Chủ động lấp lỗ hổng kiến thức về các FTA, tuân thủ luật chơi và gặt hái trái ngọt

Tham gia lưu thông trên 'hệ thống cao tốc' FTA, doanh nghiệp Việt cần tuân thủ luật chơi, chủ động dấn thân để thu về trái ngọt và tránh hệ lụy.

Các FTA như RCEP; EVFTA, CPTPP, UKVFTA... đã giúp Việt Nam mở rộng quy mô thị trường, gia tăng thặng dư thương mại. (Nguồn: VnInsider)

Các FTA như RCEP; EVFTA, CPTPP, UKVFTA... đã giúp Việt Nam mở rộng quy mô thị trường, gia tăng thặng dư thương mại. (Nguồn: VnInsider)

Điểm sáng FTA

Việc đàm phán, ký kết và thực thi hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) trong thời gian qua đang tạo điều kiện tốt cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, các FTA ngày càng thể hiện như một điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 25,76 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 78,14 tỷ USD, tăng 34,4%, chiếm 75,2%.

Theo Bộ Công Thương, tính đến tháng 4/2021, các cơ quan, tổ chức được ủy quyển đã cấp hơn 127.296 bộ C/O mẫu EUR.1 (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) với kim ngạch hơn 4,78 tỷ USD đi 27 nước Liên minh châu Âu (EU).

Ngoài ra, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho gần 3.585 lô hàng với trị giá hơn 10,88 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA Việt Nam-EU (EVFTA).

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam, Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) thời gian qua cũng cho thấy những hiệu ứng tích cực. Trong những tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước

Đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chỉ trong 2 năm (2019-2020), kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và 10 nước CPTPP đã đạt 77,4 và 78,2 tỷ USD, tăng 3,9% và 5% so với năm 2018.

Ngoài ra, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao trùm một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới cũng sẽ mang lại những lợi thế lớn cho hàng hóa Việt Nam hội nhập với thị trường toàn cầu.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, các FTA như RCEP; EVFTA, CPTPP, UKVFTA... đã giúp Việt Nam mở rộng quy mô thị trường, gia tăng thặng dư thương mại và hưởng lợi lớn từ việc cắt giảm thuế quan sâu rộng cho các sản phẩm, dịch vụ và hàng hóa Việt Nam khi bước chân sang các quốc gia thành viên khác.

Đó thực sự là những “con đường cao tốc” đưa hàng Việt đến với thế giới. Tuy nhiên, tham gia lưu thông trên hệ thống cao tốc ấy, đương nhiên cần tuân thủ các luật định, các biển báo hướng dẫn, các quy định để tổ chức vận hành, có như vậy mới đảm bảo các doanh nghiệp Việt Nam có sự chủ động để dấn thân, đủ kiến thức và hiểu biết để tham gia sâu, thu về hiệu quả và tránh những phiền phức, hệ lụy.

Chủ động hơn, linh hoạt hơn

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), qua nhiều cuộc khảo sát, có không ít DN phản ánh rằng, thông tin về các FTA được nghe nói nhiều, nhưng không biết sâu. Họ chỉ đánh giá được sự tích cực nếu Việt Nam tham gia vào sân chơi toàn cầu thông qua các FTA, nhưng không đánh giá được rằng đó là những cơ hội tốt.

Bà Trang cho biết, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thường quan tâm và hiểu biết về các FTA rõ ràng và chắc chắn hơn các DN tư nhân trong nước. Nhiều DN còn không nắm rõ được những ích lợi về thuế quan khi xuất nhập khẩu, chưa nói tới những lợi ích về thể chế hay những kỳ vọng tương lai mà các FTA mang lại.

“Điều này không chỉ khiến nhiều DN bỏ lỡ cơ hội mà còn gặp phải cản trở khi muốn tận dụng cơ hội”, bà Trang nói.

Trước thực tế đó, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng, các bộ, ngành có liên quan cần tiếp tục rà soát, đánh giá tác động của từng FTA tới cộng đồng DN; trong đó, đặc biệt lưu ý phân loại theo từng nhóm, ngành lĩnh vực kinh tế cụ thể.

Bà Trang khuyến nghị, bằng nhiều hình thức đa dạng, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền phổ biến về các cơ hội thị trường, cơ hội hợp tác liên kết kinh doanh; cũng như nội dung các cam kết quốc tế về thuế quan, về quy tắc xuất xứ ở mỗi loại FTA và nhắm tới từng đối tượng cụ thể như doanh nghiệp ngành, doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Còn bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhận xét, các FTA cũng đang gia tăng sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế và DN; đòi hỏi các DN có sự tuân thủ luật chơi theo tiêu chuẩn cao để tận dụng được cơ hội và hạn chế tranh chấp thương mại.

Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, dù nhiều FTA đã thực thi song các DN chưa hiểu hết được ý nghĩa của các cam kết trong từng ngành hàng, từng mặt hàng, nhất là những mặt hàng mà DN đang quan tâm và sản xuất. Trong khi việc tận dụng được các ưu đãi sẽ gắn liền với việc đáp ứng được các điều kiện về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

“Trong một số trường hợp DN phải có được những thay đổi về chuỗi cung ứng, tìm các nguồn nguyên phụ liệu đáp ứng được các tiêu chí về điều kiện cắt giảm thuế quan, hoặc thay đổi được quy trình sản xuất để đáp ứng các tiêu chí về chuyển đổi mã số…”, ông Hải cho biết.

Để tăng cơ hội cho các DN Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu nhờ CPTPP, bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada lưu ý, các DN Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt những ưu đãi trong khuôn khổ của CPTPP. Đặc biệt là những ưu đãi thuế nhập khẩu có thể tác động trực tiếp đến cơ chế giá giữa người mua và người bán nên coi đó là cơ sở để đàm phán với đối tác.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, nhằm hỗ trợ cho DN, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) thiết lập và cho vận hành Cổng thông tin điện tử về các FTA. Qua đó, DN có thể tìm thấy những cam kết về thuế, về quy tắc xuất xứ, về dịch vụ, đầu tư, cũng như các thông tin về tình hình thị trường, các quy định/thị trường XNK, về trách nhiệm xã hội... được quy định trong từng FTA.

Tóm lại, theo các chuyên gia, trong thời buổi hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc tự nâng cao nhận thức và hiểu biết; tìm kiếm các cơ hội và tìm hiểu kỹ các cam kết đã ký với cộng đồng kinh doanh quốc tế; từng bước điều chỉnh để cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, kỹ năng chuyên môn và trình độ quản lý của doanh nghiệp.

Ngoài ra, DN cần thích nghi và linh hoạt hơn để nắm bắt các cơ hội trong chuỗi sản xuất để thúc đẩy hợp tác kinh doanh cũng như tranh thủ sự hậu thuẫn hỗ trợ từ Nhà nước, từ VCCI, từ các hiệp hội hay các tổ chức xã hội trong cùng lĩnh vực.

Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành ký kết 15 FTA ở cấp độ song phương và khu vực (trong đó đang thực thi 14 FTA, 1 FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực), và đang đàm phán 2 FTA. Trong số đó, nổi bật nhất là 3 FTA thế hệ mới gồm: CPTPP, EVFTA và UKVFTA; 1 FTA có quy mô lớn nhất thế giới trong khuôn khổ ASEAN là RCEP. Với 17 FTA đang thực thi và đàm phán, Việt Nam trở thành “tâm” của các dòng chảy thương mại toàn cầu.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chu-dong-lap-lo-hong-kien-thuc-ve-cac-fta-tuan-thu-luat-choi-va-gat-hai-trai-ngot-144516.html