Chủ động làm tốt công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn

Có thể nói, trong địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, ở đâu xảy ra thiên tai, địch họa, nơi mà không ai đến được thì ở đó có BĐBP. Những năm gần đây, BĐBP Hà Tĩnh đã lập được nhiều chiến công xuất sắc trong công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn (TKCHCN), được nhân dân tin yêu. Trước mùa mưa bão ở miền Trung đang cận kề, Thượng tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Biên phòng xung quanh vấn đề này.

Thượng tá Võ Trọng Hải.

PV: Đồng chí có thể chia sẻ nhiệm vụ của BĐBP Hà Tĩnh trong công tác phòng chống lụt bão, TKCHCN?

Thượng tá Võ Trọng Hải: Thực hiện chỉ đạo về công tác phòng chống lụt bão, TKCHCN của Ban phòng chống lụt bão Trung ương; Bộ Tư lệnh BĐBP; BĐBP Hà Tĩnh xác định nhiệm vụ “chống lũ như chống giặc”. Vì thế, đơn vị luôn trong tư thế sẵn sàng, hễ có lệnh là đi, ở đâu có lũ lụt xảy ra là ở đó có các chiến sĩ BĐBP kịp thời ứng cứu, đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Cứ mỗi mùa mưa bão đến, lực lượng BĐBP luôn chuẩn bị sẵn phương tiện; thường xuyên trực 24/24 giờ với 100% quân số; phối hợp với các đơn vị quân đội, công an, các tổ chức xã hội sẵn sàng ứng cứu người, tài sản giúp dân. Vì thế, nên nhân dân vùng lũ ghi nhận, ở những nơi khó khăn, nguy hiểm, không ai vào được là ở đó có các chiến sĩ Biên phòng.

PV: Kết quả nổi bật trong công tác TKCHCN của BĐBP Hà Tĩnh những năm gần đây?

Thượng tá Võ Trọng Hải: Đóng quân ở vùng đất được ví như “chảo lửa, túi mưa” này, thì công tác phòng chống lụt bão, TKCHCN luôn được xem là một phần tất yếu của đơn vị. Cơn đại hồng thủy lịch sử năm 2010 xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh, lũ đã nhấn chìm hầu hết làng mạc, ruộng đồng ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Lộc Hà... Trong bối cảnh đồng bào nhiều nơi nguy cơ bị lũ cuốn trôi, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh đã kịp thời giao nhiệm vụ trực tiếp cho các đồn BP bằng mọi giá, tiếp cận cho bằng được những vùng bị thiệt hại nặng để ứng cứu nhân dân, đặc biệt là các vùng tâm lũ. Đồng thời, huy động toàn bộ lực lượng chia ra nhiều mũi, nhiều hướng, bằng các loại phương tiện xuồng máy, ô tô, cả hành quân bộ để đến những nơi đồng bào đang bị mắc kẹt ứng cứu.

Có những trận lũ, anh em phải đội sóng, vượt biển hàng chục hải lý giữa lúc mưa to, gió bão lớn cấp 9, cấp 10 như cơn bão số 6 xảy ra vừa qua là một minh chứng. Hôm đó, vào khoảng 20 giờ, ngày 7-8, tại đảo Mắt, tàu đánh cá mang biển số NA-93044TS Nghệ An chở 12 ngư dân, do ông Trương Văn Thức làm Thuyền trưởng, trú tại xóm Quyết Tâm, xã Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu đang trên đường trú bão cách bờ khoảng 22 hải lý thì bị chết máy. Sau khi nhận được thông tin trên, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh kịp thời điều động khẩn cấp tàu công vụ 4.000CV do Hải đội 2 BĐBP quản lý, nhận lệnh và xác định tọa độ, thẳng tiến đến vị trí tàu bị nạn. Thượng úy, Thuyền trưởng Nguyễn Đức Trí cùng với các chiến sĩ trên tàu đã hướng thẳng trung tâm bão, đến cứu hộ. Do sóng to gió lớn, tàu phải đi mất gần 5 tiếng đồng hồ, nhưng cán bộ, chiến sĩ tàu Hải đội đã kịp tiếp cận tàu bị nạn, kịp thời ứng cứu được toàn bộ ngư dân và đưa tàu vào cặp bến trú bão an toàn.

PV: Chuẩn bị đối phó với mùa mưa bão năm nay, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh có phương án, kế hoạch gì, thưa đồng chí?

Thượng tá Võ Trọng Hải: Theo kinh nghiệm của người Hà Tĩnh thì mùa mưa bão nơi đây bao giờ cũng đến muộn, thường là từ cơn bão số 7, số 8 trở đi mới đổ bộ vào vùng này. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn thì năm nay, khu vực Bắc Trung Bộ, trong đó phải kể đến Hà Tĩnh, sẽ có từ 2-3 cơn bão mạnh đổ bộ vào đất liền. Bộ Chỉ huy BĐBP đã nhận lệnh từ Bộ Tư lệnh, chuẩn bị phương tiện tàu, quân số sẵn sàng ứng cứu. Chúng tôi có cả đội tàu khá thiện chiến của Hải đội 2. Trong đó, có 1 tàu lớn được trang bị hiện đại với 4.000CV. Ngoài nhiệm vụ TKCHCN trên biển, Hải đội 2 BĐBP còn được Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát cả vùng biển từ Thanh Hóa vào Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, phối hợp với lực lượng các tỉnh sẵn sàng tác chiến, TKCHCN, bảo đảm bình yên cho ngư dân đánh bắt hải sản trên biển, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

PV: Theo đồng chí, trong công tác này, lực lượng BĐBP gặp những khó khăn gì?

Thượng tá Võ Trọng Hải: Do phương tiện, trang thiết bị một số tàu thuyền của BĐBP còn thô sơ, lạc hậu nên việc TKCHCN ở những vùng sâu, vùng xa, vùng nước lũ dâng cao, chảy xiết gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, nguồn tài chính phục vụ riêng cho việc TKCHCN rất hạn hẹp. Có lúc, lực lượng BĐBP tỉnh còn phải tự lo tất cả.

Với trách nhiệm vì dân, vì nước, chúng tôi mong nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Cụ thể là trang bị thêm một số phương tiện tàu thuyền hiện đại, công suất lớn, cũng như cấp đủ nguồn tài chính để giúp BĐBP cả nước nói chung, BĐBP Hà Tĩnh nói riêng hoạt động, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Anh Bình (Thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chu-dong-lam-tot-cong-tac-phong-chong-lut-bao-tim-kiem-cuu-nan/