Chủ động chống hàng giả, hàng nhái, DN vừa bảo vệ mình vừa bảo vệ người tiêu dùng

Doanh nghiệp biết rõ nhất về sản phẩm do mình sản xuất phân phối trên thị trường, vì vậy, việc phối hợp cung cấp cấp thông tin của doanh nghiệp chủ thể quyền đóng vai trò quan trọng trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Mới đây, sau thời gian dài theo dõi, nắm bắt thông tin trên các nền tảng thương mại điện tử, ngày 9/12, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Đội QLTT số 2, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã bất ngờ kiểm tra cửa hàng kinh doanh thời trang “TRANG NEMO STYLE” tại địa chỉ 269C-269D Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM do ông N.M (sinh năm 1991) trú tại Đồng Nai làm chủ.

Cửa hàng kinh doanh thời trang “TRANG NEMO STYLE” tại TP Hồ Chí Minh.

Cửa hàng kinh doanh thời trang “TRANG NEMO STYLE” tại TP Hồ Chí Minh.

Tại đây, lực lượng QLTT đã phát hiện hàng loạt các mặt hàng thời trang kinh doanh tại “TRANG NEMO STYLE” như túi, ví Gucci, Fendi, giầy dép Chanel, quần áo Louis Vuitton … đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Kiểm tra thực tế, lực lượng QLTT phát hiện tại cửa hàng bày bán nhiều hàng hóa mang các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Gucci, Louis Vuitton, Fendi… Không có bất kỳ hóa đơn chứng từ nào được xuất trình cho hàng hóa kinh doanh trong cửa hàng. Bước đầu, đại diện Đội QLTT số 2 nhận định, phần lớn hàng hóa được bày bán tại Cửa hàng có dấu hiệu giả mạo nhiều nhãn hiệu nổi tiếng thế giới.

Được biết, cửa hàng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, đặc biệt trên nền tảng TikTok với hàng loạt video đăng tải dưới tài khoản mang tên “Trang Nemo” với hàng trăm nghìn lượt follower/tài khoản.

Theo tìm hiểu, với mỗi sản phẩm hàng hiệu bán tại "TRANG NEMO STYLE" có giá từ 300.000-850.000đ/ sản phẩm. Trong đó, trang sức xi mạ có giá từ 300.000 đồng/ sản phẩm. Quần áo hàng hiệu các loại có giá từ 300.000 - 850.000 đồng/ sản phẩm; Giày dép các loại: 500.000 đồng/₫ôi; Túi xách tay từ 500.000- 600.000 đồng/ sản phẩm.

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới và trong nước. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm này vẫn diễn biến phức tạp với nhiều hình thức tinh vi hơn.

Mới đây, tại Trung tâm thương mại Saigon Square (Thành phố Hồ Chí Minh) - nơi được mệnh danh là “tụ điểm của hàng giả”, thường xuyên thu hút đông đảo các khách hàng đến mua sắm. Trong lần truy quét mới đây của lực lượng QLTT, hàng ngàn các sản phẩm có dấu hiệu làm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng như: Adidas, Nike, Gucci... đã bị phát hiện và tạm giữ.

Ngoài ra, rất nhiều hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ được các gian thương lợi dụng dưới hình thức livestream hay bán qua mạng xã hội cũng liên tục bị lực lượng chức năng bóc gỡ.

Theo lực lượng QLTT tỉnh Thái Bình cho biết, năm 2022, lực lượng QLTT đã thanh tra, kiểm tra 1.429 vụ, xử lý 939 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 2.866.131.979 đồng; tịch thu, buộc tiêu hủy nhiều hàng hóa là hàng giả, hàng lậu, vi phạm về chất lượng và an toàn thực phẩm, không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.

Nói về vấn nạn hàng giả, hàng nhái, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT Nguyễn Thanh Bình cho biết, thời gian qua, lực lượng QLTT đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu tuệ, hàng giả và gian lận thương mại, bước đầu thu được nhiều kết quả khả quan; trở thành lực lượng quan trọng trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường nội địa.

Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, công tác chống hàng giả vẫn chưa mang lại hiệu quả cao.

Doanh nghiệp chủ động chống hàng giả, vừa bảo vệ mình vừa bảo vệ người tiêu dùng

Việc phối hợp cung cấp thông tin của doanh nghiệp chủ thể quyền đóng vai trò quan trọng trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đây là một trong nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn vấn nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Gần Tết là thời điểm nhu cầu mua sắm cao, cũng là lúc dễ trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ra thị trường.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Nguyễn Thanh Bình, thì việc đấu tranh phòng chống sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng và sự tham gia tích cực của toàn xã hội.

Mặc dù thời gian vừa qua, các lực lượng thực thi đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả và gian lận thương mại, bước đầu thu được nhiều kết quả khả quan tuy nhiên công tác chống hàng giả vẫn còn nhiều khó khăn, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

“Trong nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan thì sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi còn nhiều hạn chế, chỉ có doanh nghiệp mới biết rõ nhất về sản phẩm do mình sản xuất phân phối trên thị trường, vì vậy, việc phối hợp cung cấp cấp thông tin của doanh nghiệp chủ thể quyền đóng vai trò quan trọng trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ", ông Bình nói.

Còn ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở Hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng, vai trò tiên quyết, quan trọng trong công tác chống hàng giả, hàng nhái chính là từ phía các doanh nghiệp.

Theo đó, các doanh nghiệp phải kịp thời xây dựng những biện pháp, kế hoạch ngăn chặn các sản phẩm bị làm giả, sau đó mới là sự phối hợp của các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ doanh nghiệp và người dùng.

Nguyễn Hải

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/chu-dong-chong-hang-gia-dn-vua-bao-ve-minh-vua-bao-ve-nguoi-tieu-dung-5013141.html