Chủ động bảo đảm nguồn cung thực phẩm cuối năm

Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp trong thời gian qua, khiến tổng đàn lợn của cả nước sụt giảm mạnh; nguy cơ thiếu nguồn cung thực phẩm Tết Nguyên đán sắp tới là kịch bản có thể xảy ra. Chủ động tìm giải pháp bảo đảm nguồn cung thực phẩm Tết đang được các địa phương triển khai quyết liệt.

Cận cảnh "thủ phủ" nguồn cung thịt lợn

Tỉnh Đồng Nai được coi là "thủ phủ" cung cấp lợn thịt cho thị trường lớn nhất khu vực phía Nam và cả nước. Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi về tìm hiểu thực tế tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, địa phương có số hộ chăn nuôi lợn lớn nhất Đông Nam Bộ. Dễ nhận thấy không khí ảm đạm và lo lắng của nhà nông vì dịch bệnh. Đa số các chủ hộ chăn nuôi cầm chừng. Nhiều trang trại vẫn chưa hoạt động trở lại sau khi tiêu hủy lợn mắc bệnh. Phần lớn người dân tại đây không dám tái đàn do lo ngại dịch tả lợn châu Phi có thể quay trở lại. Bà Trịnh Kim Liên, một trong những chủ hộ chăn nuôi heo ở đây cho biết: “Mọi năm, thời gian này đang là cao điểm để người dân chăm sóc heo cung ứng dịp Tết Nguyên đán, nhưng hiện nay do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên hiện tại không mấy ai nuôi. Tôi đang chờ một thời gian xem tình trạng bệnh dịch diễn biến thế nào mới tính tiếp”.

 Người dân lựa chọn thực phẩm tại một siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Người dân lựa chọn thực phẩm tại một siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Sau 4 tháng bị dịch tả lợn châu Phi hoành hành tại 11 huyện, thành phố của tỉnh Đồng Nai, tổng đàn lợn của tỉnh hiện còn hơn 1,5 triệu con, giảm gần 50% so với trước lúc xảy ra dịch bệnh. Mặc dù tốc độ lan, phát sinh dịch bệnh hiện có chậm lại nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh Đồng Nai, dịp Tết Nguyên đán sắp tới nguồn cung thịt lợn sẽ khó tránh khỏi tình trạng khan hiếm.

Sau thời gian ảm đạm rớt giá do dịch bệnh thì gần đây giá lợn lại đang tăng cao từng ngày, nguyên nhân được cho là nguồn cung thịt đang giảm khá mạnh do dịch bệnh chưa thể kiểm soát triệt để. Từ nay đến cuối năm, nguy cơ thiếu hụt nguồn thịt lợn là điều được dự báo. Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, giá lợn liên tục tăng trong vài tuần nay đã cho thấy cán cân cung-cầu của mặt hàng thịt lợn đang dần mất cân đối. Trong vài tháng tới, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán 2020, thịt lợn dự kiến sẽ tăng giá vì nhu cầu tăng cao và khả năng thiếu nguồn cung trầm trọng. Giá thịt lợn tăng là cơ hội để nông dân tái đàn, khôi phục sản xuất nhưng nhiều hộ nuôi vẫn dè dặt. Theo ghi nhận của phóng viên tại nhiều địa phương, với hậu quả nặng nề từ dịch tả lợn châu Phi thì phải mất một thời gian khá dài, người chăn nuôi, đặc biệt những hộ nhỏ lẻ mới quay lại tái đàn vì lo ngại dịch bệnh có thể trở lại.

Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, thời gian này lại là cơ hội tốt để người chăn nuôi tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong việc phòng, chống dịch để phát triển đàn lợn. Theo các chuyên gia, với đàn lợn, cần kiểm soát chặt chẽ, hạn chế việc tăng đàn, tái đàn, thậm chí không cho tái chăn nuôi trong vùng dịch hoặc ở khu vực chăn nuôi không đạt chuẩn an toàn sinh học, nhất là chăn nuôi trong khu dân cư. Để chấm dứt dịch bệnh không ai có thể làm thay mà chính người nuôi phải nỗ lực, phải thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học, nếu không làm được thì dừng nuôi.

Đa dạng hóa nguồn cung

Trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, hiện nhiều doanh nghiệp và hộ nuôi lợn trên địa bàn các tỉnh Đông Nam Bộ đang chú trọng áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đây là giải pháp tối ưu vào lúc này, vừa giúp giữ được đàn và cũng là cơ hội để tái đàn. Làm việc tại tỉnh Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá: Thời gian qua, một số tỉnh đã thực hiện rất tốt mô hình chăn nuôi sạch, chăn nuôi an toàn sinh học, cả với chăn nuôi trang trại và chăn nuôi nhỏ lẻ. Điều này khẳng định nếu làm tốt an toàn sinh học thì vẫn có thể bảo vệ và phát triển đàn lợn, bảo đảm sản lượng thịt lợn cung cấp cho thị trường cuối năm và đặc biệt cho Tết Nguyên đán 2020.

Chuyển đổi cơ cấu vật nuôi để đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm cũng là phương án được các địa phương chú trọng. Đây cũng là giải pháp đang được áp dụng nhằm ổn định thị trường thực phẩm Tết. Trứng, thịt gia cầm, thủy hải sản là các mặt hàng được xác định đóng vai trò thay thế tạm thời khi nguồn cung thịt lợn bị thiếu hụt. Thay vì phát triển chăn nuôi lợn như mọi năm, thời điểm này, các doanh nghiệp và hộ dân chú trọng tăng tổng đàn gia cầm, gia súc để thay thế cho nguồn cung thịt lợn bị giảm sút. Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương sẽ tăng trưởng đàn gia cầm lên 13% so với trước, hiện mức tăng này đã đạt khoảng 8%. Các trang trại gà trứng, gà thịt tại Bình Dương, Long An, Đồng Nai... cũng tăng đàn để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn tại địa bàn TP Hồ Chí Minh đã chủ động nhập và dự trữ thực phẩm để bảo đảm nguồn cung do lượng thịt lợn giảm mạnh trong dịp cuối năm. Theo đó, Vissan đã tăng lượng dự trữ 3.600 tấn trong thời gian 45 ngày và nhập thịt lợn nếu có biến động lớn. Công ty Ba Huân trữ đông hơn 200 tấn thịt gà, Công ty San Hà trữ đông 1.500 tấn thịt lợn, gà, tăng 200 tấn thịt gà/ngày, tăng 25 tấn thịt lợn/ngày. Một số đơn vị tại TP Hồ Chí Minh đã chủ động nhập khẩu thịt lợn để dự phòng các tình huống biến động trên thị trường thời gian tới.

Ngoài các doanh nghiệp sản xuất, các nhà bán lẻ cũng đã có kế hoạch cung ứng hàng hóa dịp cuối năm khá bài bản, trong đó có hình thức đặt hàng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạo, thực phẩm, rau củ quả… theo yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, truy xuất nguồn gốc nhà bán lẻ...

Với những giải pháp đồng bộ, giới chuyên gia, nhà quản lý và đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn, hệ thống siêu thị... khuyến cáo người tiêu dùng không nên quá lo lắng. Dù nguồn cung thịt lợn giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, giá thịt lợn có thể tăng cao hơn, nhưng chắc chắn thị trường sẽ không thiếu các loại thực phẩm thay thế để đáp ứng nhu cầu người dân và bình ổn thị trường dịp Tết Canh Tý 2020.

Bài và ảnh: MINH NGÂN - LÊ PHƯỢNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chu-dong-bao-dam-nguon-cung-thuc-pham-cuoi-nam-591985