'Chống tiêu cực, chặn mầm tham nhũng' (Bài 1): Quyết liệt, tạo đột phá trong phòng, chống tham nhũng

Giai đoạn 2013-2020, các tổ chức thanh tra tiến hành 1.158 cuộc thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, phát hiện nhiều sai phạm về kinh tế với số tiền trên 461,5 tỷ đồng và 307.300m2 đất. Năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, qua công tác thanh tra tiếp tục phát hiện nhiều sai phạm về kinh tế với số tiền 335,1 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 147,27 tỷ đồng. Đây là những con số ấn tượng khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng 'không có vùng cấm', 'không có ngoại lệ', bất kể người đó là ai.

Lực lượng công an thi hành lệnh bắt Lê Mai Sáng, nguyên là kế toán Trường THPT Nông Cống 3 phạm tội tham ô tài sản. Ảnh:P.V

Lực lượng công an thi hành lệnh bắt Lê Mai Sáng, nguyên là kế toán Trường THPT Nông Cống 3 phạm tội tham ô tài sản. Ảnh:P.V

Không có "vùng cấm" trong xử lý sai phạm

Ngày cuối cùng năm 2021 khép lại bằng quyết định khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Lưu Vũ Lâm, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Định (giai đoạn 2015-2020) về tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” quy định tại Điều 230 Bộ luật Hình sự, khiến người dân không khỏi ngỡ ngàng. Bước sang năm mới 2022 chưa lâu, ngày 24-1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh thực hiện quyết định khởi tố bị can đối với ông Hà Duyên Lục, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Định, nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Định để điều tra các sai phạm liên quan đến vụ án vi phạm các quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng, gây thất thoát tài sản của Nhà nước. Liên quan đến vụ án này, chỉ 2 tháng sau, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ (Công an tỉnh Thanh Hóa) tiếp tục thi hành quyết định khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Hoàng Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định cũng với tội danh trên.

Theo kết quả điều tra xác minh ban đầu, trong thời gian ông Hà Duyên Lục làm Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường và ông Hoàng Văn Phúc làm Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định, cả 2 ông đã tham mưu không đúng cho ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định ký các quyết định phê duyệt mức hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng 2 dự án khu công viên quảng trường trung tâm huyện Yên Định và khu dân cư số 01 thị trấn Quán Lào sai quy định, gây thất thoát ngân sách cho Nhà nước số tiền hơn 8,8 tỷ đồng. Khởi tố cùng lúc 3 cán bộ của huyện Yên Định thật là đau xót, nhưng không thể không làm.

Cũng trong tháng 1-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tham ô tài sản, quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự xảy ra tại HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Phú (Thiệu Hóa). Theo kết quả điều tra, từ tháng 9-2018 đến tháng 3-2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa ký hợp đồng thỏa thuận trách nhiệm với HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Phú thực hiện dự án gồm 4 vụ sản xuất nông nghiệp với tổng số tiền hơn 508 triệu đồng. Ban quản lý dự án cũng ký hợp đồng thỏa thuận trách nhiệm với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hóa giám sát việc thực hiện dự án của HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Phú với số tiền hơn 31 triệu đồng. Tuy nhiên, HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Phú không thực hiện dự án nhưng lập hồ sơ thanh toán “khống” tổng số tiền hơn 508 triệu đồng. Số tiền nhận được, các thành viên HTX chi phí ngoài quy định hơn 198 triệu đồng và chia nhau hơn 258 triệu đồng. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hóa không thực hiện nhiệm vụ giám sát nhưng lập các chứng từ chi phí không có để thanh toán số tiền giám sát hơn 31 triệu đồng. Ngày 12-3-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Tốt, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Phú. Ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Văn Hùng, phó giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Phú; bà Lê Thị Vân, kế toán HTX; ông Trịnh Văn Chuyên, kiểm soát HTX; bà Hoàng Thị Nga, thủ quỹ HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Phú về tội tham ô tài sản.

Gần đây nhất, cuối tháng 7-2022, đi đến đâu người dân cũng bàn tán xôn xao khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Bá Hùng, Bí thư Huyện ủy Như Xuân và ông Văn Xuân Hùng, nguyên Trưởng Phòng Quản lý công sản giá, Sở Tài chính về “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng công trình Hạc Thành Tower tại phường Điện Biên (TP Thanh Hóa) do Công ty CP Sông Mã làm chủ đầu tư. Trong quá trình giao đất, xác định giá đất, với cương vị là trưởng phòng quản lý công sản, được giao trực tiếp nghiên cứu và tham mưu đề xuất về giá đất cho lãnh đạo Sở Tài chính, bị can Văn Xuân Hùng đã làm trái công vụ, tham mưu về nội dung và trình lãnh đạo Sở Tài chính ký tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt giá đất giao cho Công ty CP Sông Mã vào năm 2013 nhưng vẫn áp đơn giá năm 2009 để Công ty CP Sông Mã giảm số tiền phải nộp, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền gần 56 tỷ đồng. Bị can Nguyễn Bá Hùng, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính (thời điểm có hành vi sai phạm) là người chủ trì họp liên ngành xác định giá đất, trực tiếp ký tờ trình tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt giá đất để giao cho Công ty CP Sông Mã.

Hàng loạt những vụ án tham nhũng trong nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đã bị phanh phui, điều tra, kiên quyết xử lý. Một số cán bộ cả đương chức và đã nghỉ hưu, có vi phạm liên quan đến tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã bị xử lý nghiêm, cả về xử lý hình sự. Điều này khẳng định mạnh mẽ, nhất quán quan điểm “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không còn hạ cánh an toàn, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”. Các vụ việc được đưa ra ánh sáng thêm một lần nữa khẳng định quyết tâm: Tất cả mọi sai phạm, bất kể người đó là ai nếu lạm quyền, làm trái pháp luật để thu lợi bất chính đều phải trả giá. Đặc biệt, trong giai đoạn cả tỉnh đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau một thời gian dài dịch bệnh COVID-19 hoành hành, việc xem xét, xử lý nghiêm minh, thẳng tay loại bỏ những “ung nhọt” để kinh tế - xã hội phát triển lành mạnh là điều rất quan trọng, tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân cùng chung tay phát triển quê hương, đất nước.

Những con số “biết nói”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN) đã nhiều lần nhấn mạnh: Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của Nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm.

Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, công tác PCTN, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá. Trong 10 năm, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong cả nước đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, 167.700 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Đặc biệt thời gian gần đây, công cuộc PCTN càng trở nên “nóng” hơn với khởi nguồn từ vi phạm pháp luật của Công ty CP Công nghệ Việt Á. Chỉ sau 6 tháng điều tra đã có hơn 60 cá nhân bị khởi tố. Trong đó có cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cùng hàng loạt giám đốc CDC, cán bộ sở y tế các tỉnh, thành phố.

Sự quyết liệt trong công tác đấu tranh PCTN đã lan tỏa từ Trung ương tới các địa phương, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Thanh Hóa là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác PCTN, lãng phí. Chưa có thời kỳ nào, số vụ việc, vụ án về tham nhũng được phát hiện, xử lý cương quyết nhiều như những năm gần đây.

Giai đoạn 2013-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thành lập 10 đoàn kiểm tra về công tác PCTN, lãng phí đối với ban thường vụ 10 huyện, thị, thành ủy và 10 đảng ủy, ban lãnh đạo các sở, ngành; thành lập 5 đoàn rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ban Nội chính Tỉnh ủy đã thành lập 5 đoàn kiểm tra về công tác nội chính, PCTN, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với 5 ban thường vụ huyện, thị, thành ủy. Qua kiểm tra, rà soát đã chỉ đạo các đơn vị chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị thu hồi hơn 6,5 tỷ đồng tiền sai phạm và 129m2 đất, yêu cầu giảm trừ quyết toán gần 6 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian này, ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã tiến hành 251 cuộc kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc về công tác PCTN. Đã xử lý 5 tập thể, 68 đảng viên có dấu hiệu vi phạm về kinh tế, tham nhũng, lãng phí, cố ý làm trái quy định; thi hành kỷ luật 68 đảng viên với các hình thức: khiển trách 24, cảnh cáo 21, cách chức 2, khai trừ 21 (trong đó có 17 trường hợp phải xử lý hình sự).

Các tổ chức thanh tra đã tiến hành 1.158 cuộc thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm về kinh tế với số tiền trên 461,5 tỷ đồng và 307.300m2 đất, kiến nghị thu hồi 184,96 tỷ đồng và 66.169m2 đất; kiến nghị xử lý khác 176,56 tỷ đồng và 241.131m2 đất; thu hồi 163,26 tỷ đồng và 53.698m2 đất. Qua công tác khởi tố, điều tra các vụ án tham nhũng của cơ quan công an, có 58 vụ, 138 bị can bị khởi tố về các tội danh tham nhũng. Tổng số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng 51,513 tỷ đồng, số tài sản đã được thu hồi là 23,361 tỷ đồng.

PCTN là cuộc chiến “không dừng”, “không nghỉ”. Vì thế, năm 2021, các tổ chức thanh tra trong tỉnh tiếp tục triển khai 202 cuộc thanh tra hành chính, phát hiện nhiều sai phạm về kinh tế với số tiền 188.1664 triệu đồng và 9.619m2 đất, kiến nghị thu hồi 147.387,7 triệu đồng. Thanh tra các sở, ngành triển khai 352 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện 333 cá nhân và 309 tổ chức có vi phạm, số tiền vi phạm là 21.466,21 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2022, các cơ quan chức năng đã tiến hành 320 cuộc thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, phát hiện sai phạm 125,4 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 119,1 tỷ đồng. Cơ quan công an khởi tố 20 vụ, 34 bị can về các tội danh tham nhũng; cơ quan điều tra kết thúc điều tra và đề nghị truy tố 4 vụ, 11 bị can, đình chỉ 1 vụ, còn lại 15 vụ/23 bị can đang điều tra trong thời gian luật định. Tổng số tiền thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng là 61,6 tỷ đồng.

Đây là những con số “biết nói”, bởi mỗi con số đều có thể kể được một câu chuyện và thậm chí ở mỗi điểm nhìn là một câu chuyện khác nhau. Đặc biệt, mỗi vụ án bị khởi tố, mỗi bản án được công bố là bài học cảnh tỉnh cho một bộ phận cán bộ, đảng viên có những biểu hiện lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Nhiều trong số đó là những giọt nước mắt hối hận muộn màng, sự ăn năn, bởi chính những việc làm của mình đã khiến bản thân hoặc người thân của mình phải đau khổ, vướng vào vòng lao lý.

Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực, gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân. Những dấu ấn trong công tác PCTN trong thời gian qua đã khẳng định quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực, phối hợp của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN cũng như vai trò giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, sự ủng hộ, tham gia của Nhân dân. Công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược” và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, không để những "con sâu làm rầu nồi canh”, qua đó tăng thêm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Bài 2: Những “con sâu đang giấu mình trong kén”.

Nhóm PV Chính trị - Xã hội

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/chong-tieu-cuc-chan-mam-tham-nhung-bai-1-quyet-liet-tao-dot-pha-trong-phong-chong-tham-nhung/168704.htm