Chủ động giới thiệu người đủ tài, uy tín ứng cử ĐBQH, HĐND

Các cơ quan, đơn vị có người đủ tài năng, uy tín, điều kiện thì có thể chủ động giới thiệu ứng cử đại biểu.

Ngày 1-3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức Hội nghị hướng dẫn cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và HĐND TP khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, hướng dẫn về mẫu ứng cử mà Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành theo Nghị quyết 41/2021.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN

Theo đó, người ứng cử thực hiện việc kê khai các nội dung đầy đủ, chính xác theo hướng dẫn trong các mẫu văn bản thuộc hồ sơ ứng cử ban hành kèm theo Nghị quyết 41. Việc kê khai có thể thực hiện bằng cách viết tay hoặc đánh máy nhưng phải bảo đảm đúng theo các mẫu văn bản thuộc hồ sơ ứng cử do Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành. Người ứng cử ký vào từng trang văn bản của hồ sơ ứng cử.

Theo bà Thắm, việc bổ sung một số yêu cầu tại phần kê khai quốc tịch, sơ yếu lý lịch, tiểu sử tóm tắt của người ứng cử để đảm bảo tính chặt chẽ. Cụ thể, trong lý lịch của người ứng cử, tại phần quốc tịch phải ghi rõ: “Chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và không trong thời gian thực hiện thủ tục xin gia nhập quốc tịch quốc gia khác”.

Trong trường hợp đang có cả quốc tịch nước khác hoặc đang làm thủ tục xin gia nhập quốc tịch nước khác thì ghi rõ thông tin về các quốc tịch đang có hoặc đang xin gia nhập.

Biểu mẫu kê khai tài sản của người ứng cử cũng đã được cập nhật để bám sát quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đối với nhân sự là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan, đơn vị, tổ chức giới thiệu ứng cử cần nêu cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật của Luật Bầu cử.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xem xét, quản lý, đánh giá kỹ hồ sơ cán bộ và phải chịu trách nhiệm về các tiêu chuẩn, điều kiện nhân sự ứng cử.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu cho biết số lượng ĐB được phân bổ trong nhiệm kỳ này đều giảm từ trung ương đến địa phương, riêng HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026 chỉ được bầu 95 ĐB so với 105 ĐB của nhiệm kỳ trước.

Về nội dung tái cử của các ĐB HĐND, bà Châu thông tin là không bắt buộc. “Nếu cơ quan, đơn vị có nhân sự nào đủ tài năng, uy tín, điều kiện tham gia HĐND thì có thể chủ động giới thiệu, không nhất thiết phải là người được HĐND TP giới thiệu” - bà Châu nói.

Bà nói thêm: “Người đủ điều kiện tái cử là một ưu thế nhưng không phải chúng ta nhắm người này, nhắm người kia mà chính cử tri sẽ bầu những người mình tín nhiệm”.

Thông qua hội nghị, chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM kỳ vọng các cơ quan, đơn vị sẽ tích cực định hướng, chọn lựa, giới thiệu những người đủ khả năng ứng cử nhằm tham gia HĐND, QH, gánh vác trọng trách vì sự phát triển chung của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Thời hạn nộp hồ sơ ứng cử ĐBQH và HĐND kết thúc lúc 17 giờ ngày 14-3. File điện tử các mẫu hồ sơ ứng cử có thể tải về từ trang thông tin điện tử của Hội đồng bầu cử quốc gia: http://hoidongbaucu.quochoi.vn.

Quy trình ba bước giới thiệu người ứng cử

Tại hội nghị, ông Lý Ngọc Thạch, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ TP.HCM, đã hướng dẫn quy trình tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác (nơi làm việc) để giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV, ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Quy trình gồm ba bước và được thực hiện từ ngày 24-2 đến 11-3.

Bước 1: Họp ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị để dự kiến người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình sẽ giới thiệu ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND.

Bước 2: Tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc. Hội nghị cử tri nơi công tác để lấy ý kiến đối với người ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức ở nơi người ứng cử đang công tác hoặc làm việc (nếu có). Trường hợp người ứng cử có nhiều nơi công tác hoặc nơi làm việc thì tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi người đó công tác hoặc làm việc thường xuyên.

Bước 3: Họp ban lãnh đạo mở rộng. Căn cứ vào kết quả của hội nghị ban lãnh đạo mở rộng, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm hướng dẫn người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình được lựa chọn, giới thiệu ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND làm hồ sơ ứng cử theo Nghị quyết 41.

THANH TUYỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/chinh-tri/chu-dong-gioi-thieu-nguoi-du-tai-uy-tin-ung-cu-dbqh-hdnd-969943.html