Chống tham nhũng ở Hồng Kông và kinh nghiệm cho Việt Nam

Chiều ngày 17/7, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh chủ trì buổi tọa đàm với Đoàn Đại biểu cấp cao Ủy ban độc lập Chống tham nhũng Hồng Kông (ICAC).

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh. Ảnh: TN

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh. Ảnh: TN

Nhiệt liệt chào mừng ông Simon Peh Yun-Lu - Chủ tịch ICAC và các thành viên trong Đoàn, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh tin tưởng, chuyến thăm lần này sẽ góp phần xây dựng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai cơ quan.

Tại cuội hội đàm, Thanh tra Chính phủ Việt Nam và ICAC tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng.

Giới thiệu về công tác này, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho hay, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực phòng, chống tham nhũng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Người có hành vi tham nhũng, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. “Tội phạm tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng có thể bị xử tử hình”, ông Hùng thông tin.

Việt Nam cũng triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; minh bạch tài sản, thu nhập; xử lý trách nhiệm người đứng đầu…

Nhờ vậy, thời gian qua, Việt Nam đã xét xử hàng nghìn vụ tham nhũng. Riêng năm 2017 đã xét xử 205 vụ, 433 bị cáo.

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ bày tỏ mong muốn, hai cơ quan đẩy mạnh hợp tác phòng, chống tham nhũng hơn nữa. Ảnh: HG

Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, tình hình tham nhũng ở Việt Nam vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành.

Cho nên, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục mục tiêu Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng.

Việt Nam cũng tập trung nâng cao năng lực phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng; xử lý nghiêm những vụ việc tham nhũng nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân; rà soát, phát hiện, chấn chỉnh sơ hở về cơ chế, chính sách trên những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng…

Độc lập, quyền lực lớn…

Bày tỏ ấn tượng về những kết quả đã đạt được của Việt Nam, ông Simon Peh Yun-Lu, Chủ tịch ICAC cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Thanh tra Chính phủ và bày tỏ mong muốn hai cơ quan đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác.

Theo ông Simon Peh Yun-Lu, ICAC là cơ quan duy nhất ở Hồng Kông có nhiệm vụ chống tham nhũng, hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào bất cứ cơ quan nào.

ICAC có 3 bộ phận (điều tra, giáo dục cộng đồng, phòng ngừa tham nhũng). “Đó là 3 mũi nhọn tấn công mà chúng tôi đã áp dụng trong 4 năm qua và đến nay vẫn thấy có hiệu quả”, ông Simon Peh Yun-Lu giới thiệu.

Ông Simon Peh Yun-Lu, Chủ tịch ICAC. Ảnh: HG

Đi vào vấn đề cụ thể, đại diện ICAC cho hay, bộ phận điều tra các hành vi phạm tội có các thẩm quyền lớn như được bắt giữ người, phong tỏa tài khoản, kiểm tra tài khoản… Năm 2017, ICAC tiếp nhận 2.835 tố cáo tham nhũng. Từ đó, đã truy tố 93 vụ, 189 cá nhân, tỷ lệ kết án theo vụ là 83%, theo cá nhân là 80%.

“ICAC không chỉ tham gia điều tra mà còn tham gia vào các hoạt động khởi tố, truy tố”, phía ICAC nói.

Ở phương diện cộng đồng, ICAC tập trung vào nhiệm vụ giáo dục và quan hệ với cộng đồng.

Còn bộ phận phòng ngừa tham nhũng, ICAC thành lập các nhóm chuyên trách để đánh giá, xem xét các cơ quan khác có “lỗ hổng” dẫn đến tham nhũng hay không. Sau đó, ICAC đưa ra các kiến nghị để các cơ quan này xử lý các “lổ hổng” để không xảy ra tham nhũng.

Điểm đáng chú ý, Chủ tịch ICAC cho hay, cơ quan này có một trung tâm hoạt động 24/7 để tiếp nhận các tố cáo, kiến nghị của người dân về phòng, chống tham nhũng. Từ các tố cáo, nếu thấy có nghi vấn thì ICAC sẽ tiến hành điều tra.

Chịu sự giám sát của nhiều cơ quan

Cũng theo ông Simon Peh Yun-Lu, ICAC là cơ quan độc lập chống tham nhũng nên chịu sự giám sát của nhiều cơ quan như Trưởng Đặc khu, các hội đồng của hành pháp, tư pháp, lập pháp... Ngoài ra, còn chịu sự giám sát của 4 ủy ban khác mà chủ tịch của các ủy ban này không phải là công chức Nhà nước.

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: HG

“Chúng tôi chịu sự giám sát của nhiều cơ quan, kể cả phương tiện thông tin đại chúng”, ông Simon Peh Yun-Lu nói và cho rằng, công cuộc chống tham nhũng không đơn giản và là công cuộc dài hơi. Cho nên, ở Hồng Kông đã xây dựng văn hóa chống tham nhũng. Người dân căm ghét tham nhũng, sẵn sàng tố cáo và không sợ tố cáo tham nhũng.

Theo ICAC, khi tiếp nhận các tố cáo, khiếu nại của người dân liên quan đến tham nhũng thì có đến 70% người tố cáo tiết lộ danh tính, không dấu tên. Tất nhiên, ICAC đã có những cam kết bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo.

“Những kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của Hồng Kông rất hữu ích với Việt Nam”, Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh nói.

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ bày tỏ mong muốn, thời gian tới, hai cơ quan đẩy mạnh hợp tác, trao đổi kinh nghiệm sâu rộng hơn nữa, nhất là trong việc phòng ngừa tham nhũng, mở rộng phòng, chống tham nhũng sang khu vực tư. Đồng thời đề nghị ICAC quan tâm đến việc đào tạo cho cán bộ Việt Nam.

Bày tỏ quan điểm tán thành, Chủ tịch ICAC nhấn mạnh, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/chong-tham-nhung-o-hong-kong-va-kinh-nghiem-cho-viet-nam_t114c1059n136416