Chủ động đảm bảo an toàn trong lao động

Mặc dù công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động luôn được các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm, song vì nhiều lý do, các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nặng vẫn diễn biến phức tạp.

Trung tâm Cấp cứu mỏ diễn tập phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Thu Trang

Trung tâm Cấp cứu mỏ diễn tập phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Thu Trang

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra nhiều giải pháp phòng ngừa, đảm bảo điều kiện, môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Hằng năm, tỉnh đều ban hành các văn bản chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ; đặc biệt quan tâm tới các doanh nghiệp, các hoạt động sản xuất, kinh doanh có tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra sự cố, TNLĐ (khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, thi công các công trình xây dựng...).

Thực hiện nhiệm vụ, các sở, ngành chủ động lồng ghép việc huấn luyện, phổ biến kiến thức, kỹ năng về an toàn vệ sinh lao động với các vấn đề bảo vệ môi trường, sử dụng điện tiết kiệm, an toàn; tập trung tuyên truyền, huấn luyện về quản lý vệ sinh lao động; chấn chỉnh công tác an toàn vệ sinh lao động đối với các dự án... Các địa phương, đơn vị cũng tổ chức nhiều cuộc kiểm tra liên ngành tại các doanh nghiệp, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh tới các cơ sở.

Mặc dù vậy, tình hình TNLĐ trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, 6 tháng đầu năm 2020, trong khu vực có quan hệ hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xảy ra 276 vụ TNLĐ, tăng 10 vụ so với cùng kỳ. Trong đó, số vụ TNLĐ làm chết người là 12 vụ (12 người); 186 người bị thương nặng. Chi phí thiệt hại do TNLĐ trên 9,8 tỷ đồng. Ngoài ra, theo thống kê tình hình TNLĐ đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ TNLĐ làm chết 9 người (tăng 7 vụ so cùng kỳ). Lĩnh vực xảy ra TNLĐ chủ yếu trong thi công xây dựng công trình nhà ở của người dân.

Lực lượng chức năng đã yêu cầu các đơn vị thực hiện 48 kiến nghị; xử phạt vi phạm hành chính 1 đơn vị vi phạm về an toàn vệ sinh lao động với số tiền 25 triệu đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật 43 người có lỗi để xảy ra TNLĐ. Các đơn vị đã tiến hành xử lý kỷ luật khiển trách 31 người; cách chức 3 người... Đoàn điều tra TNLĐ tỉnh cũng có văn bản kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Uông Bí, Viện KSND TP Uông Bí xem xét khởi tố 1 vụ án hình sự do đã vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh lao động.

Qua điều tra các vụ TNLĐ chết người cho thấy, nguyên nhân có cả lỗi của người lao động và người sử dụng lao động. Do trình độ, kinh nghiệm, ý thức, nhận thức về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong quá trình thực hiện công việc của người lao động còn hạn chế, thiếu thận trọng trong thao tác; chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn; không sử dụng trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân; sự phối hợp công việc trong nhóm thợ chưa tốt...

Trong khi đó, chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát hiện trường sản xuất của cán bộ các phòng ban, phân xưởng chưa sâu sát, chưa phát hiện được thiếu sót, vi phạm của đơn vị thi công và của người lao động để kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục. Công tác quản lý, tổ chức điều hành sản xuất, chỉ đạo thi công của cán bộ công trường, phân xưởng chưa đảm bảo; bố trí lao động, phân công công việc không cụ thể; tổ chức, sắp xếp nơi làm việc chưa đảm bảo; chưa dự báo, phát hiện kịp thời những nguy cơ mất an toàn để có biện pháp xử lý. Công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện an toàn lao động, hướng dẫn triển khai biện pháp thi công cho người lao động còn hạn chế.

Do vậy, để chủ động phòng ngừa và hạn chế tối đa các vụ TNLĐ xảy ra, bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng, rất cần sự chủ động hơn nữa của chính người lao động và người sử dụng lao động.

Trần Thanh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202007/chu-dong-dam-bao-an-toan-trong-lao-dong-2493747/