Chủ động, linh hoạt, kịp thời

Ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển, BĐBP Nam Định còn nhận thức rõ vai trò trong công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN). Bước vào mùa mưa bão năm 2014, BĐBP Nam Định đã chủ động triển khai các phương án, kế hoạch, kịp thời ứng phó với mọi tình huống phức tạp của thiên tai, tham gia TKCN xảy ra trên biển, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Mỗi khi có mưa bão, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nam Định thường trực, kêu gọi ngư dân chằng chống phương tiện an toàn.

Đại tá Nguyễn Văn Sinh, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Nam Định cho biết, để thực hiện tốt nhiệm vụ PCLB-TKCN, ngay từ đầu năm, BĐBP Nam Định đã xây dựng và triển khai kế hoạch PCLB-TKCN tới các cơ quan, đơn vị, duy trì công tác phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến phức tạp của thời tiết, chủ động, sẵn sàng các phương án đối phó với các tình huống bất lợi của thiên tai. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương huy động lực lượng, phương tiện, thực hiện phương châm "4 tại chỗ" để phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân trong công tác PCLB-TKCN.

Các đơn vị còn thường xuyên duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, xử lý kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xảy ra và thực hiện tốt các chương trình kế hoạch huấn luyện, diễn tập do địa phương tổ chức, tạo sự thống nhất và nâng cao năng lực thực hành trong xử lý hiệu quả các tình huống PCLB-TKCN trên khu vực biên giới biển.

Để ứng phó với tình hình bão lũ năm 2014, BĐBP tỉnh thường xuyên bố trí ứng trực các xe ô tô, tàu, xuồng và các phương tiện nghiệp vụ chuyên dụng ở cửa sông Ninh Cơ và duy trì 4 điểm bắn pháo hiệu báo bão, áp thấp nhiệt đới. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng, các ngành chức năng tổ chức tuần tra, kiểm tra hệ thống đê, kè, cống ở những vị trí xung yếu, nắm chắc tình hình, số lượng người, phương tiện đang hoạt động trên biển.

Khi có bão, áp thấp nhiệt đới gần bờ, Hải đội 2, các đồn BP sử dụng xuồng máy và trưng dụng phương tiện của ngư dân để kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển di chuyển vào nơi tránh, trú bão an toàn. Các đồn BP phân công các đội tuần tra phối hợp với lực lượng địa phương đến từng hộ dân ở khu vực ngoài đê, các lều, chòi trông coi đầm bãi nuôi trồng thủy sản vận động sơ tán tài sản, yêu cầu nhân dân về nơi tránh trú bão an toàn. Các trạm kiểm soát cố định ở các cửa sông, các tổ kiểm soát lưu động ở bãi ngang, bến bãi neo đậu tàu tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện nghiêm lệnh cấm biển không cho tàu, thuyền ra khơi khi có tin bão, áp thấp nhiệt đới...

Nói về hiệu quả công tác PCLB-TKCN, Đại tá Nguyễn Văn Sinh cho rằng, đối với người lính Biên phòng ở tuyến biển, việc đối mặt với sóng to gió lớn đã trở thành chuyện thường nhật. Từ đầu năm 2013 đến nay, các đơn vị BĐBP Nam Định đã thông báo, vận động được 2.750 lượt người trên các lều, chòi trông coi đầm bãi ở khu vực ven biển, di dời 2.500 hộ dân ở khu vực nguy hiểm vào nơi tránh bão an toàn, tổ chức sắp xếp neo đậu tại bến cho 5.500 lượt phương tiện, kịp thời cử các đoàn công tác xuống giúp dân khắc phục hậu quả sau các cơn bão.

Mặt khác, các đơn vị đã tham gia cứu hộ thành công 9 vụ tai nạn trên biển, cứu sống trên 25 người dân, đặc biệt, Đồn BP Văn Lý đã kịp thời cứu thành công 2 cháu bé bị đuối nước tại xã Văn Lý, huyện Hải Hậu. Điều đáng nói là có những vụ tai nạn xảy ra trong tình huống hết sức nguy hiểm, song cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã phát huy tinh thần trách nhiệm, dũng cảm, sáng tạo, hoàn thành tốt yêu cầu nhiệm vụ, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

BĐBP Nam Định tham gia gia cố những điểm sạt lở bảo vệ tài sản cho nhân dân.

Đại tá Nguyễn Văn Sinh nhớ như in vụ tại nạn xảy ra ngày 18-9-2013, với con tàu TB1548 do anh Trần Ngọc Ruynh (35 tuổi), trú tại thị trấn Trực Ninh, tỉnh Nam Định làm Thuyền trưởng, chở 1.400 tấn xi măng từ tỉnh Ninh Bình đi Quảng Ninh thì bị mắc cạn và đắm một phần thân, cách cửa Ba Lạt khoảng 3 hải lý về hướng Đông Nam.

Nhận được tin báo, Bộ Chỉ huy BĐBP Nam Định đã chỉ đạo các đơn vị cơ động lực lượng, nhanh chóng tiếp cận hiện trường tham gia cứu hộ. Ngoài số phương tiện và cán bộ, chiến sĩ của Hải đội 2 và Đồn BP Ba Lạt, tổ công tác đã trưng dụng tới 5 tàu có công suất từ 24 đến 100CV cùng nhiều ngư dân, tập trung mọi nỗ lực để cứu hộ.

Tuy nhiên, do sóng to, gió lớn, lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận được tàu bị nạn. Trong tình thế cấp bách, nhận thấy phương án hiện tại không mấy khả quan, BĐBP Nam Định đã nhanh chóng báo cáo với Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Quốc phòng, đề nghị điều trực thăng hỗ trợ.

Với phương án linh hoạt này, các thuyền viên sau đó đã được cứu hộ kịp thời và đưa vào bờ an toàn. Mới đây nhất, ngày 12-2-2014, tàu HP 3363 của Công ty TNHH Xuân Trường, do Hoàng Xuân Hải, trú tại Xuân Trường, Nam Định làm Thuyền trưởng, cùng 4 thuyền viên chở 950 tấn Clanke bị chìm cách cửa Ba Lạt 5 hải lý. Trước nguy cơ "ngàn cân treo sợi tóc", 4 thuyền viên phải bám vào phao bè trôi dạt trên biển.

Sau khi nhân được tín hiệu cấp cứu, BĐBP Nam Định huy động 2 tàu cá, 5 bè mảng, 1 xuồng cùng với 2 tàu của Hải đội 2, phối hợp với 1 tàu BĐBP Thanh Hóa và thông báo cho các tàu của ngư dân đang đánh bắt trong khu vực tìm kiếm, nhưng do điều kiện thời tiết xấu, sau hơn 2 ngày vẫn không tìm thấy người bị nạn.

Trước tình hình đó, BĐBP Nam Định báo cáo với Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Quốc phòng, đề nghị điều trực thăng hỗ trợ, nhưng vẫn không tiếp cận được với người bị nạn. Đến ngày 14-2, tàu cá NĐ 92822TS do anh Nguyễn Văn Tịnh làm Thuyền trưởng đã vớt được 4 thuyền viên cách cửa Lạch Ghép (Thanh Hóa) 26 hải lý về phía Đông. Bộ Chỉ huy BĐBP Nam Định đã nhanh chóng huy động 2 tàu Hải đôi 2 cùng với xuồng máy, phối hợp với tàu ngư dân NĐ 92822TS đưa 4 ngư dân vào cấp cứu, chăm sóc sức khỏe và đưa họ trở về đoàn tụ gia đình trong niềm hạnh phúc vô bờ bến.

Viết Lê

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chu-dong-linh-hoat-kip-thoi/