Chủ động cấm biển phòng, chống bão số 14

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 14 đang di chuyển theo hướng Tây và có khả năng mạnh thêm. Dự báo đến 10 giờ ngày 19-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,7 độ Vĩ Bắc, 109,3 độ Kinh Đông, trên bờ biển các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Thứ trưởng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT Hoàng Văn Thắng chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 14. Ảnh: CTV

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới trên khu vực Biển Đông được xác định từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc.

Tính đến 6 giờ sáng nay, 18-11, các đơn vị biên phòng tuyến biển đã phối hợp với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho: 54.604 tàu/251.796 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Trong số đó, 237 tàu/2.833 lao động đang hoạt động ở khu vực từ 80-120 N và Đông 1120E đã nắm được thông tin về bão số 14 và đang chủ động di chuyển phòng tránh. Hiện vẫn còn 698 tàu/4541 lao động của tỉnh Cà Mau chưa liên lạc được.

Đường đi của bão số 14. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương

Chủ động phòng, chống bão số 14, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã cấm biển từ 15 giờ chiều ngày 17-11. Tỉnh Bình Thuận cấm biển từ 9 giờ sáng nay.

Điều đáng lưu ý là từ sáng sớm mai, ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.

Từ ngày 19 đến 24-11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Định lên mức báo động (BĐ) 2-BĐ3 và trên BĐ3. Các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và lưu vực sông Đồng Nai mực nước lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2. Trên các sông suối nhỏ mực nước lên trên BĐ3.

Trong khi đó, khu vực Nam Trung bộ hiện có 57 hồ chứa xung yếu (16 hồ lớn, 41 hồ nhỏ). Các hồ đặc biệt cần quan tâm, khi có mưa lớn gồm: Hồ Buôn La Bách, Hóc Răm (Phú Yên); Đập Làng, Ông Thơ (Quảng Ngãi); Kim Sơn, Thạch Bàn (Bình Định); Sông Biêu (Ninh Thuận); Trà Tân, Sông Quao (Bình Thuận).

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, khu đô thị các tỉnh trên, đặc biệt các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định.

Lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông có nguy cơ xảy ra trên hầu khắp các tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên. Đặc biệt khu vực vùng núi các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng.

Để giảm thiểu thiệt hại do bão số 14, tại cuộc họp sáng nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 90/CĐ-TW ngày 17-11-2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Kiểm tra việc sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, kiên quyết không để người dân nào trên các phương tiện, tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ. Đồng thời kiểm tra, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, cơ sở dịch vụ du lịch đảm bảo an toàn; chủ động tiêu nước đệm hạn chế ngập úng.

Bên cạnh đó, các địa phương cần cử các đoàn công tác đến các địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó nhất là việc huy động lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm để sẵn sàng triển khai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chu-dong-cam-bien-phong-chong-bao-so-14/