủy ngay theo đúng quy định của Cục Thú y. Đồng thời, tiếp tục vận động 100% cơ sở chăn nuôi, giết mổ tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột và ký cam kết không buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn và sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc, nhất là ở các địa phương giáp biên giới.

Ông Hà Công Tuấn đề nghị các tỉnh và các lực lượng Hải quan, BĐBP, Quản lý thị trường, Thú y... cần trao đổi thông tin thường xuyên, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để ngăn chặn dịch hiệu quả.

Càng về cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn càng lớn, vì vậy, hoạt động mua bán, vận chuyển lợn, các sản phẩm từ thịt lợn nhập lậu càng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh, do đó, công tác phòng chống dịch bệnh nói riêng và ngăn chặn buôn lậu gia súc, gia cầm nói chung trên khu vực biên giới vẫn đang là thách thức lớn đối với các lực lượng chức năng.

Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến ngày 10-9-2018, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 500.000 con. Riêng Trung Quốc, từ đầu tháng 8-2018 đến ngày 9-9-2018, đã có 14 ổ dịch xuất hiện trên 6 tỉnh, thành phố với tổng số hơn 38.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy. Điều quan ngại nhất, đó là nguồn bệnh trên đàn lợn đang có xu hướng dịch chuyển sang phía Nam Trung Quốc (giáp biên giới Việt Nam).

Lê Đồng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chu-dong-ngan-chan-dich-ta-lon-chau-phi-xam-nhiem-qua-bien-gioi/