Chủ công trình đau đầu vì thợ vẫn nghỉ việc để chơi Tết

Tết qua được hơn chục ngày nhưng tại nhiều công trình xây dựng, quán ăn, các nghề dịch vụ khác vẫn vắng bóng thợ, vắng bóng nhân viên. Như một quy luật hàng năm, trong khi các khu công nghiệp, các DN người lao động quay trở lại làm việc đầy đủ thì một số nghề lao động tự do, người lao động vẫn ở nhà mải vui với không khí xuân, hội làng…

Vẫn mải vui xuân…

Công trình ngổn ngang chưa hoàn thiện hết, chủ nhà liên tục thúc giục, trách móc khiến anh Nguyễn Văn Nam, quê Hải Hậu, Nam Định như ngồi trên đống lửa. Trước Tết, anh đứng ra nhận hai công trình xây dựng, một tại quận Nam Từ Liêm và một tại quận Long Biên. Thợ xây và thợ phụ được anh huy động từ anh em, con cháu trong họ và người làng. Công trình tại quận Nam Từ Liêm chỉ còn một số phần xây trát phụ nhưng tại công trình rộng tới 300m2 tại quận Long Biên vẫn còn dang dở phần lát gạch, xây tường bao.

Trước Tết, khi cho thợ về nghỉ, ngoài việc trả lương đầy đủ, anh còn thưởng thêm cho mỗi người túi quà thể hiện sự quan tâm và cũng là để mọi người phấn khởi về quê trong không khí đón Tết. Cả chủ và thợ đều cam kết với chủ nhà, sau Tết, chậm nhất mùng 9-1 (ÂL), tất cả sẽ có mặt hoàn thiện nốt phần hạng mục còn lại, để chủ kịp làm tân gia ngày đầu năm. Nhưng đến hẹn, chỉ có anh Nam cùng hai cậu em họ có mặt tại công trình, hơn chục thợ khác đều viện lý do xin nghỉ thêm, chủ yếu liên quan đến trong họ có người làm lễ mừng thọ, hội làng, đưa người thân đi chúc Tết tại tỉnh khác…

Nhìn ngôi biệt thự khang trang nhưng chưa có sân, chưa có hàng rào, anh Nam thấy sự sốt ruột của chủ nhà hoàn toàn hợp lý, ngặt cái thợ thuyền toàn người quen, giục không khéo người ta còn tự ái không lên làm cho thì còn phiền nữa. Rút kinh nghiệm, ở công trình mới anh sẽ hạn chế nhận người thân quen để tránh tình trạng nể nang nhau trong công việc.

Mặc dù ký hợp đồng trước nhiều ngày nhưng tận ngày 2-2 (tức 28-12 ÂL) hệ thống cửa nhà anh Lê Công Hoàng mới có thợ đến lắp. (Ảnh: G.B.)

Mặc dù ký hợp đồng trước nhiều ngày nhưng tận ngày 2-2 (tức 28-12 ÂL) hệ thống cửa nhà anh Lê Công Hoàng mới có thợ đến lắp. (Ảnh: G.B.)

Đến chủ nhà cũng ngán ngẩm

Trận mưa to vào lúc rạng sáng ngày 18-2 (tức 14 ÂL) làm nước từ mặt sàn ban công tầng ba dội ngược vào trong nhà khiến gần chục mét vuông sàn gỗ gia đình anh Nguyễn Mạnh Hùng, Mộ Lao, quận Hà Đông bị ngấm nước. Nhìn công trình vừa mới khánh thành trước Tết được vài ngày đã mắc lỗi nghiêm trọng khiến anh Hùng không khỏi ngán ngẩm.

Lý do nước từ ngoài vào sàn gỗ trong nhà là do khi thi công thợ lấy mặt bằng và làm ống thoát nước quá ẩu. Chưa hết, mặt sân thượng cũng bị lỗi như trên, nước đọng thành vũng to không thoát đi được. Gọi cho người quản lý thợ, đầu dây bên kia anh nhận được lời xin lỗi rất chân thành nhưng người này và thợ chưa thể lên được ngay vì liền trong hai ngày tới đều có việc họ, việc làng rất quan trọng.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nếu có trận mưa to tương tự thì vợ chồng anh chắc chỉ còn cách ở nhà để canh không cho nước mưa tràn vào trong. Đến lúc này anh chỉ biết rút ra kinh nghiệm không nên xây, sửa nhà vào dịp cuối năm, bởi càng sát Tết, tâm lý làm việc của thợ càng giã đám, chỉ mong về sớm.

Khi công trình vẫn còn vài hạng mục nữa cần hoàn thiện thì phân nửa số thợ tuyên bố sẽ về trước ngày ông Công ông Táo, chưa kể, quá trình làm việc hết người này đến người khác xin nghỉ một hai ngày liên quan đến việc hiếu, hỷ, công trình từ đó bị chậm tiến độ gần hai tuần.

Liên quan đến chuyện thợ đòi nghỉ Tết khi công trình chưa hoàn thiện hết các hạng mục khiến không ít chủ nhà dở khóc dở cười. Anh Lê Công Hoàng, phường Nhân chính, quận Thanh Xuân là ví dụ điển hình. Công trình của gia đình anh xây dựng gồm 5 tầng, theo thiết kế hệ thống thang máy được lắp từ tầng 1 đến tầng 5.

Ngày 21-12 (ÂL) máy móc được đưa tới nhưng thợ nhất quyết không làm vì còn phải về quê cho kịp ngày ông Công ông Táo. Hệ thống cửa sắt trên sân thượng tận 28-12 (ÂL) mới có người đến lắp, trước đó bên giao hàng còn hẹn qua Tết mới có thể lắp được. Bực quá, anh dọa sẽ khởi kiện ra tòa thì bên giao hàng mới cho người đến lắp.

Chủ một cơ sở rửa xe ô tô địa chỉ cạnh tòa nhà CT5 Mỹ Đình I, Nam Từ Liêm, Hà Nội than thở vì sau Tết phân nửa nhân viên xin nghỉ việc để ở nhà chơi Tết rồi tham gia hội làng cho thoải mái. Ngày đầu năm lượng xe đến đông, hai vợ chồng chị phải huy động thêm con cháu trong gia đình phụ giúp.

Nghề này là thế, dù xin ở cơ sở rửa xe nào thì mức lương cũng ngang nhau do vậy thợ nhảy việc từ cơ sở này sang cơ sở khác cũng là việc bình thường. Để giữ lao động, vợ chồng chị đã mỗi tháng phải bỏ thêm gần chục triệu lo chỗ ở rồi tiền ăn cho thợ: “Tới đây, bên thuê mặt bằng đòi tăng giá chắc chúng tôi chỉ còn nước đóng cửa vì không kham nổi”, người phụ nữ này nói.

Ông Phạm Văn Hùng, chuyên nhận thầu các công trình xây dựng những ngày này cũng như đang ngồi trên đống lửa. Hiện hai công trình của ông trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội đang cần hoàn thiện xong phần thô, một công trình tại quận Thanh Xuân chủ nhà sẽ khai móng vào cuối tháng 1 ÂL nhưng đến giờ mới chỉ có phân nửa số thợ có mặt. Nhiều thợ tay nghề cao ông phải gọi điện như van nài thì họ mới hẹn qua rằm tháng Giêng lên, dù trước Tết hai bên đã cam đoan có mặt từ mùng 9-1ÂL.

Khác với thợ tự do, tại các khu công nghiệp và DN sản xuất khác, không khí làm việc nghiêm túc bắt đầu ngay những ngày đầu năm. Theo thống kê của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, tính đến ngày 11-2 (tức mùng 7-1 ÂL), 100% CNVCLĐ toàn TP đã có mặt tại đơn vị, bắt tay ngay vào sản xuất.

Dẫn đầu đoàn công tác số 1, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã có chuyến đi kiểm tra việc thực hiện kỷ cương hành chính của tổ chức công đoàn và nắm bắt tình hình CNVCLĐ sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 tại Cty điện tử Stanley Việt Nam, địa chỉ, Khu công nghiệp vừa và nhỏ Phú Thị, xã Dương Xá́, Gia Lâm; Cty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội (thuộc công đoàn Ngành Xây dựng Hà Nội) và nắm bắt tình hình CNVCLĐ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại quận Hoàn Kiếm. Ghi nhận của đoàn kiểm tra cho thấy, 100% CNVCLĐ bắt tay vào làm việc với khí thế hào hứng, quyết tâm hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2019.

Theo Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàn Kiếm Lê Hoàng Thủy Vân, mức thưởng Tết cho CNVCLĐ trên địa bàn dịp Tết Nguyên đán vừa qua khá cao, trong đó mức thưởng cao nhất là 55 triệu đồng/người. LĐLĐ quận cũng đã tổ chức “Tết sum vầy” nhằm hỗ trợ và chia sẻ những khó khăn với CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt.

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chu-cong-trinh-dau-dau-vi-tho-van-nghi-viec-de-choi-tet-136866.html