Chống tham nhũng vặt trong những ngành 'nhạy cảm'

Tham nhũng vặt không chỉ góp phần gây nhức nhối trong dư luận mà có thể làm sụt giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Cần thêm nhiều quy định chặt chẽ hơn để công chức Việt Nam không phải 'lên báo' nước ngoài theo cách không ai muốn như trong vụ Tenma.

Trước đó, Hãng tin Asahi Nhật Bản trong bài viết đăng tải ngày 12/5 khẳng định Công ty Tenma có trụ sở ở Tokyo, Nhật Bản xác nhận thông tin một công ty con tại Việt Nam của hãng sản xuất nhựa Nhật Bản Tenma hối lộ 25 triệu yên (gần 5,4 tỷ đồng) cho công chức địa phương.

“Công chức địa phương” được hiểu là những công chức thuế, hải quan tại tỉnh Bắc Ninh liên quan tới việc miễn giảm thuế cho Công ty Tenma Việt Nam - công ty con của Tenma.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có hàng loạt động thái nhằm làm rõ vụ việc. Bộ Tài chính đã lập Đoàn thanh tra và liên tiếp ban hành hai công văn về việc tạm đình chỉ các cá nhân liên quan tại Cục Thuế và Cục Hải quan Bắc Ninh. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng chỉ đạo Tổng cục Thuế có công hàm gửi cơ quan thuế Nhật Bản để phối hợp cung cấp thông tin và cho biết, ông trực tiếp làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 26/5, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho biết, Việt Nam đang phối hợp với Nhật Bản để điều tra nghi vấn công ty Nhật đưa hối lộ cho công chức thuế, hải quan. Tại địa phương, Công an tỉnh Bắc Ninh, trực tiếp là Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) đã yêu cầu Cục Hải quan và Cục Thuế tỉnh này cung cấp hồ sơ phục vụ công tác làm rõ việc “hối lộ quan chức để được miễn giảm gần 420 tỷ đồng tiền thuế”.

Như vậy, dù thông tin “lót tay” 25 triệu yên để hưởng ưu đãi thuế chỉ xuất phát từ báo chí nước ngoài và chưa phải tin báo tội phạm nhưng Bộ Công an, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh đã vào cuộc quyết liệt nhằm làm rõ bản chất sự việc. Còn quá sớm để nói về kết quả của việc xác minh nhưng sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan hữu quan được dư luận khá đồng tình. Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định sẽ minh bạch thông tin cũng như công khai kết quả thanh tra.

Còn nhớ, cách đây vài tuần, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã tạm đình chỉ công tác 7 Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước để làm rõ sai phạm khi để các doanh nghiệp gửi gạo vào kho dự trữ quốc gia trái quy định. Ngoài 7 Cục trưởng bị tạm đình chỉ, căn cứ kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai ngay việc kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra các sai phạm.

Nếu đúng như báo chí Nhật Bản phản ánh, vụ việc tại Công ty Tenma Việt Nam có thể sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới Việt Nam do liên quan tới môi trường đầu tư kinh doanh, phòng chống tham nhũng trong quản lý công tác cán bộ tại ngành thuế, hải quan như lời của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng. Nhưng cách các cơ quan chức năng xử lý sự việc đang thể hiện tinh thần “không có vùng cấm”, không né tránh, không bao che, “xử lý nội bộ” trong đấu tranh chống tiêu cực tại Việt Nam. Cử tri cũng mong muốn ngoài việc xử lý mạnh tay, các bộ ngành cần thêm quy định để công chức một số ngành “nhạy cảm” như thuế, hải quan không thể, không muốn và không dám tham nhũng vặt.

Tú Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-hoi/chong-tham-nhung-vat-trong-nhung-nganh-nhay-cam-tintuc467271