Chủ động các giải pháp kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông cuối năm

Năm 2019, Hà Nội là một trong những thành phố đứng đầu cả nước về thành tích giảm ùn tắc và số vụ tai nạn giao thông (TNGT). Thế nhưng, càng về cuối năm, giao thông ở Thủ đô lại phải đối mặt với áp lực ùn tắc và nguy cơ gia tăng tai nạn.

Để hiểu rõ hơn về các giải pháp của lực lượng chức năng trong việc đảm bảo ATGT những ngày cao điểm này, phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với Đại tá Dương Đức Hải - Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội.

PV: Thưa đồng chí Trưởng phòng, đồng chí đánh giá thế nào về tình hình giao thông Hà Nội hiện nay?

Đại tá Dương Đức Hải: Hiện nay giao thông Thủ đô đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, trước tiên là phương tiện giao thông cá nhân gia tăng (trung bình tăng 9,2% về ôtô và 4% về xe máy), ùn ứ giao thông trong giờ cao điểm, đặc biệt trước và sau các kỳ nghỉ lễ, Tết, sau các trận bóng đá Đội tuyển Việt Nam…

Cùng đó, vẫn còn một bộ phận người tham giao thông, ý thức chấp hành Luật Giao thông còn hạn chế. Tình trạng người điều khiển xe môtô không đội mũ bảo hiểm, xe Limousine, Grab trá hình chạy tuyến cố định, xe khách chạy không đúng tuyến, xe khách chạy ngược chiều, chở quá số người quy định; xe tải đi sai giờ, đi vào đường cấm, chở vật liệu rơi vãi; xe khách giả danh xe buýt, vi phạm không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; xe ôtô dừng, đỗ sai quy định…

Vi phạm lấn chiếm lòng đường, hè phố làm nơi trông giữ phương tiện vẫn diễn ra gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị.

Nhìn nhận được những khó khăn trên, cũng như bám sát vào các kế hoạch của Bộ Công an, Công an thành phố, ngay từ đầu năm 2019 Phòng CSGT đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp công tác góp phần bảo đảm TTATGT trên địa bàn Thủ đô được duy trì ổn định.

Một trong những kết quả nổi bật của lực lượng CSGT Thủ đô là dẫn và bảo vệ an toàn, thông suốt trên 1.000 sự kiện đoàn và hội nghị, điển hình là thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 góp phần vào thành công sự kiện đối ngoại quan trọng nhất của Việt Nam năm 2019. Chúng tôi đã tham mưu cho Giám đốc Công an thành phố huy động các lực lượng như Cảnh sát cơ động, Cảnh sát ma túy, Kỹ thuật hình sự tập trung xử lý có hiệu quả các hành vi vi phạm liên quan đến rượu bia, ma túy, dừng đỗ sai quy định, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, không đội MBH khi tham gia giao thông.

Đồng chí Dương Đức Hải, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội.

Đồng chí Dương Đức Hải, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội.

Đồng thời đẩy mạnh việc xử lý thông qua camera xử phạt tạo được chuyển biến tích cực trong ý thức của người tham giao thông. Tiếp tục phối hợp với phòng Tham mưu Công an thành phố tham mưu cho Giám đốc bổ sung thêm 15 tổ 141 nâng lên thành 30 tổ công tác để bố trí khép kín địa bàn và thời gian, đấu tranh trấn áp với các loại tội phạm lợi dụng tuyến giao thông để hoạt động phạm tội. Trong 11 tháng đầu đã phát hiện 905 vụ việc có dấu hiệu tội phạm với 910 đối tượng thu giữ hàng nghìn tang vật các loại góp phần vào bình yên cuộc sống của nhân dân Thủ đô.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính phục vụ nhân dân, đặc biệt đã thiết lập đường dây hotline để trả lời giải quyết các thắc mắc và hỏi đáp về thủ tục hành hính của nhân dân; ngoài ra còn đăng tải công khai các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực giao thông trên Trang thông tin điện tử của Phòng CSGT để nhân dân tiện tra cứu.

Kết quả trong 11 tháng đầu năm 2019, tai nạn giao thông giảm sâu cả ba tiêu chí (So với cùng kỳ năm 2018, số điểm đen tai nạn giao thông giảm 22 điểm (giảm 57%), xóa 10 điểm đen về ùn tắc giao thông (giảm 30%); lực lượng CSGT được các cấp các ngành tặng 634 bằng khen, giấy khen tiếp nhận 37 thư khen của người dân.

PV: Mới đây, Hà Nội đang lấy ý kiến về các giải pháp chống ùn tắc giao thông. Trong đó có hai phương án là thu phí vào nội đô và cấm xe máy hoạt động tại một số vành đai. Quan điểm của đồng chí về các giải pháp này thế nào?

Đại tá Dương Đức Hải: Có thể khẳng định đây là hai chủ trương lớn của thành phố, nếu thực hiện được tốt hai giải pháp này thì sẽ góp phần cơ bản giảm thiểu ùn tắc giao thông như một số nước trên thế giới đang làm.

Tuy nhiên hiện nay do điều kiện hạ tầng chưa được phát triển đồng bộ, các tuyến metro chưa được hoàn thiện, các phương tiện xe công như xe buýt mới đáp ứng được 14,5% nhu cầu đi lại của nhân dân; việc kết nối phương tiện công cộng giữa các tuyến trục chính - tuyến đường nhánh, các tuyến nội thành - ngoại thành và giữa Thủ đô - với các tỉnh lân cận còn nhiều hạn chế; nếu việc thực hiện triển khai hai giải pháp này sẽ tác động đến nhiều mặt của xã hội, tác động trực tiếp đến đời sống, đi lại của người dân và doanh nghiệp do đó các cơ quan chức năng cần phải có tính toán kỹ lưỡng, khoa học, hợp lý, đặc biệt là có lộ trình cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn.

PV: Hà Nội đang hướng tới xây dựng thành phố thông minh, theo đồng chí lực lượng CSGT sẽ góp phần thực hiện mục tiêu này như thế nào trong năm 2020?

Đại tá Dương Đức Hải: Chính phủ đang tiến tới một Chính phủ điện tử, Hà Nội hướng tới một thành phố thông minh với các ứng dụng khoa học công nghệ cao, nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân, do vậy các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan phải chuyển động theo...

Lực lượng CSGT Hà Nội không thể đứng ngoài cuộc với xu thế hiện đại này. Hoàn toàn chủ động về vấn đề này, Đảng ủy Ban Chỉ huy Phòng CSGT đã chỉ xây dựng đề án báo cáo Giám đốc để tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố xây dựng hệ thống giao thông thông minh trong đó có một số vấn đề được đặt ra như: Xây dựng hệ thống Trung tâm điều khiển giao thông thông minh; Hệ thống chức năng điều khiển tín hiệu giao thông thông minh; Hệ thống làn sóng xanh, điều phối giao thông cho xe ưu tiên; Hệ thống kiểm soát vi phạm trật tự an toàn giao thông; Cổng thông tin và hướng dẫn giao thông cho người dân…

Trong đó có đề xuất lắp đặt thêm gần một nghìn camera xử phạt, giám sát được lắp ở khắp thành phố, tuyến đường huyết mạch, có thể tự động phát hiện, kiểm tra và xử lý những vi phạm của lái xe trên đường và tôi tin rằng với giải pháp này ý thức tham gia giao thông của người dân sẽ tốt lên rất nhiều.

PV: Cuối năm thường được coi là thời điểm “nóng” của ùn tắc và tai nạn giao thông, nhất là khu vực cửa ngõ ra vào Thủ đô. Vậy năm nay, Phòng CSGT đã có giải pháp khắc phục việc này như thế nào, thưa đồng chí?

Đại táDương Đức Hải: Dự báo trước tình hình trên, Phòng CSGT đã chủ động nắm tình hình TTATGT tại các khu vực cửa ngõ thành phố để xây dựng phương án cảnh báo, hướng dẫn, phân luồng giao thông từ xa, hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra ùn tắc giao thông. Khi phát hiện tình hình TTATGT có diễn biến phức tạp, xảy ra ùn ứ cục bộ, nguy cơ cao dẫn tới ùn tắc kéo dài, các đơn vị sẽ phối hợp triển khai đồng loạt các biện pháp đồng thời thông báo trên VOV giao thông để nhân dân biết, vòng tránh, không đi vào khu vực ùn tắc.

Trong các khung giờ cao điểm chỉ đạo các đơn vị phối hợp với lực lượng Cảnh sát trật tự, Công an phường, xã, Thanh tra giao thông, dân phòng, sinh viên tình nguyện (đối với dịp lễ, Tết)… bố trí lực lượng làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển, phân luồng giao thông tại 381 nút giao trọng điểm, các điểm giao cắt giữa đường chính và ngõ, điểm mở quay đầu phức tạp trên các tuyến nội thành, tuyến quốc lộ, các tuyến trục chính, tuyến vành đai, các tuyến hành lang dẫn, bảo vệ đoàn...

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Phạm Huyền (thực hiện)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/chu-dong-cac-giai-phap-keo-giam-un-tac-tai-nan-giao-thong-cuoi-nam-571775/