Chủ động lấy nước phục vụ gieo cấy lúa đông xuân 2018-2019

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ xây dựng cụ thể kế hoạch lấy nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2018-2019, bảo đảm tiến độ lấy nước phù hợp với tiến độ lấy nước chung của toàn khu vực, tránh lãng phí nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện.

Ðường Ðề Thám, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) bị ngập sâu do triều cường. Ảnh: HÀ VĂN

Ðồng thời, đề nghị các địa phương chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng sang loại thích hợp hơn ở những vùng cao, vùng xa, thường gặp khó khăn về cấp nước và vùng trũng, thấp, thường xuyên bị ngập, lụt, úng. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát lòng sông Hồng, góp phần hạn chế tình trạng hạ thấp lòng sông…

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ chiều tối 22-10 đến 23-10, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các tỉnh miền núi phía bắc và lan rộng đến các tỉnh Bắc Bộ, gây mưa dông xảy ra ở nhiều nơi. Riêng các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang có mưa rất to và dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Dự báo hôm nay (24-10) không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 20 đến 23 độ C, vùng núi phía bắc 18 đến 20 độ C; vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai cho biết, từ 1 đến 4 giờ ngày 23-10, nhiều nơi trên địa bàn khu vực tỉnh Hòa Bình đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Một số nơi có lượng mưa lớn như Kim Bôi 141 mm, Mai Châu 98 mm, nhất là tại Quý Hòa, huyện Lạc Sơn lượng mưa đo được tới 134,2 mm.

Từ 2 giờ 30 phút đến 3 giờ 30 phút ngày 23-10, tỉnh Bắc Giang đã có nơi mưa vừa, mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được tại Bố Hạ (Yên Thế) 101,4 mm, Lạng Giang (Lạng Giang) 35mm, Bảo Sơn (Lục Nam) 37,4 mm… Trước diễn biến mưa to bất thường, các địa phương nhất là tại các huyện có lượng mưa lớn cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Ðể chủ động ứng phó mưa bão, tỉnh Quảng Ngãi đã tăng cường kiểm tra thực địa, lên kế hoạch chi tiết việc di dời, sơ tán người dân khi có lũ, lụt, bão đổ bộ tại các vùng xung yếu. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, rà soát, thống kê dân cư ở những khu vực ven sông, suối, vùng có nguy cơ sạt lở, nứt núi, ngập sâu và thành lập tổ chỉ huy tiền phương, các tổ, đội xung kích để sẵn sàng, chủ động ứng phó các tình huống khẩn cấp.

Sáng 23-10, UBND huyện Ðam Rông (Lâm Ðồng) cùng các cơ quan, đoàn thể tiếp tục hỗ trợ người dân địa phương khắc phục hậu quả trận lốc xoáy bất thường xảy ra chiều 22-10. Trước đó, trận lốc xoáy xuất hiện vào khoảng 15 giờ ngày 22-10, kèm mưa lớn và dông sét quét qua thôn 1 (xã Rô Men) và thôn 4 (xã Liêng Srol) khiến 16 ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng. Ước tính ban đầu, thiệt hại của người dân hơn một tỷ đồng.

Sau đợt triều cường gây ngập lụt nghiêm trọng khu vực trung tâm đầu tháng 10, dự báo TP Cần Thơ lại tiếp tục có hai đợt triều cường mới với mực nước sẽ vượt trên báo động 3 vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 tới. Ðể chủ động phòng ngừa, ứng phó diễn biến của triều cường, thành phố chỉ đạo các quận, huyện khẩn trương ứng phó khi triều cường lên cao, không để bị động trong mọi tình huống.

Trước diễn biến bất thường của triều cường gây lũ lịch sử, tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo từ nay đến tháng 2-2019, các đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương triển khai biện pháp phòng, chống triều cường, xâm nhập mặn để bảo vệ sản xuất trên địa bàn tỉnh. Ðồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, thực hiện tốt công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/38014402-chu-dong-lay-nuoc-phuc-vu-gieo-cay-lua-dong-xuan-2018-2019.html