Chủ động các phương án phòng chống thiên tai từ các bộ, ngành, các địa phương và người dân

Chiều 15-5, tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống Thiên tai (PCTT), Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (UPSCTT&TKCN) phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UPSCTT&TKCN.

Theo đánh giá của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, thiên tai năm 2019 không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước. Năm 2019 đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 8 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); ngoài ra còn có 222 trận dông, lốc sét; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 13 đợt nắng nóng; 63 trận mưa lớn, ngập lụt; 13 trận động đất; triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)… Mặc dù thiên tai năm 2019 có nhiều diễn biến phức tạp, song thiệt hại đã được giảm thiểu, đặc biệt là về người, cụ thể: 133 người chết và mất tích; 1.319 nhà bị đổ, trôi; 40.276 nhà bị hư hỏng và phải di dời; trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 24.000 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị gãy, đổ. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến chiều 15-5.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến chiều 15-5.

Bên cạnh những thiệt hại về vật chất nêu trên, thiên tai còn làm ảnh hưởng sức khỏe, môi trường sống, đình trệ sản xuất, giảm thu nhập của nhân dân, cản trở giao thương, làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ thiết yếu tại nhiều khu vực, nhất là khu vực Bắc Trung Bộ, khu vực ĐBSCL; kéo theo rất nhiều hệ lụy cho xã hội.

Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường, trên cả nước đã xảy ra 7 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực ĐBSCL; 11 trận động đất; sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp tại ĐBSCL. Tính đến hết tháng 4-2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái; trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Diễn biến của thiên tai ngày càng cực đoan, dị thường, xảy ra khắp các vùng miền trong cả nước, gây thiệt hại không nhỏ về người và vật chất. Thủ tướng cũng khẳng định quan tâm đến công tác phòng, chống thiên tai là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Do đó, Việt Nam luôn coi công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên liên tục của cả hệ thống chính trị. Trong đó, lực lượng vũ trang đặc biệt là lực lượng quân đội, công an mỗi khi có xảy ra thiên tai, lực lượng này đều được huy động giúp người dân ứng phó để giảm thiểu thiệt hại. Bộ Quốc phòng và các đơn vị quân đội là một trong những lực lượng quan trọng giúp dân PCTT hiệu quả, qua đó làm sáng lên hình ảnh của Bộ đội Cụ Hồ. Bên cạnh đó là vai trò quan trọng của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại các địa phương.

Về vấn đề giải quyết hạn hán, xâm nhập mặn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý việc nghiên cứu xây dựng các hồ chứa nước ngọt ở khu vực ĐBSCL nhằm phục vụ đời sống, sản xuất của người dân. Thủ tướng cũng chỉ ra hàng loạt những hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống thiên tai: Nhiều văn bản còn vướng mắc gây ảnh hưởng tới công tác phòng, chống thiên tai, công cụ hỗ trợ chuyên dùng cho công tác PCTT&TKCN, cơ sở dữ liệu phòng, chống thiên tai vẫn còn thiếu, khai thác cát bừa bãi trên sông là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sạt lở đất diễn biến phức tạp ở một số địa phương...

Để phòng chống, ứng phó, hiệu quả thiên tai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong thời gian tới, công tác PCTT cần phải tiếp tục được quán triệt đến từng cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân. Chủ động các phương án PCTT từ các bộ, ngành và các địa phương và người dân. Tiếp tục kiện toàn bộ máy chỉ huy PCTT, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ PCTT ở các địa phương kiến thức, kỹ năng về công các PCTT, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong PCTT. PCTT vẫn rất cần thực hiện theo phương châm “Bốn tại chỗ”, đồng thời hiện hóa công tác dự báo nâng chất lượng dự báo thiên tai, góp phần giúp công tác chỉ đạo phòng, chống ứng phó, kịp thời, hiệu quả thiên tai.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/chu-dong-cac-phuong-an-phong-chong-thien-tai-tu-cac-bo-nganh-cac-dia-phuong-va-nguoi-dan-617934