Chủ cây xăng bị lỗ khi giá giảm xuống dưới 12.000 đồng/lít?

Khi giá xăng giảm, cây xăng sẽ lỗ nếu còn tồn hàng từ kỳ điều hành trước, hoặc dự đoán sai và nhập trước đó với giá cao hơn giá bán lẻ mà Nhà nước niêm yết.

Từ 15h chiều 29/3, giá xăng RON 95 được điều chỉnh giảm 4.252 đồng/lít, xăng E5 RON 92 giảm 4.100 đồng/lít. Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 11.956 đồng/lít và xăng RON 95 là 12.560 đồng/lít, thấp nhất kể từ tháng 4/2009.

Giá xăng giảm mạnh, lãi, lỗ vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp

Hai tiếng sau khi giá xăng được điều chỉnh, ông N.V.B. (chủ một cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội) không đi nhập xăng như mọi khi. Xăng trong bể chứa vẫn còn, dịch bệnh khiến sản lượng bán ra giảm khoảng 20%.

Tức là ông B. đang phải bán với giá chịu lỗ. Lượng xăng còn trong bể ông B. nhập từ khi giá xăng 16.000 đồng/lít, giờ đã giảm xuống mức 12.000 đồng/lít.

“Cứ khi nào Nhà nước có thông báo điều chỉnh giá là tôi sẽ căn để nhập lượng hàng làm sao bán hết trong vòng 2 tuần. Thông thường là 40 m3 (40.000 lít - PV), nếu hết sớm thì nhập thêm 10 m3 nữa bán trong vòng 4-5 ngày”, ông B. nói.

 Giá xăng vừa có đợt giảm giá mạnh. Ảnh: Lê Quân.

Giá xăng vừa có đợt giảm giá mạnh. Ảnh: Lê Quân.

Cách vận hành như ở cây xăng nhà ông B. được cho là nằm trong vùng an toàn, khi cửa hàng nhập xăng vào ngày điều hành giá và cố gắng bán kịp hết vào ngày điều chỉnh mới. Cửa hàng xăng dầu đơn thuần “ăn chênh” phần trăm mà doanh nghiệp đầu mối chiết khấu.

Trong khi đó, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu dựa trên diễn biến giá dầu thô thế giới, thậm chí thuê chuyên gia phân tích, đưa ra dự báo để quyết định lượng xăng nhập về bán. Nếu dự báo chính xác, có thể lãi lớn; ngược lại, phải chịu lỗ.

Về việc nhập xăng về bán, doanh nghiệp đầu mối không hạn chế số lượng, tuy nhiên bể chứa tại mỗi cây xăng là có hạn. Giá nhập xăng thì biến động từng ngày, không như chu kỳ điều hành giá 15 ngày/lần.

Nói với Zing.vn, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP.HCM cho biết khi giá xăng giảm, phần lớn cửa hàng kinh doanh xăng dầu sẽ giảm nhập, đưa tồn kho về mức thấp nhất có thể. Vị này khẳng định nhiều khi doanh nghiệp đầu mối lỗ nhưng thương nhân lại lãi vì chiết khấu cao.

“Doanh nghiệp đầu mối còn vướng hệ thống và dự trữ bắt buộc nên giá thế giới càng giảm, tồn kho càng nhiều thì lại càng lỗ. Doanh nghiệp của thương nhân thì khỏe hơn, bán đến đâu mua đến đó, trong khi giá càng giảm thì chiết khấu càng tăng”, chuyên gia này nói.

Giá dầu chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11/2002

Theo Reuters, phiên giao dịch ngày 30/3, giá dầu Brent đã giảm 5,8%, xuống còn 23,48 USD/thùng. Trước đó, có thời điểm về sát ngưỡng 23 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 11/2002.

Giá dầu thô Mỹ WTI cũng có lúc xuống 19,92 USD/thùng, xấp xỉ mức thấp nhất trong vòng 18 năm. Chốt phiên giảm 3,8%, tương đương 0,82 USD, về mức 20,69 USD/thùng.

Ông Satoru Yoshida, chuyên gia phân tích hàng hóa của Rakuten Securities, cho biết các Ngân hàng Trung ương đã nới lỏng chính sách tiền tệ và Chính phủ đã tung ra các gói kích cầu. Tuy nhiên, đây là biện pháp hỗ trợ chứ không thể giải quyết triệt để.

“Cho đến khi chúng ta thấy dấu hiệu của dịch Covid-19 kết thúc, giá dầu có thể giảm xuống dưới 20 USD/thùng”, ông Satoru Yoshida nói và cho rằng mức hỗ trợ tiếp theo của dầu WTI có thể là 17 USD/thùng, thấp nhất kể từ năm 2001.

Lachlan Shaw, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại National Australia Bank, cũng nhìn nhận dịch Covid-19 khiến nhu cầu sử dụng xăng dầu giảm mạnh. Dự báo, lượng tiêu thụ dầu thô trên thế giới giảm 15-20 triệu thùng mỗi ngày (giảm 20% so với năm ngoái).

Trong khi đó, Nga và Saudi Arabia lại đang tăng sản xuất. Giới phân tích cho rằng không chỉ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), tất cả cần phải cắt giảm sản lượng vào thời điểm này.

Văn Hưng

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chu-cay-xang-bi-lo-khi-gia-giam-xuong-duoi-12000-donglit-post1066425.html