Chủ động chống sạt lở bãi thải

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhiều hộ dân sinh sống gần khu vực có hoạt động khai thác than, bãi thải mỏ luôn canh cánh nỗi lo bởi nguy cơ sạt lở, sụt lún. Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền và ngành Than đã có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng chống sạt lở, môi trường tại khu vực bãi thải Nhà máy tuyển than Vàng Danh 2 (Công ty CP Than Vàng Danh), ngày 3/8/2020. Ảnh: Minh Đức

Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng chống sạt lở, môi trường tại khu vực bãi thải Nhà máy tuyển than Vàng Danh 2 (Công ty CP Than Vàng Danh), ngày 3/8/2020. Ảnh: Minh Đức

Hiện toàn tỉnh có gần 30 đơn vị sản xuất than đang đổ thải ở hàng chục bãi thải, trong đó có 4 bãi thải ngoài (ngoài khu vực khai trường) là Đông Cao Sơn, Bàng Nâu, Nam Khe Tam - Đông Khe Sim (TP Cẩm Phả) và bãi thải Chính Bắc (TP Hạ Long). Theo báo cáo của TKV, khối lượng đổ thải tại các bãi thải ngoài chiếm khoảng 60% tổng khối lượng đổ thải. Qua nhiều năm khai thác, đến nay, hàng tỷ m3 đất đá này đã tạo thành những bãi thải quy mô lớn như những quả núi nhân tạo, với chiều cao ở nhiều khu vực lên đến +300m.

Với đặc thù là bãi thải ngoài, các bãi thải này đều nằm trong vùng có dân cư sinh sống, trong khi độ cao của các bãi thải đều đạt mức tối đa; đất đá tại bãi thải thường xốp, tính kết dính với các tầng địa chất kém, bởi vậy rất dễ gây ra sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Điển hình, trận mưa lũ lịch sử cuối tháng 7/2015, khu vực sườn bãi thải khai thác than Đông Cao Sơn (TP Cẩm Phả) bị xói lở, phá vỡ các tầng thải và đê chắn khiến cho hàng chục nghìn mét khối đất đá, xỉ than tạo thành suối lũ bùn trượt xuống khu dân cư phía dưới, khiến cho 17 người thiệt mạng, hơn trăm ngôi nhà bị chôn vùi trong bùn nước, gây thiệt hại hết sức nặng nề.

Trước nguy cơ có thể xảy ra thảm họa khôn lường, quy hoạch hệ thống bãi thải đã được phê duyệt. Hằng năm, tỉnh đều ban hành văn bản chỉ đạo sở, ngành, địa phương, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc chủ động các biện pháp, kiểm tra, rà soát, lên phương án chống sạt lở, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, các công trình tại khu vực chân các bãi thải mỏ. Các cấp chính quyền đã yêu cầu các đơn vị ngành than tiếp tục xây dựng những công trình, đập chắn ngăn cách bãi thải với khu dân cư; tập trung gia cố lại hệ thống các tầng thải, nạo vét hệ thống thoát nước, xây dựng đê đập chắn đất đá tại các vị trí xung yếu.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Kiều Hưng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Cẩm Phả cho biết: “Trong điều chỉnh quy hoạch chung TP Cẩm Phả đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đang được trình Bộ Xây dựng cho ý kiến, thành phố đã dự kiến xây dựng phương án giữa khu khai thác đổ thải với khu dân cư có một khoảng cách ly. Cụ thể, dự kiến xây dựng tuyến đường phía Bắc, nhằm cách ly ranh giới của ngành Than đối với khu dân cư phía dưới. Từ tuyến đường này vào các khu khai thác, xây dựng mương, suối thoát nước xung quanh, trồng cây xanh cách ly...

Theo ý kiến chỉ đạo của tỉnh, 15 hộ dân tại tổ 1, khu 13, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả phải thực hiện di dời khẩn cấp.

Đối với ngành Than, trong thời gian qua các đơn vị đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp chống sạt lở tại các bãi thải, như: Xây dựng các công trình phòng chống mưa bão, hồ môi trường, lắng đọng đất đá; nạo vét các tuyến mương, suối thoát nước, sửa chữa gia cố các bờ kè chân bãi thải, các tuyến đường mỏ; đảm bảo chiều cao trung bình trong đổ thải; xây dựng đê chắn không để nước chảy cắt qua sườn tầng; trồng cây xanh hoàn nguyên tại các vị trí đã chấm dứt đổ thải; thực hiện các biện pháp bảo vệ chân taluy, bố trí tầng lọc tại các vị trí hố lắng; bố trí nhân công, máy móc túc trực tại hiện trường trong mùa mưa, có phương án xử lý, khắc phục khi có sự cố xảy ra...Nhằm xanh hóa môi trường khai thác mỏ và hạn chế tối đa tác động đến môi trường xung quanh, Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã xây dựng và triển khai Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020, xác định các công trình môi trường trọng điểm cần triển khai thực hiện trong năm 2017 đến năm 2020, trong đó tập trung vào các vấn đề phát sinh do đợt mưa lũ lịch sử cuối tháng 7/2015. Theo Đề án, giai đoạn từ 2017-2020 có hơn 100 công trình, hạng mục đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than được thực hiện. Các dự án, công trình nhằm sớm khắc phục những tác động tiêu cực do hoạt động khai thác than, ảnh hưởng đến môi trường mà trực tiếp là môi trường sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh xây dựng đề án, di dời người dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm. Theo đó, cùng với việc di dời các hộ dân trong khu vực sạt lở, ngập lụt nguy hiểm khác, tỉnh đã thực hiện di dời 380 hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở chân bãi thải, khai trường khai thác than. Đề án được hoàn thành dứt điểm trong năm 2018. Kết thúc đề án, tỉnh tiếp tục yêu cầu các địa phương phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc rà soát toàn diện các khu vực khai trường khai thác than lộ thiên, khai thác hầm lò, để xử lý kịp thời những phát sinh ngoài đề án.

Đầu năm 2020, giải quyết kiến nghị của các hộ dân tổ 1, khu 13, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả về tình trạng lún, nứt nhà ở do ảnh hưởng từ quá trình khai thác than của Công ty CP Than Mông Dương, tỉnh đã giao các sở, ngành, khảo sát, đánh giá mức độ nguy hiểm các công trình xây dựng của người dân. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đã yêu cầu thực hiện di dời ngay đối với 15 trường hợp khẩn cấp và thỏa thuận việc cải tạo, sửa chữa hoặc đền bù đối với các hộ dân có hạng mục công trình phụ nguy hiểm cấp D; khẩn trương hoàn thành việc đánh giá mức độ, phạm vi ảnh hưởng của việc khai thác than đến các khu vực lân cận để xác định bổ sung danh sách các hộ dân thực hiện di dời hoặc đền bù không di dời, đảm bảo an toàn và ổn định lâu dài cho cuộc sống của người dân trong khu vực.

Có thể thấy, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, tỉnh, ngành Than và các địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Tuy nhiên, trước diễn biến thời tiết phức tạp, đặc biệt trong thời điểm mưa bão hiện nay, hơn lúc nào hết, các đơn vị cần tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động phương tiện, vật tư tại chỗ nhằm ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Thanh Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202008/chu-dong-chong-sat-lo-bai-thai-2495725/