Chủ động lấy và giữ nước trên ruộng

Sau các đợt lấy nước phục vụ gieo cấy lúa xuân 2020, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã rút ra nhiều kinh nghiệm ứng phó với mực nước sông hạ thấp. Từ những kinh nghiệm này, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang triển khai các giải pháp chủ động lấy nước, giữ nước trên ruộng, giảm phụ thuộc nguồn nước điều tiết của các hồ thủy điện.

Để phục vụ 11 tỉnh, thành phố khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ lấy nước gieo cấy lúa xuân 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện 3 đợt điều tiết nước các hồ thủy điện, bổ sung 2,68 tỷ mét khối cho sông Hồng. Tuy nhiên, do lòng dẫn sông Hồng hạ thấp nên trong 3 đợt xả, mực nước tại Trạm thủy văn Hà Nội (đoạn cầu Long Biên) đều không đạt yêu cầu… Thực tế này đã khiến nhiều thời điểm các trạm bơm dã chiến của Hà Nội, như: Phù Sa (thị xã Sơn Tây), Bá Giang (huyện Đan Phượng), Thanh Điềm (huyện Mê Linh) và các trạm bơm cố định: Trung Hà (huyện Ba Vì), Xuân Phú (huyện Phúc Thọ), Đan Hoài (huyện Đan Phượng) không thể hoạt động…

“Để bảo đảm đủ nước phục vụ nông dân làm đất, gieo cấy đúng khung thời vụ, công ty đã nối ống hút Trạm bơm dã chiến Phù Sa; nạo vét, tạo luồng dẫn nước vào các trạm bơm: Xuân Phú, Sơn Đà (huyện Ba Vì)…”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích Nguyễn Chí Hải chia sẻ. Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ và Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy… đã rà soát, điều chỉnh kế hoạch lấy nước của Bộ NN&PTNT trong đợt 2 và 3; vận hành toàn bộ trạm bơm lấy nước trong các đợt thủy triều trên sông Nhuệ, sông Đáy để tích trữ trong các ao, hồ, kênh mương, đồng ruộng…

Cùng với sự chủ động, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch lấy nước của các doanh nghiệp thủy lợi, các quận, huyện, thị xã đã tích cực vận động nhân dân lấy nước, giữ nước trên đồng ruộng… Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang cho biết, các xã, thị trấn trên địa bàn đã thực hiện đúng chỉ đạo của huyện, phân công cán bộ ra đồng ruộng trực tiếp hướng dẫn người dân gia cố bờ vùng, bờ thửa, lấy nước và giữ nước trên mặt ruộng… Đặc biệt, người dân trên địa bàn huyện năm nay đã thực hiện tốt phương châm “Đưa nước đến đâu làm đất, giữ nước đến đó”...

Nhờ sự chủ động, tích cực nêu trên, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã cung cấp đủ nước gieo cấy cho 89.947ha lúa xuân đúng khung thời vụ tốt nhất; góp phần tiết kiệm hơn 1,7 tỷ mét khối nước cho các hồ thủy điện trong các đợt điều tiết nước bổ sung cho sông Hồng trong vụ xuân 2020.

Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu phát triển kinh tế của con người nên lòng dẫn sông Hồng ngày càng có xu hướng hạ thấp. Tổng cục Thủy lợi dự báo từ nay đến năm 2025, mực nước sông Hồng trong tháng 2 tại Hà Nội tiếp tục giảm còn khoảng 1,1m. “Với mực nước này, phần lớn công trình lấy nước tại các tỉnh, thành phố khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ sẽ không thể vận hành, kể cả trong trường hợp các hồ thủy điện xả nước gia tăng…”, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cảnh báo.

Để ứng phó tình trạng hạ thấp mực nước sông Hồng, giảm phụ thuộc nguồn nước điều tiết của các hồ thủy điện trong những năm tới, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trạm bơm Thanh Điềm (huyện Mê Linh), hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư: Trạm bơm Ấp Bắc (huyện Đông Anh), Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm)…

Đánh giá cao sự chủ động, tích cực của thành phố Hà Nội trong việc ứng phó với mực nước sông hạ thấp, bảo đảm đủ nước gieo cấy lúa xuân 2020, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục rà soát, đề xuất thành phố Hà Nội đầu tư nhiều hơn kinh phí xây dựng các trạm bơm lấy nước ở cột nước thấp; đồng thời chỉ đạo các địa phương kiên quyết chuyển đổi diện tích trồng lúa thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước sang cây trồng có giá trị nhưng sử dụng ít nước...

Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/960760/chu-dong-lay-va-giu-nuoc-tren-ruong