Chủ động đánh giá nguy cơ mất an toàn lao động

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, một trong những công việc quan trọng để làm giảm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là phải nhận diện, phân tích các nguy cơ rủi ro có thể xuất hiện tại nơi sản xuất và từ đó có các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát các nguy cơ đó.

Cần đánh giá được các mối nguy hiểm

Theo số liệu chính thức từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2019 trên toàn quốc đã xảy ra 8.150 vụ tai nạn lao động, làm 8.327 người bị nạn trong đó 979 người chết, 1.892 người bị thương nặng (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và không theo Hợp đồng lao động). Riêng ở khu vực có quan hệ lao động, năm 2019, toàn quốc đã xảy ra 7.130 vụ tai nạn lao động, làm 7.267 người bị nạn.

Trong đó, có 572 vụ tai nạn lao động chết người làm 610 người chết, số người bị thương nặng là 1.592 người. Về bệnh nghề nghiệp, năm 2019 khám, phát hiện 7.237 trường hợp bệnh nghề nghiệp, tăng khoảng 2% so với năm 2018.

Để làm giảm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, cần chủ động nhận diện, phân tích các nguy cơ rủi ro có thể xuất hiện tại nơi sản xuất. Ảnh: B.D

Để làm giảm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, cần chủ động nhận diện, phân tích các nguy cơ rủi ro có thể xuất hiện tại nơi sản xuất. Ảnh: B.D

Dẫn ra những số liệu trên, đồng thời phân tích những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động hiện nay, bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, do doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), chưa tuân thủ quy định ATVSLĐ tại doanh nghiệp, vi phạm về công tác huấn luyện, khám sức khỏe định kỳ, trang bị bảo hộ lao động cho người lao động... Về phía người lao động, chưa thực hiện nghiêm quy định ATVSLĐ, bằng chứng là có tới 70% vụ tai nạn lao động là vi phạm quy trình vận hành

Theo GS.TS. Lê Vân Trình - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam, một trong những "nguyên nhân gốc rễ" của thương tích nơi làm việc, bệnh tật và sự cố là không xác định hoặc nhận ra các mối nguy hiểm hiện diện hoặc có thể đã được dự đoán. “Một trong những công việc quan trọng để làm giảm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là phải nhận diện, phân tích các nguy cơ rủi ro có thể xuất hiện tại nơi sản xuất và từ đó có các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát các nguy cơ đó.

Bởi vì, nguy cơ rủi ro có thể mang đến những hậu quả nặng nề. Nguy cơ rủi ro có thể được giảm thiểu bằng cách kiểm soát, hoặc loại bỏ các mối nguy hiểm nhằm giảm sự tiếp xúc của người lao động với các mối nguy hiểm đó”, GS.TS. Lê Vân Trình phân tích.

Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam cũng cho rằng, yếu tố quan trọng của bất kỳ chương trình kế hoạch ATVSLĐ hiệu quả nào là một quá trình chủ động, liên tục để xác định và đánh giá những mối nguy hiểm như vậy.

Cụ thể, để xác định và đánh giá được các mối nguy hiểm, cán bộ phụ trách ATVSLĐ của công đoàn và an toàn vệ sinh viên phải thường xuyên: Thu thập và xem lại thông tin về các nguy cơ hiện diện hoặc có khả năng xảy ra tại nơi làm việc; tiến hành kiểm tra nơi làm việc thường xuyên để xác định các mối nguy hiểm mới có thể có hoặc tái diễn, các mối nguy hiểm tiềm ẩn và những thiếu sót trong kế hoạch ATVSLĐ của cơ sở sản xuất; tiến hành đánh giá rủi ro cho từng vị trí, theo từng cấp độ rủi ro để có kế hoạch phòng ngừa, kiểm soát và ứng cứu…

Trao đổi tại Hội thảo mới đây do Tổng Liên đoàn tổ chức nhằm nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác ATVSLĐ, đại diện Better Work tại Việt Nam và đại diện Bộ Y tế đề xuất phối hợp với tổ chức Công đoàn để xây dựng nền tảng công nghệ đánh giá các nguy cơ, rủi ro của dịch Covid-19 và tiến tới là công tác ATVSLĐ, báo cáo tai nạn lao động tại nơi làm việc. Cùng với đó, tăng cường phối hợp ở các cấp công đoàn và các tuyến y tế cơ sở trong công tác kiểm tra, giám sát ATVSLĐ, dinh dưỡng bữa ăn ca, phòng chống dịch bệnh, bệnh nghề nghiệp; phối hợp tập huấn công tác sơ cấp cứu tại nơi làm việc…

Nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn

Theo bà Hồ Thị Kim Ngân, thời gian qua, các cấp công đoàn đã tăng cường công tác giám sát, tham gia thanh tra, kiểm tra, góp phần phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về ATVSLĐ, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Qua thống kê, hằng năm, có 4.482 cuộc giám sát, kiểm tra liên ngành được tổ chức; ngoài ra, công đoàn tham gia với cơ quan chức năng điều tra, kết luận các vụ tai nạn lao động theo quy định… Qua đó, đã phát hiện và kiến nghị, yêu cầu khắc phục gần 260.000 vi phạm và nguy cơ mất ATVSLĐ, trên 15.000 nội quy, quy trình biện pháp làm việc an toàn được rà soát, bổ sung.

Tuy nhiên, Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng thẳng thắn thừa nhận, Công đoàn một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến công tác ATVSLĐ, không dành nguồn lực cho công tác này. Cán bộ công đoàn làm công tác ATVSLĐ thiếu, kiêm nhiệm nhiều, ít được tập huấn, huấn luyện, thiếu sâu sát cơ sở. Hoạt động mạng lưới ATVSLĐ còn hình thức, chưa hiệu quả, chưa có quy chế hoạt động, chưa động viên, khuyến khích an toàn vệ sinh viên hoạt động. Ban Chấp hành Công đoàn còn lúng túng trong quản lý, chỉ đạo hoạt động an toàn vệ sinh viên…

Trao đổi về vai trò của tổ chức Công đoàn trong đảm bảo ATVSLĐ, GS.TS. Lê Vân Trình nhấn mạnh: Công đoàn Việt Nam là một tổ chức Công đoàn ít ỏi trên thế giới có đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ vừa mạnh về số lượng, vừa có chất lượng trong cả 4 cấp. Công đoàn Việt Nam quản lý Viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động với hơn 200 nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật và một hệ thống phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc gia, hằng năm triển khai nhiều công trình nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất phục vụ người lao động; quản lý 2 trường đại học đào tạo dài hạn cán bộ chuyên môn về ATVSLĐ (duy nhất ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương), hằng năm cung cấp hàng trăm kỹ sư cho các cơ sở sản xuất, các cấp công đoàn, các trường đại học và viện nghiên cứu.

Ngoài ra, theo Luật ATVSLĐ, Công đoàn còn được giao tổ chức và quản lý mạng lưới an toàn vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất trên toàn quốc. Vì thế, việc tham gia có hiệu quả công tác phòng ngừa các nguy cơ rủi ro tại nơi sản xuất góp phần kéo giảm tai nạn lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn Việt Nam nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động là “được làm việc trong một môi trường an toàn và hợp vệ sinh”.

Nhấn mạnh đến vai trò của công đoàn cơ sở trong đảm bảo công tác ATVSLĐ tại cơ sở, theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, không ai hiểu về môi trường, điều kiện làm việc ở từng cơ quan, doanh nghiệp hơn công đoàn cơ sở. Tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ là nghĩa vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, người sử dụng lao động, người lao động, trong đó Công đoàn có vai trò và trách nhiệm quan trọng nhằm cải thiện điều kiện làm việc an toàn và vệ sinh, xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc, chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tăng năng suất lao động.

“Bảo vệ người lao động trước tiên là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của họ. Đảm bảo ATVSLĐ là công tác vô cùng quan trọng của tổ chức Công đoàn và cần được tiếp tục quan tâm sâu sắc trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chu-dong-danh-gia-nguy-co-mat-an-toan-lao-dong-108941.html