Chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ

Năm 2019, với nỗ lực và quyết tâm cao của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các đơn vị trong toàn ngành, hoạt động ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các mục tiêu, định hướng phát triển của ngành cơ bản hoàn thành. Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá, lãi suất được duy trì ổn định; tín dụng tăng trưởng hiệu quả phù hợp với mục tiêu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế... Những kết quả đạt được này sẽ tạo tiền đề cho việc hoàn thành kế hoạch của cả giai đoạn 2016-2020, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của nền kinh tế đất nước.

Dòng vốn từ ngân hàng đã thúc đẩy sản xuất của DN tăng trưởng. Trong ảnh: Chế biến sản phẩm cá tra xuất khẩu tại Công ty CP Nha Trang Seafoods, KCN Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Điều hành lãi suất hợp lý

Năm qua, NHNN đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết tiền tệ hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD) ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Việc thực hiện các công cụ chính sách tiền tệ đã góp phần kiểm soát lạm phát với mức lạm phát bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79% và thấp nhất trong 3 năm qua, thấp hơn mục tiêu 4% Quốc hội đề ra. Trong đó, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,01%, tạo dư địa thuận lợi để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.

Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, với sự kiên định và nhất quán trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chúng ta đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là nền tảng rất vững chắc, đảm bảo nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao trong năm qua cũng như đạt mức tăng trưởng cao và bền vững trong những năm tới đây. Đây cũng là yếu tố then chốt để tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có hệ thống TCTD. Đồng thời củng cố lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và nhà đầu tư.

Thực hiện điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, NHNN đã chủ động linh hoạt trong điều hành bám sát chỉ đạo của Chính phủ, diễn biến thị trường, triển khai tổng thể và đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường. Nhờ đó đã ổn định được mặt bằng lãi suất trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí hợp lý. Theo đó, từ ngày 16-9-2019, NHNN đã giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành; đến ngày 19-11-2019 giảm từ 0,2-0,5%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và 0,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,75%/năm lãi suất nghiệp vụ thị trường mở; ngày 1-12-2019 giảm 0,2-0,4%/năm lãi suất đối với tiền gửi của TCTD, tổ chức tại NHNN.

NHNN kết hợp đồng bộ các biện pháp điều hòa thanh khoản nhằm ổn định thị trường, chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn và năng lực tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; cảnh báo kịp thời đối với TCTD triển khai các sản phẩm huy động vốn lãi suất cao không hợp lý với mặt bằng chung của thị trường. Kết quả, mặt bằng lãi suất thị trường được duy trì ổn định và có xu hướng giảm. Các ngân hàng thương mại có thị phần lớn, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước đã đi đầu chủ động cắt giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, áp dụng chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp với nhiều đợt cắt giảm trong năm 2019.

Quyết liệt tái cơ cấu

Năm 2020, dự báo kinh tế thế giới phục hồi nhẹ sau khi tăng trưởng chậm lại trong năm 2019. Ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục là trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành chính sách kinh tế để tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế ổn định và để nhanh cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô đổi mới hệ thống thể chế thị trường hiện đại. NHNN cũng nhận định, nội tại nền kinh tế Việt Nam còn tiềm ẩn rủi ro có thể ảnh hưởng bất lợi đến ổn định và tăng trưởng kinh tế. Sức ép lạm phát vẫn còn do tác động của nhiều yếu tố như giá dầu thế giới diễn biến khó lường; tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là dịch tả heo châu Phi làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và làm tăng giá nhóm hàng hóa lương thực, thực phẩm... Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra yêu cầu chuyển đổi số hướng đến phát triển ngân hàng số của ngành ngân hàng; các mô hình, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán điện tử đang phát triển mạnh; đòi hỏi phải sớm có khuôn khổ pháp lý phù hợp, vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhưng phải đảm bảo hoạt động an toàn, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng.

NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; thực hiện nhất quán mục tiêu xuyên suốt là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô kiểm soát lạm phát (mục tiêu dưới 4% theo Nghị quyết của Quốc hội). Định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%; tín dụng tăng khoảng 14% có điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế. NHNN tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối khi điều kiện thị trường thuận lợi. Tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng và các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân góp phần hạn chế tín dụng đen. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, về tỷ giá và thị trường ngoại tệ, NHNN phải có rất nhiều kịch bản điều hành khác nhau, kịp thời ứng xử với mọi tình huống. Đòi hỏi các đơn vị trực thuộc NHNN phải năng động, chủ động bám sát những diễn biến của thị trường quốc tế và khu vực để kịp thời tham mưu cho NHNN, tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các giải pháp phù hợp. Trong đó ưu tiên hàng đầu là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xử lý các vấn đề mà các đối tác thương mại của nước ta quan tâm. Đồng thời cần tập trung các biện pháp tăng cường hiệu quả và chất lượng tín dụng một cách bền vững và hạn chế nợ xấu phát sinh, đảm bảo tuyệt đối việc cung ứng đủ vốn cho phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt năm 2020 là năm cuối thực hiện Đề án Cơ cấu lại và xử lý nợ xấu nên phải tập trung quyết liệt để xử lý nợ xấu, để đạt được các mục tiêu đề ra, kèm theo đó là xây dựng Đề án cơ cấu lại cho giai đoạn tới. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là một quá trình liên tục nên NHNN đã chủ động xây dựng Đề án mới báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho nhiệm kỳ tới để hệ thống ngân hàng củng cố mạnh mẽ hơn, tập trung cho việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng, đặc biệt là nghiên cứu sửa đổi Luật NHNN, Luật Các TCTD, Luật Bảo hiểm tiền gửi. Chỉ đạo các TCTD tuân thủ các quy định pháp luật về hoạt động tiền tệ ngân hàng, đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/chu-dong-linh-hoat-trong-dieu-hanh-chinh-sach-tien-te-a117085.html