Chủ đầu tư chung cư 'quên' chỗ đỗ xe, xử thế nào?

Đã đến lúc cần tính đến cơ chế buộc chủ đầu tư 'quên' chỗ đỗ xe phải đóng phí sử dụng hạ tầng công cộng.

Ô tô nối đuôi nhau chiếm dụng lòng đường trước Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ trên đường Nghiêm Xuân Yêm

Ô tô nối đuôi nhau chiếm dụng lòng đường trước Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ trên đường Nghiêm Xuân Yêm

Tình trạng chung cư tại Hà Nội “quên” bố trí diện tích cho giao thông tĩnh khiến ô tô thi nhau đỗ tràn ra đường bất chấp biển cấm, gây mất ATGT. Ngoài việc giám sát vấn đề quy hoạch, xây dựng, đã đến lúc cần tính đến cơ chế buộc chủ đầu tư “quên” chỗ đỗ xe phải đóng phí sử dụng hạ tầng công cộng.

Mặc biển cấm, thi nhau xếp hàng đỗ xe dưới lòng đường

Sáng 18/11, có mặt trên trục đường nối giữa đường Nguyễn Hữu Thọ với đường Hoàng Liệt, đập vào mắt PV là hàng chục xe ô tô BKS 30E - 874.25, 29A - 319.95, 30E - 789.37… nối đuôi nhau chiếm dụng lòng đường (hướng về đường Hoàng Liệt) và vỉa hè bên đường (hướng về công viên Linh Đàm), bất chấp khu vực này có biển báo cấm dừng, đỗ.

Chị Phương, một cư dân sống tại tòa nhà HH1A Linh Đàm cho biết, những chiếc xe trên đều là của cư dân và người vào làm việc tại các tòa chung cư thuộc Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm.

“Tổ hợp có 12 tòa nhà, song tầng hầm chung cư chỉ có chỗ để cho xe máy (hai tòa chung một tầng hầm để xe), không có diện tích cho ô tô nên ngày nào lòng đường cũng dày đặc ô tô dừng, đỗ. Việc đi lại của cư dân tại đây không chỉ khó khăn trong giờ cao điểm mà còn luôn thường trực nguy cơ va chạm mỗi khi các xe ô tô tiến vào, lùi ra”, chị Phương kể.

Cách đó không xa, lòng đường Nghiêm Xuân Yêm, khu vực trước Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ cũng bị xe ô tô chiếm dụng làm nơi dừng, đỗ dù biển báo cấm đã được dựng lên. Tình trạng này đã kéo dài từ nhiều năm song việc xử lý của đơn vị chức năng chưa triệt để. Tìm hiểu của PV, khu chung cư Kim Văn - Kim Lũ không có hạ tầng để trông, giữ xe ô tô.

“Diện tích tầng hầm tại các tòa nhà ở đây còn hạn hẹp đến mức cư dân về sau khoảng 20h tối hoặc sẽ phải mỏi mắt tìm một khoảng trống để cho xe máy vào, hoặc phải mang xe máy đi gửi ở ngoài”, một bảo vệ tại đây chia sẻ.

Khoảng hơn 2 năm qua, diện tích lưu thông trên đường Mạc Thái Tổ, Nguyễn Chánh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bị biến thành “bãi đỗ xe di động” kể từ khi các tòa nhà chung cư thuộc Khu đô thị Nam Trung Yên và tòa nhà Thăng Long Tower đi vào hoạt động.

Dù cắm biển cấm đỗ nhưng lưu thông trên tuyến đường này vào lúc 12h00 ngày 18/11, PV ghi nhận những hàng ô tô nối đuôi nhau dừng, đỗ la liệt kéo dài gần 500m, từ khu vực trường Tiểu học Nam Trung Yên đến nút giao Nguyễn Chánh - KĐT Home City. Đường Mạc Thái Tổ có quy mô chỉ hai làn đường cũng bị hàng xe ô tô của những người vào chung cư A14 ken đặc một nửa.

Buộc chung cư đóng phí sử dụng hạ tầng công cộng?

Xe ô tô đỗ la liệt hai bên đường Nguyễn Chánh để vào khu shophouse thuộc Khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, giao thông tại nhiều chung cư trên địa bàn Thủ đô còn phức tạp do hạn chế về diện tích giao thông tĩnh, đặc biệt đối với các chung cư dành cho đối tượng thu nhập thấp.

“Thời gian qua, trên các tuyến đường có mật độ chung cư dày đặc như: Lê Đức Thọ, Hàm Nghi, Hoàng Đạo Thúy... Sở GTVT Hà Nội đã cấp phép tổ chức trông, giữ phương tiện dưới lòng đường. Giải pháp này để giải quyết nhu cầu đỗ xe của người dân, khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông, vừa đảm bảo trật tự ATGT, tránh tình trạng ô tô chồng lấn, cản trở quá trình lưu thông của người dân”, vị đại diện này nói.

Tuy nhiên, theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, về lâu dài, các cơ quan liên quan cần giám sát chặt việc quy hoạch, xây dựng các công trình chung cư, đảm bảo hạ tầng giao thông tĩnh của dự án nhà ở phù hợp với nhu cầu của cư dân. Đồng thời, các lực lượng thực thi công vụ như: CSGT, Công an cần thường xuyên tuần tra, xử nghiêm các trường hợp chiếm dụng lòng đường dừng, đỗ xe trái phép.

Theo ThS. Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, Trường Đại học GTVT, tình trạng cư dân có chỗ ở, không có chỗ để xe tại các chung cư có phần nguyên nhân chính từ việc quy chuẩn, quy định về diện tích đỗ xe trong dự án chung cư tại Việt Nam đang thấp hơn nhu cầu thực tế.

“Hiện, theo quy chuẩn, cứ 100m2 xây dựng chung cư ở phải có 20m2 cho đỗ xe. Thực tế, nếu mỗi gia đình có một ô tô, diện tích này đã bị chiếm gần hết. Đó là chưa kể còn phải đáp ứng nhu cầu đỗ xe thương mại, khách vãng lai. Ngoài ra, ở các chung cư cao cấp, ngoài ô tô, mỗi nhà còn có thêm vài chiếc xe máy nên diện tích tiêu chuẩn hiện đang thiếu hụt nhiều so với nhu cầu”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, tốc độ tăng trưởng xe cá nhân tại các thành phố lớn như Hà Nội hiện trên 11%. Trong khi các quy chuẩn mới đang đáp ứng ở mức tối thiểu nên nếu quy định không điều chỉnh lại, cư dân tại các chung cư vẫn rơi vào cảnh “khát” chỗ để xe”.

“Đối với những chung cư đã được hình thành nhưng cố tình phớt lờ các hạng mục phục vụ cho giao thông tĩnh, cơ quan chức năng cần sớm có cơ chế buộc họ phải đóng phí sử dụng không gian công cộng để tăng trách nhiệm của các nhà đầu tư với cộng đồng, xóa bỏ tình trạng “nhà cứ bán còn sống như nào thì mặc người mua”, ThS. Tuấn đề xuất.

TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư bãi đỗ xe tĩnh, bãi đỗ xe di động. “Có thể để cho doanh nghiệp tự quyết định giá theo kiểu “lời ăn - lỗ chịu”, phù hợp với quy mô đầu tư thay vì khiên cưỡng trong một khoảng giá quy định như hiện nay”, TS. Tạo nói.

Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chu-dau-tu-chung-cu-quen-cho-do-xe-xu-the-nao-d486866.html