Chủ động hạn chế rủi ro từ các vụ kiện phòng vệ thương mại

Do chính sách bảo hộ của một số thị trường cũng như ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn, số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu dự kiến cũng sẽ lớn hơn trong giai đoạn sắp tới. Theo đó, các ngành sản xuất, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam sẽ đứng trước những thách thức mới trong khi nguồn lực để ứng phó với các vụ điều tra còn rất hạn chế.

Doanh nghiệp còn lúng túng trước các vụ kiện

Qua các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) thời gian qua, một số DN và hiệp hội trong nước bước đầu đã có kinh nghiệm, chủ động nguồn lực để ứng phó với các rủi ro. Tuy nhiên, các DN Việt Nam vẫn đang trong tình trạng đối mặt với một số hạn chế khi bị khởi xướng điều tra từ nước ngoài.

Các doanh nghiệp cần coi PVTM là một phần trong chiến lược sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu

Các doanh nghiệp cần coi PVTM là một phần trong chiến lược sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết: trở ngại của DN bị khởi xướng điều tra PVTM là do hạn chế về nguồn lực ứng phó, hạn chế về ngôn ngữ cũng như thời gian cung cấp các thông tin phục vụ điều tra. Mặt khác, ở nhiều quốc gia, pháp luật về PVTM nói chung và chống bán phá giá nói riêng đã có từ rất lâu. Trong khi đó, pháp luật về PVTM tại Việt Nam mới được hình thành và phát triển trong khoảng 15 năm gần đây, vì vậy, nhiều DN chưa thể hiểu rõ các nguyên tắc, quy trình, thủ tục, nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia vào các vụ việc điều tra.

Tính đến nay, sản phẩm thép vẫn là sản phẩm thuộc đối tượng điều tra PVTM nhiều nhất, chiếm hơn 40% các vụ việc, tiếp theo là sản phẩm sợi (12%); sản phẩm cao su (trên 6%); máy móc thiết bị (6%). Cục PVTM nhận định, dù hiểu biết của Hiệp hội Thép, DN thép về PVTM đã được củng cố trong những năm vừa qua, tuy nhiên vẫn còn hạn chế về khả năng dự đoán, nắm bắt thông tin sớm.

Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - cũng thừa nhận, đối diện trước các vụ việc về PVTM, các DN rất lúng túng, thiếu chủ động trong việc chuẩn bị tham gia các vụ kiện. “Ở đây, khó khăn là nhận thức, chỉ có DN bị trực tiếp mới quan tâm, còn DN khác ít quan tâm. Ngoài ra, nguồn lực để theo đuổi các vụ việc của DN rất hạn chế, như tài chính, mức độ hiểu biết pháp luật về các quy trình điều tra…” - ông Đa nêu.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam - VCCI) - đánh giá: mặc dù, sau nhiều vụ kiện thương mại xảy ra, một số DN đã có ý thức hơn trong phòng vệ để bảo vệ chính mình. Tuy nhiên, không ít DN hiệp hội vẫn chưa hiểu biết hết về chính sách, pháp luật PVTM hay có kỹ năng sử dụng hiệu quả công cụ này. Ngoài ra, nguồn lực để theo đuổi các vụ kiện cũng rất hạn chế, đặc biệt không nhiều DN có luật sư tư vấn để hiểu biết về pháp luật, quy trình điều tra, chi phí theo đuổi vụ kiện...

Thực tế, theo Cục PVTM, thông thường một vụ, việc điều tra thương mại thường kéo dài trung bình 12 tháng và có thể gia hạn tới 18 tháng, sau đó DN còn phải đối phó với nhiều lần rà soát thuế và thời gian áp thuế trừng phạt có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, thậm chí đến 20 năm. Như vậy, chi phí và nguồn lực mà DN phải bỏ ra để theo đuổi vụ việc, như chi phí dịch thuật tài liệu, chi phí thuê luật sư tư vấn và các chi phí định tính, chi phí đánh đổi của DN là rất lớn.

Thời gian tới, khi xu thế bảo hộ tiếp tục gia tăng, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, việc các DN xuất khẩu của Việt Nam phải sẵn sàng cho nguy cơ này cũng là điều hiển nhiên. Mặt khác, phạm vi hàng hóa Việt Nam bị kiện hiện nay đã mở rộng hơn trước rất nhiều, không chỉ dừng lại ở sản phẩm mũi nhọn hay có truyền thống xuất khẩu nhiều mà ngay cả những mặt hàng có quy mô sản xuất nhỏ, không nổi trội như đinh ốc, vòng xoáy ở tệp vở… cũng bị kiện. “Vì vậy, các DN cần bình tĩnh hơn, chuẩn bị tâm thế, có chiến lược kinh doanh tính đến rủi ro PVTM. Mặt khác, về mặt kỹ thuật, các DN cũng cần có sự chuẩn bị nguồn lực, đừng “đợi lúc kiện rồi mới chạy”, bà Trang khuyến nghị.

Sẵn sàng nguồn lực

Thời gian qua, Bộ Công Thương luôn duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra PVTM của nhiều nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và DN để kịp thời cập nhật các vụ việc PVTM; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện PVTM tại nhiều thị trường khác nhau để DN quan tâm có thể thường xuyên theo dõi.

Bên cạnh đó, với tinh thần bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của các DN sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, Cục PVTM luôn theo sát, hỗ trợ các DN Việt Nam bày tỏ quan điểm phản bác các lập luận thiếu căn cứ, vi phạm quy định WTO của nguyên đơn khởi kiện hay cơ quan điều tra nước ngoài; cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời trên cơ sở yêu cầu của cơ quan điều tra đối với chính phủ để hỗ trợ DN trong quá trình xử lý vụ việc. Cục còn nỗ lực đưa các nội dung đào tạo, tập huấn vào các hoạt động của ngành Công Thương nhằm nâng cao nhận thức, chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả hơn với các vụ kiện PVTM cho DN. Các hoạt động cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức cho các hiệp hội, cộng đồng DN đã được triển khai thường xuyên, rộng khắp. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã ban hành và triển khai Quyết định 1347/QĐ-BCT về nâng cao năng lực PVTM cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới, tập trung vào việc cung cấp thông tin, kiến thức cho các hiệp hội DN.

Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục PVTM - cho biết, hiện các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu đang ngày càng được mở rộng và liên kết nhiều quốc gia với nhau tác động đến các biện pháp PVTM. Vì thế, các vụ kiện về PVTM phát sinh những xu hướng mới như kiện chùm, kiện chống lẩn tránh thuế, kiện kép,... làm gia tăng số lượng các vụ kiện về PVTM. Thời gian tới, thách thức với xuất khẩu của Việt Nam còn rất lớn khi mà Việt Nam chưa giành được thế chủ động trong xuất khẩu hàng hóa cả về thị trường, sản phẩm, công nghệ sản xuất... “Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ và Bộ Công Thương, việc ứng phó hiệu quả với các biện pháp PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu đòi hỏi sự tích cực, chủ động tham gia của cộng đồng DN”, ông Trung cho hay.

Theo đó, để giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp PVTM, Cục PVTM khuyến nghị, các ngành sản xuất, xuất khẩu và DN Việt Nam cần: Xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, tránh phát triển quá nóng vào một thị trường, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; coi PVTM là một phần trong chiến lược sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu, của mình.

Đồng thời, các DN cần không ngừng trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM. Chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện PVTM; theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương trong quá trình xuất khẩu sang các nước; tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM; tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xử lý vụ việc.

Trong năm 2021, Cục PVTM sẽ hoàn thành và phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chủ động sử dụng biện pháp PVTM cũng như ứng phó kịp thời với các biện pháp PVTM do nước ngoài áp dụng.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chu-dong-han-che-rui-ro-tu-cac-vu-kien-phong-ve-thuong-mai-156849.html