Chủ động chung tay gánh vác nhiệm vụ phòng, chống dịch

Phải khẳng định, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, bằng sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đến nay, chúng ta đã, đang kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Các hoạt động kinh tế - xã hội và cuộc sống thường nhật đã trở lại trạng thái bình thường.

Nhìn lại chặng đường phòng, chống dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua, đã có những thời điểm chúng ta phải đối mặt với chồng chất khó khăn, thử thách. Những mất mát, hy sinh không gì đo đếm được mà lực lượng tuyến đầu chống dịch, người dân và cộng đồng doanh nghiệp đã từng trải qua nhắc nhở chúng ta bài học sâu sắc. đó là không bao giờ được phép lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; không say sưa, ngủ quên trên chiến thắng và bằng mọi cách phải bảo vệ cho được thành quả phòng, chống dịch để tạo cơ sở vững chắc góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Nói vậy để soi chiếu vào bối cảnh hiện tại, khi mà tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp với nhiều yếu tố khó lường. Nếu chúng ta không duy trì tinh thần chủ động, sẵn sàng các giải pháp, rất có thể lại phải trả giá đắt…

Trước hết, xét trên bình diện thế giới cho thấy, dịch bệnh đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Hiện nay, ở một số quốc gia đã bùng phát dịch trở lại với sự xuất hiện của biến chủng Omicron và các biến chủng phụ BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1. Số ca nhập viện và tử vong ở nhiều nước đã gia tăng trở lại; trong tháng 7-2022 đã ghi nhận trên 30 triệu ca mắc mới (tăng gấp 1,7 lần so với tháng trước đó). Tổ chức Y tế thế giới hiện vẫn cảnh báo dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu và khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó.

Ở Việt Nam, trong tháng 7-2022 ghi nhận trên 33.000 ca mắc Covid-19, tăng 22,4% so với tháng trước đó. Đáng nói, những ngày gần đây, cả nước luôn ghi nhận trên 2.000 ca/ngày - số mắc cao nhất trong ngày gần 3 tháng qua. Trong khi đó, việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 ở một số địa phương vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Điều đáng quan ngại là trong khi số ca mắc Covid-19 đang gia tăng trở lại thì nguy cơ “dịch chồng dịch” hiện hữu, khi một số bệnh dịch lưu hành như cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng... đang trong mùa cao điểm, cùng khả năng cao xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi là đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính… Nguy cơ các loại dịch bệnh trên bùng phát là rất đáng báo động nhưng rõ ràng trong một bộ phận nhân dân, một số cấp ủy, chính quyền địa phương đang có tâm lý chủ quan, lơ là…

Trước những yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay, tại phiên họp lần thứ 16 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 6-8-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải cùng nhau gánh vác, mỗi cấp, mỗi ngành đều phải lo toan, trách nhiệm với công tác phòng, chống dịch; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất về nhận thức và hành động; quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, xác định trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào, dứt điểm việc đó.

Bởi việc phòng, chống dịch bệnh hiện nay là nhiệm vụ rất quan trọng, như người đứng đầu Chính phủ khẳng định: “Phòng, chống dịch để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, tạo sinh kế, công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”.

Rõ ràng, cả trước mắt và về lâu dài, chủ động trong phòng, chống dịch bệnh chính là giải pháp bền vững, là cơ sở vững chắc để góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Trên tinh thần nhất quán này, các cấp, ngành, địa phương và toàn dân phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết.

Chúng ta phải kiên định giải pháp phòng bệnh hơn chữa bệnh; phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Theo đó, phải tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân và các cấp, ngành, địa phương trong phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục vận động các nguồn lực cho phòng, chống dịch theo chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Đặc biệt, các địa phương cần đẩy mạnh, thần tốc hơn nữa việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 và các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm khác. Bởi vắc xin là vũ khí quan trọng nhất, có vai trò quyết định trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó là bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và phục vụ khám, chữa bệnh nói chung cho người dân.

Chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bao gồm việc tiêm chủng vắc xin là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân. Đây cũng là cách hiệu quả để mỗi người đóng góp có trách nhiệm vào công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm sức khỏe, sinh kế cho bản thân cùng cộng đồng.

Chí Kiên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1039465/chu-dong-chung-tay-ganh-vac-nhiem-vu-phong-chong-dich