Chủ đầu tư lên tiếng về 'chiếc áo rách' trên tuyến đường N5

Sau khi Báo Kinh tế nông thôn phản ánh, chủ đầu tư là Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) cho rằng, đường N5 mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng nặng là do xe quá tải, nhà thầu chậm khắc phục.

Ngày 1/10, ông Đinh Đăng Khánh, Phó giám đốc Ban quản lý dự án (Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An), cho biết, dự kiến đến cuối tháng 11, các vị trí hư hỏng trên tuyến đường N5 sẽ được đơn vị thi công sửa chữa xong.

Theo ông Khánh, tuyến N5 hư hỏng từ tháng 7, bắt đầu vào mùa mưa. Vị trí bị hư hỏng nằm trong dự án đường N5 giai đoạn 1. Dự án này dài chưa đến 7 km, với tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng do Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam làm chủ đầu tư, nằm trên tuyến đường nối với Quốc lộ 7 ở xã Hòa Sơn (Đô Lương) về cảng Nghi Thiết.

Mặc dù chưa bàn giao nhưng từ tháng 4/2017, tuyến đường này đã được thông xe. Đây không phải là lần đầu tiên, đơn vị thi công phải sửa chữa trên tuyến đường này. Trước đó, chỉ vài tháng sau khi thông xe, đường N5 cũng đã bị xuống cấp.

"Chiếc áo rách" trên tuyến đường N5. Ảnh: Duy Ngợi

"Chiếc áo rách" trên tuyến đường N5. Ảnh: Duy Ngợi

Khi hỏi về nguyên nhân dẫn đến thực trạng đường N5 mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng nặng, ông Khánh cho biết: Bắt đầu chỉ một vài vị trí hư hỏng cục bộ, nứt nẻ, rồi trong quá trình vận hành, xe quá tải chạy nhiều, nước rửa đường ứ đọng dẫn đến xử lý không kịp nên đã lan ra. Thêm nữa, do nhà thầu không thực sự để tâm đến chuyện sửa chữa dù chủ đầu tư đã gọi điện, có ý kiến bằng văn bản yêu cầu khắc phục, từ đó đến nay đã tầm 3 tháng thì họ mới chịu vào sửa.

Phóng viên hỏi thêm, khi xảy ra sự cố đường N5 hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, dư luận hoài nghi về chất lượng thi công công trình, quan điểm của chủ đầu tư về vấn đề này? Đại diện chủ đầu tư thừa nhận: Thực ra nếu mình nói liên quan đến chất lượng công trình mà đổ lỗi cho đơn vị thi công cũng có phần phiến diện. Riêng cá nhân tôi nhận định, quá trình làm một khâu, một lúc nào đó nhà thầu vẫn kiểm soát chưa tốt nên mới sinh ra hư hỏng cục bộ. Còn nói họ làm tốt hoàn toàn thì mình cũng không khẳng định. Nếu như nhà thầu làm thật tốt thì làm sao hỏng được? Do đó, trách nhiệm của nhà thầu là phải sửa chữa thôi.

Ông Khánh cho hay, khu vực đường N5 hư hỏng do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường (địa chỉ ở Ninh Bình) thi công; đơn vị giám sát là Công ty Long Thành (trụ sở ở Hà Nội).

Trước đó, Báo Kinh tế nông thôn có bài "Nghệ An: Chiếc áo rách trên tuyến đường N5”, phản ánh tình trạng xuống cấp trên tuyến đường được cho là trọng điểm, huyết mạch của xứ Nghệ. Theo ghi nhận của phóng viên, một số vị trí bị phình lún, nứt nẻ chằng chịt. Có những “ổ gà” có bán kính rộng hơn 1m, sâu khoảng 20cm. Nhiều chỗ thậm chí đọng nước lâu ngày….

Chủ đầu tư và nhà thầu vẫn thờ ơ với người tham gia giao thông vì không có biển cảnh báo nguy hiểm nào cho những vị trí đường hư hỏng, xuống cấp. Ảnh: Duy Ngợi.

Hiện tại, ở những vị trí hư hỏng nghiêm trọng, đơn vị thi công đã cho bóc lớp thảm sâu hơn nửa mét để làm lại hoàn toàn. Đặc biệt, khu vực đầu đường, giáp với Quốc lộ 1A, dài hơn 300m, đơn vị thi công đã phải lập rào chắn để sửa chữa nhiều ngày qua. Đại diện chủ đầu tư ước tính, việc sửa chữa này sẽ tốn kém hơn 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, ngoài khu vực đơn vị thi công lập rào chắn sửa chữa, trên tuyến đường N5 vẫn còn nhiều chỗ xuất hiện sụt lún, "ổ gà", "ổ trâu" đọng nước không được che chắn, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Duy Ngợi

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/chu-dau-tu-len-tieng-ve-chiec-ao-rach-tren-tuyen-duong-n5-post23391.html