Chủ động đối thoại, giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn

Bên cạnh việc giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, hoạt động tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân ở tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua đã từng bước xây dựng được mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân. Điều này tạo nên sự đồng thuận, góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn đảng

Năm 2011, từ nguồn ngân sách hỗ trợ của Trung ương, thị xã Hồng Lĩnh đã xây dựng Khu tái định cư (TĐC) Dăm Quan trên diện tích 2,68 ha tại phường Trung Lương với tổng mức đầu tư gần 24 tỷ đồng. Dự án nhằm di dời các hộ dân ra khỏi vùng lũ ngoài đê La Giang theo chương trình bố trí TĐC cho dân cư các vùng khó khăn của Chính phủ. Quá trình triển khai dự án đã bộc lộ những sai phạm mang tính chủ quan. Đó là việc lập danh sách các hộ dân để di dời không phù hợp thực tế, sai đối tượng, gây ra bất bình trong dư luận. Sai phạm ở dự án xuất phát từ yếu tố khách quan lẫn chủ quan, tuy vậy, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương.

Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh Nguyễn Quang Tuấn, với đặc thù của đô thị trẻ, quá trình xây dựng đô thị ở Hồng Lĩnh gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác quy hoạch, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, dân số hữu cơ.

Vì vậy, nếu cứ ban hành văn bản, giải quyết công việc theo thủ tục hành chính đơn thuần, sẽ khó vận hành bộ máy và đáp ứng yêu cầu công việc. Thực tế quá trình lãnh đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn đòi hỏi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại với nhân dân để trực tiếp lắng nghe ý kiến của nhân dân về các vấn đề liên quan, để đánh giá được hiệu quả việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, kịp thời phát hiện những bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện…, từ đó điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Đồng chí Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ: Khó nhất trong quá trình tiếp xúc, đối thoại với người dân để giải quyết tồn đọng ở khu TĐC này, đó là làm thế nào vừa đáp ứng được nguyện vọng của người dân nhưng phải thực hiện đúng các quy định của Nhà nước. Chúng tôi luôn nghĩ rằng, khó khăn sẽ không tự mất đi, nếu không giải quyết kịp thời tồn đọng vướng mắc sẽ làm phát sinh thêm bức xúc từ cơ sở. Do đó, chúng tôi mạnh dạn đi thẳng vào những việc được cho là phức tạp để tìm hiểu ngọn ngành, cùng nhân dân tìm cách tháo gỡ.

Sau khi hoàn tất quá trình rà soát, kiểm tra quy trình xây dựng dự án, lãnh đạo thị xã Hồng Lĩnh đã trực tiếp đến các hộ dân, nhận trách nhiệm và công khai xin lỗi người dân về những thiếu sót trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời phân tích, làm rõ các căn cứ pháp lý, điều kiện tiêu chuẩn xét duyệt hồ sơ theo mục tiêu của dự án. Đối với những trường hợp cấp đất TĐC sai thì kiên quyết thu hồi, xem xét cấp đất ở cho các hộ dân đúng quy định. Riêng các lô đất còn lại, UBND thị xã đề nghị UBND tỉnh cho phép địa phương sử dụng vào mục đích TĐC cho các dự án phúc lợi khác.

Theo phản ánh của người dân phường Trung Lương, tuy chưa hài lòng với tất cả những giải đáp, nhưng thái độ cầu thị của người đứng đầu và những giải pháp kịp thời, hợp lý được đưa ra tại các buổi đối thoại đã gây dựng niềm tin, sự tôn trọng của người dân đối với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo đồng thuận trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc trên địa bàn.

Cũng như các địa phương khác ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, sau sự cố môi trường biển năm 2016, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đối diện với nhiều khó khăn. Theo Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Bùi Quang Hoàn, nhận thức việc xử lý sự cố này là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nếu không thận trọng trong cách làm dễ dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại đông người.

Cùng với việc thành lập các đoàn công tác của huyện bám sát đến tận thôn, xóm để chỉ đạo, tuyên truyền, quán triệt chủ trương, hướng dẫn, giám sát đôn đốc tổ chức thực hiện, huyện Kỳ Anh chủ động tổ chức đối thoại với nhân dân khi có vấn đề phát sinh. Tại các đơn vị như: thôn Trung Tân, Trung Tiến (xã Kỳ Khang), thôn Phú Lợi, Phú Hải (xã Kỳ Phú), đoàn công tác cùng Hội đồng đánh giá thiệt hại các cấp nhiều lần tổ chức đối thoại để tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu rõ hơn phạm vi, đối tượng được thụ hưởng chính sách bồi thường, hỗ trợ. “Thông qua đối thoại trực tiếp, chúng tôi thấy rõ hơn nhân dân đang quan tâm gì, bức xúc gì, hài lòng việc gì. Qua đó, kiểm chứng được chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống như thế nào, cái gì được, cái gì chưa được để có thể phát huy hoặc điều chỉnh. Với những ý kiến do người dân nêu lên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các phòng, ban thấy rõ hơn trách nhiệm của mình để giải quyết những vấn đề được giao một cách khẩn trương, không làm qua loa, lấy lệ” - đồng chí Bùi Quang Hoàn cho biết. Từ cách làm đó, huyện Kỳ Anh trở thành địa phương đầu tiên ở Hà Tĩnh hoàn thành công tác kê khai, đánh giá thẩm định phê duyệt và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ sau sự cố môi trường biển cho hơn 7.000 đối tượng bị ảnh hưởng, cùng khoản chi trả đền bù lên đến hơn 165 tỷ đồng.

Qua trao đổi với các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở các địa phương tại Hà Tĩnh, ngoài việc xây dựng được cầu nối hiệu quả giữa chính quyền với nhân dân, giúp hạn chế đơn thư, khiếu nại, tố cáo vượt cấp, thông qua tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, bản thân các đồng chí học hỏi, tiếp thu được nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình công tác. “Thực tiễn đời sống luôn phong phú, muôn màu. Quá trình công tác, được tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại với người dân, được lắng nghe ý kiến của người dân, được nhân dân hiến kế, có giá trị hơn nhiều so với một số kênh thông tin khác” - Bí thư Đảng ủy xã Việt Xuyên (Thạch Hà) Phạm Nam Anh chia sẻ.

Đồng chí Phan Cao Thanh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, sau khi ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị quán triệt cho đội ngũ cán bộ cốt cán toàn tỉnh. Đến nay, tất cả huyện ủy, thành ủy, thị ủy đã ban hành và thực hiện Quy chế đối thoại. Đáng chú ý, không chờ điểm nóng hay khi dư luận bức xúc, các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động đối thoại trực tiếp với nhân dân, góp phần mở rộng, phát huy dân chủ cơ sở.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến quy chế đối thoại chưa thật sự sâu rộng. Vì vậy, một số cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về nội dung và ít tham gia đối thoại. Việc tiếp xúc, đối thoại ở một số cơ quan, đơn vị mới dừng lại ở lồng ghép vào hội nghị cán bộ, công chức, viên chức người lao động; vẫn còn những kiến nghị, phản ánh của nhân dân chưa được giải đáp kịp thời, hoặc có nội dung vượt thẩm quyền, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành cho nên thời gian giải quyết vụ việc còn chậm. Đây là những hạn chế mà các địa phương cần nhanh chóng khắc phục.

NGÔ TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38104302-chu-dong-doi-thoai-giai-quyet-nhung-van-de-phat-sinh-tu-thuc-tien.html