Chủ cơ sở Mầm xanh bạo hành trẻ khóc nấc tại tòa

Khác với vẻ hung dữ trong clip cách đây hơn nửa năm, các bảo mẫu cơ sở Mầm xanh tỏ ra hối hận, nhiều lúc không kìm được nước mắt khi khai lại hành vi bạo hành của mình đối với các bé được gửi tại Mầm xanh.

Ngày 25-7, TAND quận 12, TP HCM, đã mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh, SN 1975; Nguyễn Thị Đào, SN 1995; Phạm Như Huỳnh, SN 1999, về tội “Hành hạ người khác”.

Các bị cáo là bảo mẫu tại cơ sở mầm non tư thục Mầm xanh, trong đó Linh là chủ cơ sở. Nạn nhân trong vụ án là 24 trẻ em được phụ huynh gửi tại trường. Sự việc thu hút sự quan tâm của dư luận khắp cả nước trong thời gian dài nên khi biết tin vụ án được đưa ra xét xử.

Từ sáng sớm hàng trăm người đã kéo tới trụ sở TAND quận 12 để theo dõi phiên tòa. Do lượng người tới quá đông, TAND quận 12 đã cho lắp một màn hình lớn ngoài sân để mọi người có thể theo dõi được diễn biến phiên tòa.

Các bị cáo tại tòa.

CQĐT làm rõ, ngày 26-11-2017, trên một số báo mạng và một số trang mạng xuất hiện clip giáo viên cơ sở mầm non tư thục Mầm xanh đã có hành vi bạo hành với các bé được cha mẹ đem đến cơ sở này gửi. Trong lúc nhận chăm sóc trẻ, các bảo mẫu đã dùng tay, chân, thậm chí bất cứ vật dụng gì như vỏ bình nước rửa chén, cây lau nhà, dùng chân đạp lên người... để đánh đập, hành hạ trẻ khi cho các em ăn uống.

Kết quả điều tra, Phạm Thị Mỹ Linh là chủ cơ sở đã cùng với Nguyễn Thị Đào, Phạm Như Huỳnh đã đánh đập, hành hạ nhiều trẻ được gửi tại đây (gồm 24 cháu). Tại CQCA, Linh thừa nhận toàn bộ hành vi như clip được báo chí phản ánh. Bà ta khai, do trường giữ lượng trẻ đông, chủ yếu là con của vợ chồng công nhân, người lao động trên địa bàn.

Các cháu có độ tuổi từ 1 - 5 tuổi, rất hiếu động nên khó khăn trong việc chỉ bảo, dạy dỗ. Do đó Linh và các bảo mẫu bị áp lực, thường xuyên bực tức nên dẫn đến việc có hành vi đánh đập các cháu. Khai tại tòa, bị cáo Linh thừa nhận đã làm không đúng so với giấy phép được cấp.

Theo giấy phép, cơ sở Mầm xanh chỉ được nhận trông trẻ từ 3-5 tuổi, nhưng thực tế Linh nhận giữ cả những trẻ dưới độ tuổi này. Trong suốt phiên xử, Linh tỏ ra thành khẩn và luôn miệng nói: "Thưa chủ tọa, bị cáo sai rồi!". Linh khai, ngoài việc dùng tay để bạo hành các bé, bị cáo và các bảo mẫu khác còn dùng bình nước rửa chén, nắp xoong, rổ, con dao gõ lên đầu các cháu.

Đông đảo nhân dân tới theo dõi phiên xử qua màn hình.

"Hành vi giáo dục quá sai trái. Cách giáo dục của bị cáo sai trái", bị cáo Linh tỏ ra hối hận. Bị cáo Phạm Thị Huỳnh khai, dùng tay đánh và cầm dao đe các cháu. "Bị cáo đang nấu ăn nên cầm dao. Lúc đe các bé quên mất đang cầm dao trên tay chứ bị cáo không hề muốn xâm hại sức khỏe các bé", Huỳnh nói.

Tuy nhiên, vị chủ tọa cho rằng theo như đoạn video thì Huỳnh không chỉ dùng dao đe mà còn bóp miệng. "Vậy thì đâu phải do tiện tay?", vị chủ tọa đặt câu hỏi. Bị cáo Huỳnh lúng túng không thể trả lời được. Còn bị cáo Đào thì bao biện cho hành vi sai trái của mình: "Bị cáo nhận thức hành vi của mình sai và không có lương tâm nên chủ động xin nghỉ sau đó".

Xét thấy, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý của các trẻ bị bạo hành, gây bức xúc dư luận. Bị cáo Linh cho phép 2 nhân viên của mình đánh các cháu. Đặc biệt, bị cáo Huỳnh chưa đủ tuổi thành niên, nhưng đã bạo hành các cháu, dưới sự cho phép của Linh, nên cần áp dụng tình tiết tăng nặng là “xúi giục trẻ vị thành niên phạm tội”.

Hành vi của Linh cần nghiêm trị và phải chịu trách nhiệm cao hơn 2 bị cáo còn lại. Hai bị cáo Huỳnh và Đào giữ vai trò đồng phạm, phạm tội không có tổ chức. Các bị cáo phạm tội một phần do nhận thức, không có nghiệp vụ sư phạm. Khi biết hành vi của mình là sai trái đã chủ động nghỉ việc, hợp tác tốt với các cơ quan chức năng để giải quyết vụ án nên coi đây là tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho 2 bị cáo.

Tòa nhận định, Linh là chủ cơ sở, trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ, bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên nhưng bị cáo này đã làm sai quy định. Bị cáo đã có hành vi bạo lực đe dọa, đánh 14 trẻ. Hành vi của bị cáo này mang tính bạo lực cao, đánh vào phần nguy hiểm của trẻ. Việc thực hiện hành vi liên tục, nhiều ngày và đánh nhiều trẻ. Khi bị cáo Linh đánh thì Huỳnh và Đào chứng kiến và ngược lại. “Ngoài đánh đập, Linh còn chỉ đạo cho nhân viên vì nếu chủ cơ sở không cho phép thì 2 nhân viên sẽ không dám thực hiện”, chủ tọa công bố.

Về phần của Đào, bị cáo này đã dùng dép, cây nhựa, đạp vào các cháu. Đào còn cùng với Huỳnh hỗ trợ đánh đập một vài cháu. Hành vi của các bị cáo gây ra sự khiếp sợ cho trẻ em. Các bé ở độ tuổi nhỏ nên với việc dùng bạo lực đã tạo nên sự đau đớn về thể xác và hoảng sợ về tinh thần. Hành vi phạm tội của các bị cáo ít nghiêm trọng nhưng gây nên hậu quả lớn. Trong đó Linh phải chịu hình phạt cao nhất của khung hình phạt. Tuy nhiên, các bị cáo đã ăn năn, hối cải, thành khẩn khai báo, hoàn cảnh khó khăn, Huỳnh phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi, Đào phạm tội trong khi mang thai nên xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.

Vì những phân tích trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh 3 năm tù giam, Phạm Thị Huỳnh 1 năm 6 tháng tù treo, Nguyễn Thị Đào 2 năm tù treo. Về trách nhiệm dân sự, chấp nhận thỏa thuận của Linh với các bị cáo khác để bồi thường theo yêu cầu của các bị hại.

Hoa Đỗ - Trinh Phan

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/chu-co-so-mam-xanh-bao-hanh-tre-khoc-nac-tai-toa-119436.html