Chủ đầu tư dự án sân golf quốc tế Thuận Thành là ai?

Dự án sân golf quốc tế Thuận Thành là dự án do Liên danh Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản HUDLAND và Công ty cổ phần tư vấn và thương mại Thăng Long làm chủ đầu tư có quy mô 27 lỗ.

Dự án sân golf quốc tế Thuận Thành

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang vừa ký văn bản gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để xin ý kiến thẩm định thực hiện Dự án sân golf quốc tế Thuận Thành.

Đây là dự án do Liên danh Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản HUDLAND và Công ty cổ phần tư vấn và thương mại Thăng Long làm chủ đầu tư.

Theo tìm hiểu, dự án sân golf Quốc tế Thuận Thành có quy mô 27 lỗ, hiện trạng sử dụng đất chủ yếu là đất bãi bồi ven sông tạm trồng cây hoa màu, mặt nước. Hiện không có đất lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, không thuộc đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị.

Khu vực dự án nằm ngoài bãi sông Đuống, không có hộ dân sinh sống, hiện chưa có hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật. Khu vực dự án không có các công trình văn hóa, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Dự án sân golf quốc tế Thuận Thành tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

Dự án sân golf quốc tế Thuận Thành tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

Theo Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Quyết định số 941/QĐ-UBND ngày 07/7/2017, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Hồ và phụ cận huyện Thuận Thành, trong đó quy hoạch trục cảnh quan, môi trường sinh thái..., đặc biệt bố trí khu sân golf tại xã Đình Tổ cấp vùng thủ đô kết hợp hài hòa với cảnh quan khu vực xung quanh.

Chủ đầu tư là ai?

Dự án này được giao cho liên danh CTCP đầu tư và phát triển bất động sản HUDLand (mã HLD) và CTCP tư vấn và thương mại Thăng Long làm chủ đầu tư. Đây không phải là những cái tên được biết đến nhiều trên thị trường bất động sản và cũng chưa có những dự án bất động sản quy mô lớn nào được dư luận thực sự quan tâm.

Theo Nhà đầu tư, công ty HUDLand được thành lập ngày 10/8/2007, do 3 cổ đông sáng lập gồm Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị (HUD) thuộc Bộ Xây dựng, CTCP Đầu tư Xây dựng Thành Nam và Công ty Nikko Việt Nam.

Ở thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của HUDLand đạt 200 tỷ đồng, trong đó, HUD là đại diện chủ sở hữu nhà nước, nắm giữ 51% cổ phần.

Về kết quả sản xuất kinh doanh của HUDLand, trong 3 năm gần đây lợi nhuận sau thuế của công ty này có diễn biến tăng nhẹ, với năm 2017 đạt 57,7 tỷ, năm 2018 đạt 73,4 tỷ, còn đến năm 2019 đạt 76 tỷ đồng.

Dẫu vậy, tính đến hết ngày 31/12/2019, tổng nợ phải trả của HLD là 271 tỷ đồng, chiếm phần lớn là nợ ngắn hạn 236 tỷ đồng. Đáng chú ý, vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn đạt 112 tỷ đồng, trong đó, công ty này đã vay BIDV chi nhánh Hà Nội 70,3 tỷ đồng để bổ sung vốn đầu tư hai dự án là KĐT mới đường Lê Thái Tổ- Thành phố Bắc Ninh và dự án chung cư cao tầng CT17 KĐT mới Việt Hưng.

Thêm vào đó, HLD còn phải chịu áp lực với khoản chi phí phải trả ngắn hạn lên đến 72,4 tỷ đồng do đầu tư dàn trải ở nhiều dự án đa phần thuộc tỉnh Bắc Ninh như dự án khu B Bắc Ninh với chi phí phải trả đạt 54,5 tỷ đồng hay dự án thu nhập thấp Bắc Ninh 14,4 tỷ đồng.

HUDLand là chủ đầu tư của khá nhiều dự án như Khu đô thị mới đường Lê Thái Tổ - Thành phố Bắc Ninh; dự án Khu đô thị mới Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội; dự án BT08 và LK27 tại Khu đô thị mới Vân Canh - Hoài Đức - Hà Nội.

Tuy nhiên, đa số các dự án trên của HUDLand đều là những dự án không xuất hiện nhiều trên truyền thông, song công ty này cũng không giấu giếm tham vọng đối với mảng bất động sản trong tương lai, điều này phần nào thể hiện qua dòng giới thiệu trên website: “HUDLand sẽ phát huy cao độ thành tựu đã đạt được trong những năm qua, đồng thời khắc phục những tồn tại để duy trì sự phát triển ổn định theo định hướng nhằm phù hợp với xu hướng chung của đất nước. Phấn đấu đưa công ty trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, mang đến những sản phẩm khác biệt cho khách hàng, tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông.”

Không bộc lộ rõ tham vọng như HUDLand, thành viên còn lại trong liên danh là CTCP tư vấn và thương mại Thăng Long (Thăng Long) lại là một cái tên khá mới mẻ và thông tin về công ty cũng rất khiêm tốn. CTCP tư vấn và thương mại Thăng Long được thành lập vào tháng 11/2006, hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn ô tô và các động cơ khác thay vì làm bất động sản.

Công ty này có số vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ, gồm các cổ đông sáng lập là ông Bùi Văn Thiềng (10%), ông Trần Đức Thọ (10%), ông Vũ Đình Sâm (15%), ông Nguyễn Duy Dũng (45%) và bà Hoàng Hồng Hạnh (20%). Đến tháng 8/2017, ông Bùi Văn Thiềng giảm vốn góp về mức 1%, vừa hay tỷ lệ cổ phần mất đi lại đúng bằng con số tăng thêm trong sở hữu của ông Trần Đức Thọ. Số vốn điều lệ của Thăng Long vẫn giữ nguyên mức 100 tỷ cho đến thời điểm hiện tại.

Ngoài việc giữ chức vụ Tổng giám đốc tại Thăng Long, ông Vũ Đình Sâm còn là Tổng giám đốc một công ty hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn, mô giới, đấu giá bất động sản được thành lập đầu năm 2018 là CTCP Đầu tư và thương mại THS Việt Nam.

Thùy Linh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/chu-dau-tu-du-an-san-golf-quoc-te-thuan-thanh-la-ai-d171237.html