Chủ động, linh hoạt, khẩn trương

Năm nào cũng vậy, mỗi khi đến mùa mưa, bão thì nỗi lo úng ngập luôn hiện hữu với mỗi người dân và là trăn trở với ngành Thoát nước Hà Nội. Hiện nay, khu vực nội thành vẫn tồn tại 15 điểm úng ngập cục bộ và nhiều điểm khác sẽ xuất hiện trong điều kiện mưa to liên tục (trên 2 giờ).

Như vậy, số điểm úng ngập đã giảm đáng kể so với nhiều năm trước. Có được kết quả đó phải kể đến việc các cơ quan chức năng của thành phố đã triển khai hàng loạt biện pháp mang tính dài lâu, cùng sự chủ động nạo vét kênh, mương, sông trước mỗi mùa mưa bão.

Việc phòng, chống úng ngập cũng thể hiện rõ hơn khi tính dự báo, việc giám sát diễn biến mưa, lượng mưa... được Trung tâm Giám sát hệ thống thoát nước thành phố tiên lượng chính xác hơn, từ đó có “kịch bản” đối phó phù hợp. Những hoạt động này đã mang đến sự thay đổi đáng kể khi năng lực của hệ thống công trình tiêu thoát nước được cải thiện rõ nét. Các điểm úng ngập trước đây được tính bằng đơn vị ngày, tuần, thì nay có thể chỉ tính bằng phút, giờ…

Song, điều đó chưa đủ. Ngoài việc hoàn thiện hệ thống thoát nước khu vực nội đô, Hà Nội phải cải thiện hơn nữa tình trạng úng ngập ở các khu vực đô thị đang phát triển.

Để thực hiện điều này, cần nhìn rõ thực trạng của hệ thống thoát nước hiện nay. Theo đó, quy hoạch thoát nước đã được lập cho toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô. Tuy nhiên, với mạng lưới hồ điều hòa, cống, mương theo quy hoạch chưa được đầu tư cải tạo đồng bộ nên khó phát huy hết hiệu quả. Hệ thống thoát nước các khu đô thị chưa khớp nối đồng bộ với hệ thống hiện trạng chung của thành phố. Một số khu đô thị có cốt nền quy hoạch thấp hơn khu vực xung quanh dẫn đến tình trạng thường xuyên úng ngập khi có mưa như Geleximco, Bắc An Khánh (huyện Hoài Đức), Resco (Bắc Từ Liêm)... Trong khi đó, hệ thống thoát nước vùng ngoại thành không được nạo vét, khơi thông thường xuyên đã làm giảm khả năng tiêu thoát... Do đó, yêu cầu khắc phục những hạn chế trên, đẩy mạnh đầu tư và kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước là việc cần làm sớm.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân gây ngập úng được chỉ ra rất rõ, đó là diện tích đồng ruộng, hồ ao hiện được thay thế bằng các khu công nghiệp, khu đô thị, dẫn đến diện tích thu nước tiêu bị thu hẹp... Vì thế, chủ trương đào, xây thêm hồ điều hòa là việc làm mang lại ý nghĩa nhiều chiều, lâu dài cho công tác này. Do vậy, ngoài hệ thống thoát nước theo quy hoạch, nên chăng cần bắt buộc mỗi khu đô thị phải dành một diện tích nhất định để bố trí hồ nước có thể chứa đủ lượng nước mưa tương ứng với diện tích bề mặt của khu đô thị đó (tính bằng lượng mưa trung bình).

Về lâu dài, với tốc độ phát triển đô thị như hiện nay, cơ quan chức năng cần quản lý tốt quy hoạch thoát nước, xác định rõ cốt nền từng khu vực. Cùng với đó, cần ứng dụng công nghệ, số hóa toàn bộ hệ thống thoát nước nhằm đáp ứng công tác quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch này của mọi chủ thể.

Giảm úng ngập trên địa bàn thành phố là vấn đề không đơn giản. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, cần thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" với tinh thần chủ động, linh hoạt, khẩn trương và quá trình triển khai liên tục, lâu dài với nguồn lực kinh phí lớn. Với những việc Hà Nội đang dồn sức thực hiện như: Hoàn thiện hệ thống công trình hạ tầng tiêu thoát nước; bảo vệ diện tích mặt nước hiện hữu, lên kế hoạch tạo mới hồ điều hòa, cải tạo, nạo vét những hồ hiện có… chắc chắn những điểm úng ngập sẽ khép dần phạm vi. Đặc biệt, việc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thử nghiệm phần mềm HSDC Maps - cảnh báo úng ngập ứng dụng trên điện thoại thì mỗi cá nhân cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm với môi trường, không xả rác bừa bãi, không lấn chiếm công trình tiêu thoát nước của thành phố, không gây tắc nghẽn dòng chảy…

Tập trung mọi nguồn lực và tích cực ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý, vận hành sẽ tạo thế chủ động trong giải quyết hiệu quả tình trạng úng ngập hiện nay.

Minh Thúy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Luan-ban-Hanh-dong/900262/chu-dong-linh-hoat-khan-truong