Chủ động khi nắng nóng kéo dài

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, kể từ hôm nay (1/7) cho tới cuối tuần, nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ, có nơi trên 39 độ. Đến ngày 5/7, nắng nóng mới có dấu hiệu giảm bớt.

Đợt nắng nóng kỷ lục này sẽ kéo dài tới ngày 5/7.

Khu vực Tây Bắc Bộ, nền nhiệt phổ biến toàn vùng thấp nhất 26 độ C, cao nhất 36 độ C. Riêng Sơn La và Hòa Bình, nhiệt độ cao nhất lên tới 38 độ C. Ít mưa.

Khu vực Đông Bắc Bộ, nền nhiệt trung bình dao động từ 27 độ C đến 37 độ C.

Tuy nhiên, những ngày đầu tuần, tại Hà Nội nhiệt độ thực tế ngoài trời có thể trên 40 độ C. Đây là nền nhiệt rất cao so với trung bình cùng thời điểm của nhiều năm trước, ở mức 33 độ C đến 34 độ C.

Khu vực Bắc Trung Bộ cũng diễn ra nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ thấp nhất 27 độ C, cao nhất trên 39 độ C. Vùng núi cao Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có nơi nhiệt độ trên 40 độ C.

Khu vực Nam Trung Bộ, nhiệt độ trung bình có thấp hơn đôi chút so với Bắc Trung Bộ, khi nhiệt dộ thấp nhất 25 độ C và cao nhất là 37 độ C.
Khu vực Tây Nguyên, trời dịu hơn, chiều tối và đêm có mưa rào và dông. Nhiệt độ thấp nhất 21 độ C, cao nhất 33 độ C.

Những cơn mưa vào chiều và tối giúp cho nền nhiệt khu vực Nam Bộ dịu hơn, khi nhiệt độ thấp nhất 24 độ C và cao nhất là 34 độ C. Tuy nhiên, thời gian nắng bắt đầu từ sáng sớm và kéo dài trong suốt cả ngày.

Nắng nóng kéo dài khiến sinh hoạt của nhiều vùng dân cư gặp khó khăn.

Để tránh tình trạng quá tải, ngành điện lực đề nghị người dân triệt để tiết kiệm điện sinh hoạt, nhất là vào giờ cao điểm.

Điều hòa không khí cần để ở mức 27 độ C để tiết kiệm điện.

Ngành y tế cũng cho biết, nắng nóng cũng khiến bệnh tật phát sinh, cần hạn chế làm việc ngoài trời nếu không thật cần thiết để tránh say nắng.

Các bệnh đường ruột cũng dễ phát sinh, nên cần thiết phải ăn chín, uống sôi.

Chú ý uống nhiều nước hơn bình thường, tốt nhất là duy trì đều đặn cho cơ thể khoảng 2 lít nước mỗi ngày.

Những ngày nắng nóng cũng dễ dẫn tới nguy cơ đuối nước ở trẻ em, khi ra ao hồ, sông ngòi tắm.

Vì thế, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con em mình nhiều hơn, tuyệt đối không để các cháu đi tắm sông hồ nếu không có người lớn đi cùng.

Trịnh Khanh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/chu-dong-khi-nang-nong-keo-dai-tintuc408805