Chủ động kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết

Dịch bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Đồng Nai.

Bệnh nhân L.T.S. (15 tuổi, ngụ phường Phước Tân, TP.Biên Hòa) bị sốc sốt xuất huyết đang được bác sĩ chỉ định truyền dịch cao phân tử tại Bệnh viện đại học y dược Shingmark. Ảnh: H.DUNG

Bệnh nhân L.T.S. (15 tuổi, ngụ phường Phước Tân, TP.Biên Hòa) bị sốc sốt xuất huyết đang được bác sĩ chỉ định truyền dịch cao phân tử tại Bệnh viện đại học y dược Shingmark. Ảnh: H.DUNG

Các chuyên gia cảnh báo với tình hình thời tiết mưa nhiều, hệ thống nước thoát không kịp tạo môi trường ẩm thấp sẽ là điều kiện cho muỗi sinh sản, phát triển nhanh chóng. Rất có thể, đỉnh dịch năm nay sẽ đến sớm hơn các năm trước khoảng 1-2 tháng.

* 6 tháng, gần 6 ngàn ca bệnh sốt xuất huyết

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện hơn 1,1 ngàn ổ dịch sốt xuất huyết, tăng 200% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, số ổ dịch đã được xử lý đạt hơn 98%. Đồng Nai cũng là tỉnh duy nhất trong số 20 tỉnh, thành phía Nam tiến hành chiến dịch diệt lăng quăng tại 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh cho gần 783 ngàn hộ gia đình.

Thông tin mới nhất từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019 ghi nhận 2 dịch bệnh đang tăng cao là sốt xuất huyết và sởi. Tuy nhiên, những tuần gần đây, số ca bệnh sởi đang có dấu hiệu chững lại và giảm dần. Ngược lại, sốt xuất huyết vẫn tăng mạnh, nhất là 2 tuần đầu tháng 7.

Theo đó, trong tuần từ ngày 5-7 đến 11-7, toàn tỉnh ghi nhận 584 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 11% so với tuần trước đó (526 ca) và tăng gần 3 lần so với tuần cùng kỳ năm 2018. Qua đó, nâng tổng số ca mắc sốt xuất huyết trong toàn tỉnh từ đầu năm đến nay lên hơn 5,8 ngàn ca, cao gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái (trong đó có hơn 3,2 ngàn ca là trẻ dưới 15 tuổi, chiếm tỷ lệ 55%).

So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc sốt xuất huyết tăng ở 10/11 địa phương (trừ huyện Định Quán có số ca mắc giảm). TP.Biên Hòa vẫn là địa phương dẫn đầu về số lượng ca mắc với hơn 2 ngàn ca. Tiếp đến là huyện Trảng Bom 860 ca, huyện Nhơn Trạch 758 ca, huyện Long Thành 631 ca. Riêng tại huyện Long Thành, số ca mắc tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, Đồng Nai là một trong những tỉnh ở khu vực Đông Nam bộ nói riêng và khu vực phía Nam nói chung có số ca mắc sốt xuất huyết lớn nhất, sau TP.Hồ Chí Minh (gần 25 ngàn ca).

Bác sĩ CKII Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, theo nhận định của Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, với việc thay đổi type virus gây bệnh và yếu tố miễn dịch cộng đồng (hiện type virus Dengue 2 đang chiếm ưu thế), khác hẳn so với những năm trước đây thì năm 2019 sẽ bước vào chu kỳ của dịch sốt xuất huyết tại khu vực phía Nam (khoảng 10 năm một lần).

ThS-BS CKII.Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, 2 tuần đầu tháng 7, số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện tăng mạnh. Cụ thể như ngày 8-7, bệnh viện tiếp nhận và điều trị 115 ca sốt xuất huyết. Còn lại những ngày sau đó trung bình khoảng 70-80 ca/ngày. Do số lượng bệnh quá đông mà Khoa Bệnh nhiệt đới không đáp ứng nổi nên bệnh viện đã tăng cường, bố trí bệnh nhân vào điều trị tại các khoa khác như: Hồi sức cấp cứu, Khoa Tổng hợp và Khoa Tim thận.

Còn bác sĩ CKI Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai thì lo ngại tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh sẽ khiến bệnh viện sớm rơi vào tình trạng quá tải. Hiện tại, Khoa Nhiễm chỉ có 50 giường bệnh nhưng mỗi ngày có đến 60-80 ca điều trị nội trú, trong đó 2/3 là bệnh sốt xuất huyết.

* Nhiều ca bệnh nặng, nguy hiểm

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến nay, cả nước ghi nhận gần 100 ngàn trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6 ca tử vong tại các tỉnh: Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Tiền Giang và TP.Hồ Chí Minh. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc bệnh tăng 3,1 lần.

Bệnh viện đại học y dược Shingmark (TP.Biên Hòa) vừa điều trị thành công một trường hợp sốc sốt xuất huyết mức độ 4 (mức độ nặng nhất của sốt xuất huyết, nguy cơ tử vong cao) cho trường hợp bé N.T.A.N. (10 tuổi, ngụ xã Phước Thái, huyện Long Thành).

Trước đó, bé N. bị sốt cao 4 ngày ở nhà, có đến phòng khám tư nhân để khám, được phòng khám cho biết bị sốt siêu vi, truyền 2 chai dịch, uống thuốc hạ sốt nhưng không khỏi, bị nôn ói, tiêu chảy.

Bác sĩ CKI Lê Hoàng Phong, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện đại học y dược Shingmark cho biết, bé N. nhập viện ngày 9-7 trong tình trạng sốt cao, tím tái toàn thân, lơ mơ, không đo được mạch và huyết áp, tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng, suy hô hấp, khó thở. Các bác sĩ đã lập tức cấp cứu, cho bệnh nhân thở oxy, truyền 600ml dịch điện giải giúp bệnh nhân vượt qua cơn sốc. Sau đó, bác sĩ tiếp tục truyền dịch cao phân tử cho bệnh nhân trong vòng 32 giờ, điều trị theo phác đồ. Đến ngày 13-7, sức khỏe bé N. đã ổn định và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Trường hợp khác là em L.T.S. (15 tuổi, ngụ phường Phước Tân, TP.Biên Hòa), bị sốt cao 2 ngày ở nhà, uống thuốc nhưng không khỏi. Em S. sau đó được người nhà đưa đến bệnh viện thì được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết, cần phải được truyền dịch điện giải. Sau truyền dịch điện giải, huyết áp của bệnh nhân rơi vào tình trạng không ổn định nên tiếp tục được bác sĩ truyền dịch cao phân tử.

Nhiều phụ huynh đã phải nghỉ làm để có thời gian chăm sóc con cái đang nằm điều trị tại bệnh viện vì sốt xuất huyết.

Em S. cho hay, sau khi đi đá bóng về nhà, em thấy sốt cao, người mệt mỏi, đau đầu, chán ăn. Cha mẹ sau đó có đi mua thuốc cho em uống nhưng không khỏi. Đến nay, sau khi nhập viện điều trị 4 ngày em mới thấy đỡ mệt và có thể ăn uống tốt hơn.

Trong khi đó, có những trường hợp nhiều người trong gia đình cùng bị mắc sốt xuất huyết. Như trường hợp ông T.H.T. (ngụ phường Tam Phước, TP.Biên Hòa) và con gái T.Y.N. (15 tuổi). Đặc biệt, em Y.N. đã bị mắc sốt xuất huyết một lần cách đây 2 năm, nay lại bị mắc tiếp. Còn ông T., sau khi con gái nhập viện vào buổi tối, đến ngày hôm sau ông cũng nhập viện vì sốt cao, kèm theo co giật rất nguy hiểm.

Bác sĩ CKI Đồng Minh Hùng cho hay, thực tế thời gian qua cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết ở người lớn có xu hướng tăng, chiếm khoảng gần 50%. Do người lớn có tâm lý chủ quan nên thường phát hiện muộn, vào viện đã trong tình trạng sốc, không đo được mạch và huyết áp khiến việc điều trị trở nên khó khăn, tốn kém và mất nhiều thời gian. Phát hiện bệnh muộn cũng làm cho việc xử lý ổ dịch chậm, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh.

* Tăng cường phòng bệnh

Bà T.A.G. (ngụ xã Phước Thái, huyện Long Thành, mẹ của bé N.T.A.N.) cho biết, do bận công việc và chủ quan nên khi phát hiện con gái bị sốt, bà chỉ đưa đến phòng khám tư nhân gần nhà để khám. Thấy nhiều người nói truyền nước có thể giúp hết bệnh nên bà cũng nghe theo lời phòng khám truyền cho con 2 chai nước. Đến khi bệnh trở nặng, bà G. mới đưa con đến bệnh viện. Rất may bác sĩ đã giữ được tính mạng cho con, nếu không bà sẽ rất ân hận.

Theo bác sĩ Lê Hoàng Phong, nhiều người cứ thấy sốt hay mệt trong người là đến các phòng khám tư nhân để truyền nước. Tuy nhiên, việc truyền nước và dịch bừa bãi, quá tải có thể gây tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng, biến chứng nặng phải thở máy, lọc máu liên tục nhiều ngày liền. Nhiều trường hợp sốt xuất huyết tử vong có nguyên nhân do truyền dịch trước đó ở những cơ sở y tế không đảm bảo.

Biểu đồ so sánh số ca mắc sốt xuất huyết 6 tháng đầu năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 của các địa phương trong tỉnh. (Đồ họa: H.Dung)

Là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2018, bác sĩ Nguyễn Thi Văn Văn, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Long Thành cho biết, huyện đang tập trung công tác phòng chống dịch bệnh và dập dịch.

Cụ thể, các ngành chức năng đã tiến hành chiến dịch diệt lăng quăng lần 2, tổ chức các xe tuyên truyền lưu động đến các xã có nguy cơ cao, có nhiều khu công nghiệp, khu nhà trọ như: xã Phước Thái, xã An Phước, thị trấn Long Thành để tuyên truyền cho bà con biết tình hình dịch sốt xuất huyết, sự nguy hiểm của bệnh và cách phòng tránh bệnh. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm sự biến đổi của côn trùng; tập trung xử lý các ổ dịch ngay từ khi mới phát hiện để tránh lây lan.

Về phía công tác điều trị, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Lê Đa Hà bộc bạch, do đã có kinh nghiệm từ những đợt dịch sốt xuất huyết trước đây nên bệnh viện luôn trong tình trạng chủ động để tiếp nhận và điều trị bệnh.

Hiện nay, năng lực của đội ngũ y, bác sĩ cũng tốt hơn nên việc lọc bệnh ở phòng khám đến khi vào Khoa điều trị nội trú, phát hiện bệnh trở nặng để chuyển lên Khoa Hồi sức cấp cứu cũng được thực hiện tốt. Có những thời điểm có 15 ca bệnh sốt xuất huyết nặng phải nằm ở Khoa Hồi sức cấp cứu nhưng đã được y, bác sĩ của bệnh viện theo dõi, điều trị sốc sốt xuất huyết tốt, chưa phải lọc máu như những năm trước.

“Mặc dù tự tin về tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ nhưng chúng tôi cũng không thể dự đoán trước được tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ diễn biến phức tạp ra sao trong thời gian tới. Do đó, bệnh viện luôn cố gắng, sẵn sàng để đối phó trong mọi tình huống, nhất là khi có ca bệnh trở nặng” - bác sĩ Đa Hà cho hay.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201907/chu-dong-kiem-soat-dich-benh-sot-xuat-huyet-2954954/