Chủ đầu tư đòi trả lại trạm BOT: Khó chấp nhận

Thua lỗ của nhà đầu tư do những lỗi chủ quan trong quá trình thiết kế dự án mà đẩy khó khăn cho nhà nước là khó chấp nhận...

Khó chấp nhận

Hàng loạt nhà đầu tư BOT nằng nặc xin trả lại trạm thu phí cho Bộ GTVT. Bắt đầu từ các Dự án Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 3 đoạn km75 - km100; Công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì (Dự án cầu Hạc Trì); Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (Dự án tuyến tránh Quốc lộ 1, Cai Lậy - Tiền Giang)..., mới đây nhất là Công ty cổ phần BOT Thái Nguyên - Chợ Mới với Dự án Đầu tư tuyến đường mới Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn), rồi tới Công ty cổ phần BOT đường tránh Thanh Hóa...

Trạm thu phí trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới mang lại khoản doanh thu “bèo bọt” cho nhà đầu tư. Ảnh: Baodautu

Tất cả đều có chung lý do: phương án tài chính có vấn đề, trong đó chủ yếu bởi vị trí đặt trạm thu phí hoàn vốn không thể thực hiện được hoặc buộc phải có thay đổi so với kế hoạch ban đầu do vấp phải sự phản ứng gay gắt của người dân địa phương và người tham gia giao thông.

Nhận định về hiện tượng trên, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, nhà nước có thể bỏ tiền ngân sách mua lại trạm thu phí BOT và bồi hoàn lại tiền đầu tư làm đường cho doanh nghiệp nhưng chỉ xảy ra trong trường hợp: nếu nhận thấy việc mua các trạm BOT sẽ mang lại những tác động tích cực cũng như những lợi ích tốt hơn cho xã hội và người dân, đồng thời nhà nước sẽ tạo được nguồn thu mới lớn hơn chi phí bỏ ra mua lại, nếu cân đối được nguồn lực tài chính thì nhà nước sẽ mua lại. Giải pháp này theo ông Cường là rất khó và không khả thi trong điều kiện tài chính, ngân sách nhà nước đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Phương án thứ hai là nhà nước có thể chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư theo nhiều hình thức khác nhau như: thay đổi mức thu phí, hoặc kéo dài thời gian thu phí lâu hơn, cũng có thể cho phép nhà đầu tư nâng cấp tuyến đường hiện có và thu phí để bù đắp chi phí cho tuyến đường chính nhà đầu tư đã thực hiện, thay vì nhà nước phải bỏ tiền mua lại dự án.

Ông Cường cho rằng, về nguyên tắc trong đầu tư BOT, yêu cầu chia sẻ rủi ro giữa các bên là cần thiết, nhằm giảm bớt gánh nặng rủi ro khách quan cho nhà đầu tư, đồng thời giúp nhà nước thực hiện tốt hơn cơ chế huy động vốn đầu tư xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách... Cơ chế chia sẻ rủi ro phải được xây dựng hợp lý, công khai, minh bạch, dựa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.

Tuy nhiên, nhìn lại những lý do mà các nhà đầu tư BOT nêu ra, hầu hết đều xuất phát từ lợi ích trực tiếp của nhà đầu tư không được bảo đảm do thay đổi vị trí đặt trạm thu phí, không bảo đảm được phương án tài chính... khiến nhà đầu tư gặp khó khăn, không đảm bảo được dòng tiền như mong muốn.

Ông Cường nói rõ, nếu chỉ vì thua lỗ của nhà đầu tư do những lỗi chủ quan trong quá trình thiết kế dự án mà đẩy phần khó khăn, rủi ro sang cho nhà nước là chưa thuyết phục, khó chấp nhận được.

Việc không bảo đảm được phương án tài chính cho một dự án, trước hết phải xem xét trách nhiệm của các đơn vị tham gia thiết kế phương án đặt trạm thu phí đã hợp lý chưa. Rõ ràng, ngay từ đầu việc lựa chọn vị trí đặt trạm thu phí không phù hợp mới dẫn tới sự phản ứng của người dân, buộc nhà đầu tư phải di dời trạm, dòng tiền thu không được như mong muốn, nhà đầu tư mới nghĩ đến việc trả lại cho Nhà nước.

Như vậy, ở đây bản thân nhà đầu tư cũng phải chịu trách nhiệm về phương án tính toán không phù hợp do chính mình đề xuất. Cùng với đó, các cơ quan quản lý, những người tham gia thẩm định, chấp nhận phương án đặt trạm thu phí theo đệ trình của nhà đầu tư không hợp lý cũng phải chịu trách nhiệm.

"Muốn giải quyết việc này chỉ có cách các bên đều phải thừa nhận sai. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ GTVT nếu làm sai tới đâu sẽ phải chịu trách nhiệm tới đó. Còn nhà đầu tư cũng phải thừa nhận rủi ro và phải chịu trách nhiệm nếu phương án tài chính bị phá vỡ. Không thể có chuyện mình làm sai lại muốn đẩy trách nhiệm cho nhà nước, đẩy hết hậu quả bắt xã hội phải chịu được.

Đấy là chưa kể, có những dự án BOT do nhà đầu tư tự thiết kế, tự quản lý đầu tư nên đã đẩy giá trị dự toán và quyết toán công trình cao hơn nhiều lần giá trị thật để huy động vốn vay. Bây giờ được trả lại Nhà nước, tự nhiên đã kiếm được khoản lãi không lồ do Nhà nước phải mua đắt các dự án đầu tư theo hình thức BOT ", ông Cường nói rõ.

Xử lý thế nào?

Đánh giá một cách toàn diện về chủ trương đầu tư BOT, ĐBQH Hoàng Văn Cường nhận định, đầu tư theo hình thức BOT là vốn dĩ là một hình thức đầu tư và huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào các lĩnh vực đầu tư công khá hữu hiệu, tuy nhiên do quá trình thực hiện chưa đúng, dẫn tới làm sai về bản chất của đầu tư BOT.

Hiện tượng các chủ đầu tư BOT đòi trả lại trạm thu phí cho Bộ GTVT dù chưa trở thành một xu hướng, song cũng cho thấy những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện BOT đang dần bộc lộ. Việc này ít nhiều đã làm ảnh hưởng lớn tới chủ trương thu hút đầu tư theo hình thức BOT, cũng như gây thiệt hại không nhỏ cho nhà nước, doanh nghiệp và cả xã hội.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/chu-dau-tu-doi-tra-lai-tram-bot-kho-chap-nhan-3368841/