Chủ động cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất khi khô hạn, xâm nhập mặn gia tăng

Trước dự báo khô hạn và xâm nhập mặn gay gắt trong mùa khô 2018, các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm cung cấp nước sạch sinh hoạt, sản xuất cho hơn 10 triệu dân của thành phố.

Vận hành hệ thống cung cấp nước sạch tại Nhà máy nước Tân Hiệp (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: CAO THĂNG

Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) đã phối hợp Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa và Công ty Thủy điện Trị An để thông báo tình hình xâm nhập mặn và yêu cầu hỗ trợ xả đẩy mặn kịp thời, tiếp tục phối hợp các đơn vị bán sỉ nước sạch trong việc điều phối vận hành, tăng cường sản lượng nước để bổ trợ khi cần thiết. Có thể tăng sản lượng của các nhà máy nước ít bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn như Nhà máy nước Kênh Đông, Nhà máy nước ngầm Tân Phú, Nhà máy nước Thủ Đức, Nhà máy nước Thủ Đức 3, Nhà máy nước BOO Thủ Đức và điều tiết mạng lưới cấp nước phù hợp để hỗ trợ cấp nước cho vùng phục vụ của các nhà máy bị ảnh hưởng. Đồng thời, sẵn sàng các biện pháp cấp nước trong điều kiện khẩn cấp như cấp nước bằng xe bồn, cấp nước từ các giếng lẻ…

* Để ứng phó tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp ở khu vực miền trung - Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa chỉ đạo áp dụng tốt các giống lúa siêu ngắn ngày và tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chống hạn trong cuộc họp sơ kết vụ đông xuân 2017 - 2018. Những vùng có nguy cơ hạn hán, không đủ lượng nước cho cây trồng vào cuối vụ cần tập trung bố trí chuyển từ cơ cấu sản xuất ba vụ sang hai vụ hoặc bố trí lại thời vụ sản xuất phù hợp để tránh hạn và áp dụng kỹ thuật canh tác để hạn chế tác động của khô hạn.

* Biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên không chỉ làm tăng nhiệt độ, tăng hàm lượng CO2 mà còn làm thay đổi quy luật thời tiết, nắng nóng, mưa lũ xuất hiện ngày càng nhiều, tăng nguy cơ, mức độ rủi ro trong sản xuất cà-phê. Hiện các tỉnh Tây Nguyên đã quy hoạch ổn định diện tích cà-phê xuống chỉ còn 530.000 ha (giảm gần 53.000 ha so với trước), đây là vùng diện tích chủ động được nguồn nước tưới, có đất đai, khí hậu thích nghi với cây cà-phê. Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo chuyển đổi cơ cấu giống thích hợp, chủ yếu là đưa các bộ giống mới vào trồng đại trà để thích nghi với biến đổi khí hậu như TR4, TR5, TR7, TR8, TR13, TR9, TR11, TR12 và bộ giống chín muộn (tầm chín từ đầu tháng 1 đến đầu tháng 2 năm sau).

* Thời gian gần đây, một loại bệnh lạ do vi-rút gây ra đã tiến công vườn rau, khiến các nhà vườn khu vực Đất Mới, Phước Thành, Đa Thiện… thuộc địa bàn phường 7, phường 8, thành phố Đà Lạt chịu nhiều thiệt hại. Khi nhiễm bệnh, cây héo úa, vàng lá, không thể phát triển và chết dần. Mặc dù người trồng đã dùng nhiều loại thuốc phun xịt nhưng căn bệnh không giảm khiến sản lượng thu hoạch rau giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 1 tấn rau/tháng (bình thường là 6 đến 8 tấn rau/tháng).

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có mưa, sương mù xuất hiện tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào sáng sớm, trong khi đó Tây Nguyên và Nam Bộ ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa và dông, khu vực Đông Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh.

* Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, trên lúa đông xuân 2017 - 2018 từ đầu vụ đến nay đã có 94.179 ha bị nhiễm dịch hại, các đối tượng dịch hại chính như rầy nâu (diện tích nhiễm từ đầu vụ đến nay là 22.727 ha, hiện diện tích nhiễm trung bình và nhiễm nhẹ tập trung ở huyện Phú Tân và huyện Châu Phú). Thời gian tới, do nhiệt độ cao, nắng nóng, sương mù, có mưa, cần cảnh giác với các dịch hại lây nhiễm và gây hại như bệnh lem lép hạt, vàng lá chín sớm, rầy nâu…

* Bình Thuận đang vào cao điểm mùa khô cho nên nhiều cánh rừng được cảnh báo cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm (cấp V). Toàn tỉnh hiện có khoảng 365.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Theo Phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2018 của tỉnh, xác định vùng trọng điểm cháy rừng cấp I có 96.109 ha, cấp II có 140.270 ha và cấp III có 101.152 ha. Qua theo dõi tình hình thời tiết, diễn biến tình trạng khô nỏ của thực bì, mới đây, Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận đã nâng cấp dự báo cháy rừng lên cấp cực kỳ nguy hiểm với các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/36142802-chu-dong-cung-cap-nuoc-sinh-hoat-va-san-xuat-khi-kho-han-xam-nhap-man-gia-tang.html