Chống thất thu thuế kinh doanh thuốc tân dược

Theo quy định, các giao dịch mua, bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ có giá trị từ 200.000 đồng trở lên, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh phải có trách nhiệm xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) cho người mua. Hơn nữa, theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 1-11-2018, kinh doanh thuốc tân dược cùng với các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bán lẻ hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi phải triển khai thí điểm hóa đơn điện tử nhằm góp phần chống gian lận hóa đơn (đối với trường hợp sử dụng hơn 10 lao động và doanh thu từ 3 tỷ đồng trở lên). Vậy nhưng, quy định này vẫn chưa được các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm túc.

Theo quy định, cơ sở kinh doanh thuốc tân dược phải xuất hóa đơn VAT cho đơn hàng từ 200.000 đồng trở lên.

Tại một cơ sở kinh doanh thuốc tân dược quy mô khá lớn ở TP Thanh Hóa, sau khi mua đơn thuốc với giá trị 1.200.000 đồng, nhân viên cửa hàng này đưa cho chúng tôi 1 biên lai thu tiền do cơ sở tự in, đã được tính 10% VAT. Khi được yêu cầu xuất hóa đơn VAT, nhân viên này mới lấy thông tin khách hàng và hẹn trả hóa đơn vào ngày hôm sau.

Theo quan sát của chúng tôi, cũng như các lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, người tiêu dùng vẫn thường không yêu cầu xuất hóa đơn khi mua thuốc dân dược. Đồng thời mặc dù chỉ lấy hóa đơn, biên lai tự in của cơ sở, người mua vẫn phải thanh toán giá trị hàng hóa đã bao gồm VAT.

Theo thống kê từ Sở Y tế, trong lĩnh vực bán lẻ thuốc tân dược, toàn tỉnh hiện có 396 nhà thuốc, 2.321 quầy thuốc. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, ngoài việc thất thu thuế khoán đối với các hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên, nguồn thuế còn bị thất thu do việc “nhập nhèm” về hóa đơn VAT. Vì nếu người mua không nhận được hóa đơn VAT, thì cơ sở cung cấp hàng hóa, dịch vụ dễ dàng “ăn chặn” thuế VAT 10%, bằng cách coi như chưa từng có giao dịch này, hoặc ghi số tiền trong hóa đơn thấp hơn nhiều so với số tiền đã thu của khách hàng. Hóa đơn VAT cũng chính là cơ sở để xác định doanh thu, lợi nhuận, tính toán thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Do đó, việc không minh bạch trong xuất hóa đơn VAT sẽ gây thất thu một nguồn thuế không nhỏ cho ngân sách.

Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng gian lận thuế qua hóa đơn, các cơ quan thuế cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với những đơn vị kinh doanh quy mô lớn trong lĩnh vực này. Được biết, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đang chỉ đạo ngành thuế thực hiện rà soát lại số lượng, doanh thu các cửa hàng, quầy thuốc tân dược để áp mức thuế khoán theo đúng quy định. Tuy nhiên, đại diện cục thuế cho biết, do chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, các quy định của pháp luật còn lỏng lẻo, vẫn còn nhiều kẽ hở cho các tổ chức kinh doanh trục lợi. Đại diện đơn vị này cũng cho rằng, cùng với cơ quan quản lý Nhà nước, người tiêu dùng cũng cần thể hiện trách nhiệm đối với hành vi tiêu dùng của mình. Việc không lấy hóa đơn VAT khi mua hàng hóa chính là “tiếp tay” cho các chủ cơ sở trục lợi.

Bài và ảnh: B.N

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/chong-that-thu-thue-kinh-doanh-thuoc-tan-duoc/128259.htm