Chủ động chống hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô

Đồng bằng sông Cửu Long đang vào cao điểm mùa khô, mùa xâm nhập mặn. Vì thế, công tác phòng, chống xâm nhập mặn, chủ động nước tưới cho sản xuất và giúp người dân sống chung với mặn đang được các địa phương đặc biệt quan tâm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Đo độ mặn tại cống Sơn Đốc, xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm (Bến Tre).

Đo độ mặn tại cống Sơn Đốc, xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm (Bến Tre).

Mặn xâm nhập sâu

Ðài Khí tượng - Thủy văn Nam Bộ đưa ra dự báo: Mùa xâm nhập mặn năm 2019, độ mặn 4‰ có thể xâm nhập sâu trên các sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Ðông (tỉnh Long An); sông Tiền (tỉnh Tiền Giang); sông Cửa Ðại, Cổ Chiên, Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) từ 40 đến 60 km. Thực tế tại Long An, độ mặn 4‰ đã xâm nhập sâu trên sông Vàm Cỏ Tây đến xã Nhựt Ninh (huyện Tân Trụ), xã Thuận Mỹ (huyện Châu Thành) cách cửa biển hơn 42 km; trên sông Vàm Cỏ Ðông mặn đã về đến xã Long Sơn (huyện Cần Ðước), xã Bình Trinh Ðông (huyện Tân Trụ) cách cửa sông hơn 40 km. Ðộ mặn 1‰ sẽ xâm nhập sâu trên sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Ðông từ 59 đến 62 km. Các huyện Cần Ðước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Thủ Thừa, Bến Lức, Châu Thành và TP Tân An có nguy cơ ảnh hưởng của quá trình xâm nhập mặn.

Theo nhận định của Ðài Khí tượng - Thủy văn Tiền Giang, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay ở khu vực Tiền Giang xuất hiện xấp xỉ trung bình nhiều năm nhưng sớm hơn và có khả năng xâm nhập sâu hơn năm 2018. Ðộ mặn lớn nhất mùa khô năm 2019 có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 3. Dự báo độ mặn cao nhất năm 2019 tại các trạm đo như sau: Ðộ mặn cao nhất có khả năng xuất hiện tại trạm đo Bến đò Rạch Vách: 13 - 15‰; trạm đo cống Xuân Hòa (cách cửa biển 42 km): 4 - 6‰; trạm đo Mỹ Tho (cách cửa biển 50 km): 2 - 3‰; trạm đo Ðồng Tâm (cách cửa biển 59 km): xấp xỉ 1 - 2‰.

Tại tỉnh Bến Tre, nước mặn đã lấn sâu từ các cửa sông vào đất liền. Cụ thể, độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất đến xã Thành Thới A (huyện Mỏ Cày Nam) trên sông Cổ Chiên, cách cửa sông khoảng 40 km; độ mặn 1‰ đã xâm nhập sâu nhất đến xã Mỹ Thành (TP Bến Tre) trên sông Hàm Luông, cách cửa sông khoảng 56 km. Trước tình hình nêu trên, UBND tỉnh Bến Tre đã có công văn chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống, ứng phó xâm nhập mặn như: đắp đập ngăn mặn cục bộ, kiên quyết không để người dân sản xuất ở những vùng thiếu nước, theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm nhập mặn để có giải pháp xử lý kịp thời...

Chủ động trước các tình huống

Trước nguy cơ ảnh hưởng của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, chính quyền cũng như người dân các địa phương đã xây dựng kế hoạch từ khá sớm để chủ động ứng phó trong nhiều tình huống. Những ngày qua, khi nắng nóng gay gắt, ông Nguyễn Văn Liềm, ngụ ấp 1, xã Hưng Nhượng (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) tất bật lo chăm sóc thửa vườn trồng dừa xen bưởi, hoa màu của gia đình. Ông Liềm cho biết: "Khi nghe thông tin nước mặn xâm nhập nội đồng nên ngày nào tôi cũng nghe đài truyền thanh ở xã để cập nhật thông tin nhằm tưới vườn kịp thời. Hơn một tháng nay, cống Sơn Ðốc (xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm) đóng cho nên nước trong nội đồng vẫn còn ngọt, người dân tranh thủ trữ trong mương vườn để tưới cây, cho gia súc, gia cầm uống".

Ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND huyện Giồng Trôm có giải pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Trôm Nguyễn Vũ Phong cho biết: "Nhờ chủ động trong việc đóng cống, điều tiết nước ngọt cho nên đến thời điểm này vẫn bảo đảm đủ cung cấp cho việc sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tất cả diện tích dừa, cây ăn trái, hoa màu, lúa... đều an toàn. Ngoài việc thông tin thường xuyên, ngành nông nghiệp hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác như: ủ gốc, bón phân thích hợp, trữ nước trong mương vườn để bảo đảm cây trồng phát triển tốt".

Tại huyện Ba Tri có hơn 11.000 ha lúa đang trong giai đoạn làm đòng được nông dân tích cực chăm sóc, cung ứng nước nhằm tránh thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Gia đình ông Lê Văn Ðấu, ngụ ấp 3, xã An Bình Tây tất bật bơm nước từ kênh lên đồng để tưới cho gần 1 ha đất trồng lúa của gia đình. Ông Ðấu cho biết: "Hiện nay, lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị trổ bông, cần nhiều nước cho nên ai cũng tranh thủ bơm vào ruộng. Nhờ hệ thống cống đã được đóng lại, dù nước bên ngoài độ mặn rất cao nhưng phía nội đồng vẫn dưới 1‰, bảo đảm cho cây lúa phát triển".

Trong năm 2018, ngành nông nghiệp huyện Ba Tri đã phối hợp Công ty TNHH khai thác công trình thủy lợi Bến Tre nạo vét 155 tuyến kênh với chiều dài 138 km, tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng để phục vụ sản xuất. Ðồng thời tham mưu UBND huyện thực hiện nhiều giải pháp ứng phó hạn, mặn nhằm bảo vệ diện tích lúa đã xuống giống của người dân. Hiện nay, mỗi tuần cơ quan chức năng đều đo độ mặn hai lần, phối hợp trạm khuyến nông, đài truyền thanh thường xuyên thông tin về độ mặn. Ðồng thời đóng các cống nội đồng để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, chăn nuôi. Ðến thời điểm hiện tại vẫn bảo đảm đủ nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt của người dân và chưa ghi nhận thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Chi Cục trưởng Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An Võ Kim Thuần cho biết: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An đang phối hợp các địa phương tuyên truyền, phổ biến thông tin đến người dân nâng cao ý thức về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn; khuyến cáo người dân thực hiện đúng lịch thời vụ đã ban hành và sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm, hợp lý. Ðồng thời đẩy nhanh tiến độ duy tu, sửa chữa và nạo vét các công trình thủy lợi cấp thiết để trữ nước; tổ chức trục vớt, diệt lục bình trên tuyến sông, kênh, rạch để khơi thông dòng chảy, phục vụ tốt cho sản xuất. Thực hiện quy chế phối hợp, kế hoạch vận hành, điều tiết nước hợp lý các cống ngăn mặn trong cùng hệ thống, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xâm nhập mặn do cơ chế phối hợp chưa tốt. Long An đã chủ động rà soát xây dựng các kịch bản về tình trạng xâm nhập mặn, khoanh vùng khả năng thiếu nước bằng cách chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với diễn biến của xâm nhập mặn.

Tại Tiền Giang, huyện Gò Công Ðông là địa bàn chịu tác động của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Ông Trần Văn Nuôi ở ấp 4, xã Tân Tây cho biết, gia đình ông vừa thu hoạch xong hơn 1 ha lúa vụ đông xuân, hiện chỉ còn một ít diện tích rau màu. Vừa qua, nhờ hệ thống kênh mương thủy lợi được nạo vét tốt, khơi thông dòng chảy cho nên dẫn nước ngọt về dồi dào, hạn chế được tác hại của hạn, mặn. Tuy nhiên, nông dân ở đây đang theo dõi kỹ thông tin khuyến cáo từ cơ quan chức năng mới xuống giống vụ mới. Phải đợi nước ngọt từ thượng nguồn về và mưa xuống làm giảm độ mặn, ít nhất cũng phải đến giữa tháng 5, mới sạ giống được.

Vừa qua, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư 24 công trình thủy lợi nội đồng ở huyện Gò Công Ðông, phục vụ gần 2.500 ha lúa và hoa màu trong mùa khô 2019. Nếu xảy ra hạn, mặn gay gắt, địa phương sẵn sàng cho đắp 51 đập ngăn mặn ở đầu kênh trên địa bàn tám xã ven đê, bảo vệ 4.398 ha lúa và hoa màu. Ngoài ra, địa phương đã lên phương án triển khai 195 điểm bơm chuyền hai cấp để cứu lúa ở những khu vực canh tác xa kênh chính. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống hạn, mặn đạt hiệu quả bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh đang kiến nghị các bộ, ngành trung ương quan tâm đầu tư tập trung vào ba vùng dự án trọng điểm. Ðó là vùng dự án ngọt hóa Gò Công, vùng dự án Phú Thạnh - Phú Ðông tại huyện Tân Phú Ðông và hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án ngăn mặn, giữ ngọt Thuộc Nhiêu - Mỹ Long ở khu vực phía tây tỉnh.

Bài và ảnh: TUẤN TRUNG PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39603802-chu-dong-chong-han-han-xam-nhap-man-vao-mua-kho.html