Chủ động nắm bắt phản hồi từ người tiêu dùng

Hiện nay, để nâng cao tính cạnh tranh, tiếp cận gần hơn với thị hiếu người tiêu dùng, nhiều thương hiệu, doanh nghiệp (DN), sàn thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng chủ động thiết lập các kênh khảo sát, lấy ý kiến, phản hồi từ người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ…

Người tiêu dùng tham khảo các thông tin sản phẩm khi mua sắm tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương

Người tiêu dùng tham khảo các thông tin sản phẩm khi mua sắm tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương

* Người tiêu dùng ngày càng quan tâm

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn tới các sản phẩm trong nước, nhiều sản phẩm nội có chất lượng, mẫu mã có thể cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm ngoại. Tuy nhiên, chỗ khó là mức độ phổ biến, “độ phủ” về thương hiệu của sản phẩm trong nước, hàng hóa địa phương vẫn là bài toán nan giải. Vấn đề liên quan đến phát triển thương hiệu, xây dựng các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, cũng như các kênh phản hồi, hậu mãi… đang trở thành một khâu quan trọng, thiết yếu trong chuỗi sản xuất và cung ứng hiện nay.

Ông PHẠM GIA HẢI, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai chia sẻ, xu hướng mua sắm online đang ngày càng phổ biến, người tiêu dùng nên chọn các đơn vị, sàn TMĐT có uy tín, đại lý cung cấp chính hãng, có địa chỉ, thông tin rõ ràng để đảm bảo các quyền lợi về chính sách hậu mãi, bảo hành sản phẩm. Bên cạnh đó, các DN sản xuất, đơn vị cung ứng cần đảm bảo đạo đức, chữ tín trong sản xuất, kinh doanh, từ đó giữ vững thương hiệu của DN, xây dựng môi trường kinh doanh - tiêu dùng lành mạnh, văn minh.

Việc mua bán sản phẩm, hàng hóa ngày nay rất đơn giản, chỉ cần cú click chuột hoặc cuộc điện thoại đã có người giao đến tận nơi. Tuy nhiên, để thử nghiệm xem sản phẩm đó có phù hợp hay không, ưu nhược điểm thế nào thì lại phụ thuộc vào trải nghiệm của khách hàng sau khi đã sử dụng sản phẩm. Quá trình đó có thể “giữ chân” khách hàng, khiến họ yêu thích, tin tưởng hoặc cũng có thể quay lưng với DN hay sản phẩm đó.

Ông Nguyễn Văn Trung (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết: “Gia đình tôi hay đi trung tâm thương mại, siêu thị để mua sắm. Tôi nhận thấy rằng, các thương hiệu, sản phẩm Việt hiện đã phủ sóng trên các kệ, quầy, cũng như có nhiều cải thiện trong bao bì, hình ảnh sản phẩm. Tuy nhiên, dịch vụ hậu mãi của những thương hiệu trên như: hỗ trợ bảo hành miễn phí, chính sách đổi trả và cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng... là rất ít. Trong khi đây là những yếu tố quan trọng giúp nâng cao uy tín, độ tin cậy, ảnh hưởng đến quyết định có mua sản phẩm, thương hiệu đó hay không. Do đó, tôi mong sẽ ngày càng có nhiều hơn những dịch vụ hậu mãi đi kèm để DN Việt đến gần hơn với người tiêu dùng Việt”.

Bà Trần Thị Kim Anh (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) cho hay, cuộc sống ngày càng phát triển, sở dĩ một số người tiêu dùng, bà nội trợ lựa chọn hàng ngoài nhập là vì những dịch vụ của họ luôn đi trước một bước. Ví dụ khi mua online trên sàn TMĐT, website những sản phẩm gia vị, thức uống, dầu gội... ngoại, họ đều có đội ngũ tư vấn viên, chương trình ưu đãi thường xuyên, do vậy khách hàng biết mình phù hợp với loại nào hoặc nếu không phù hợp thì sau khi phản hồi sẽ có những ưu đãi đổi - trả nhất định khiến khách hài lòng; còn những sản phẩm Việt chưa chú trọng vào khâu này.

“Vào tháng trước, tôi có mua lốc nước uống lành mạnh của một thương hiệu Việt trên sàn TMĐT, tuy nhiên mua về bỏ tủ mát 1 tuần đã bốc mùi khó chịu, đổi màu, không còn dùng được phải đổ đi hết. Sau đó, tôi có tìm hiểu trên internet thì mới biết sản phẩm đó phải cấp đông mới bảo quản được lâu, trong khi người bán không tư vấn giúp tôi cách bảo quản, đặc tính sản phẩm. Tôi mong rằng các cá nhân, đơn vị kinh doanh hàng Việt sẽ chú ý mảng chăm sóc khách hàng, tương tác đa kênh để khi khách gửi phản hồi qua website, email hay mục inbox online thì cũng có thể hỗ trợ thật nhanh chóng...” - bà Kim Anh chia sẻ.

* Tiền đề cho các giải pháp phát triển thị trường

Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện nhận định, hiện nay nhiều DN ở địa phương, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa vẫn còn thiếu các kênh phản hồi, đánh giá của khách hàng. Điều này sẽ khiến cho nhiều DN có nguy cơ bị “chậm chân” so với các DN lớn, các công ty đa quốc gia… trong khâu cập nhật, nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm theo thị hiếu của người tiêu dùng.

Bên cạnh sự chủ động từ phía DN, để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa địa phương, cơ quan chức năng cần có thêm nhiều chương trình, phương án hỗ trợ phát triển thị trường, tiếp thị, tổ chức các đợt khảo sát ý kiến người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, sẽ xác định những nhiệm vụ trọng tâm và đề xuất những cơ chế, chính sách để tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong thời gian tới.

Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh vừa có kế hoạch khảo sát ý kiến nhân dân về kết quả thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn Đồng Nai năm 2022. Cuộc khảo sát dự kiến sẽ triển khai trong quý II, quý III-2022 với khoảng 3,5 ngàn phiếu khảo sát dành cho người tiêu dùng trên địa bàn các huyện, thành phố.

Nội dung khảo sát gồm: công tác tuyên truyền về triển khai cuộc vận động ở địa bàn dân cư; đánh giá của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa, hệ thống phân phối, kinh doanh thông qua hình thức TMĐT… của DN, nhà sản xuất hàng Việt Nam. Hình thức tiếp cận thông tin về sản phẩm, hàng hóa và hình thức thanh toán khi mua sắm sản phẩm, hàng hóa; tâm tư, nguyện vọng của người tiêu dùng đối với DN, nhà sản xuất và các giải pháp để hỗ trợ DN và phát triển thị trường…

Lam Phương

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202205/chu-dong-nam-bat-phan-hoi-tu-nguoi-tieu-dung-3118456/