Chống tham nhũng hay tham nhũng?

Ngày 18-6-2019, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam bà Nguyễn Thị Kim Anh (Trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng) cùng hai thành viên là ông Đặng Hải Anh và Nguyễn Thùy Linh về tội nhận hối lộ. Trước đó, ngày 12-6-2019, tại trụ sở UBND huyện Vĩnh Tường, Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang ông Đặng Hải Anh nhận 90 triệu đồng của ông Đỗ Ngọc Yên, Phó Giám đốc Công ty Đức Trung. Cùng ngày, Trưởng đoàn thanh tra Nguyễn Thị Kim Anh cũng bị bắt quả tang nhận 68 triệu đồng của ông Trần Hanh, kế toán UBND xã Tân Tiến và 91,5 triệu đồng của ông Đỗ Mạnh Cường, công chức tài chính - kế toán UBND thị trấn Thổ Tang. Khám nơi làm việc của Đoàn Thanh tra tại UBND huyện Vĩnh Tường, nhà chức trách thu nhiều hồ sơ của các đơn vị thi công công trình trên địa bàn và hơn 335 triệu đồng do bà Nguyễn Thị Kim Anh quản lý.

Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng đi thanh tra ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc lại bị bắt về tội nhận hối lộ ở chính nơi thanh tra, nếu không bị lộ liệu kết quả thanh tra có khách quan, trung thực? Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng đoàn Thanh tra là Phó Trưởng phòng Phòng, chống tham nhũng của Bộ lại phạm tội tham nhũng? Thật trớ trêu và không có gì có thể biện minh cho hành vi cố tình trắng trợn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân.

Vì sao người trong cơ quan chống tham nhũng trở thành kẻ tham nhũng? Phải chăng Bộ Xây dựng đã không làm tốt công tác cán bộ, không lựa chọn được những cán bộ trung thực, liêm khiết vào cơ quan phòng, chống tham nhũng - nơi có nhiều cám dỗ, nơi không chỉ cần giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà rất cần đạo đức trong sáng, công minh, vững vàng bản lĩnh, không tư lợi khi làm việc công? Phải chăng công tác đánh giá cán bộ vẫn là yếu kém nhất khi trước đó không lâu, chính bà Nguyễn Thị Kim Anh là 1 trong 26 cá nhân được Bộ trưởng Bộ Xây dựng khen thưởng do có thành tích hoàn thành tốt nhiệm vụ?

Đoàn Thanh tra của Bộ Xây dựng bị bắt quả tang vòi tiền, nhận hối lộ là vụ việc hiếm xảy ra bởi đơn vị được thanh tra muốn những sai sót của mình không bị phanh phui nên sẵn sàng lo lót thuận theo gợi ý người đi thanh tra. Đôi bên cùng có lợi, khó mà phát hiện nếu không có tố cáo. Vụ việc trên xảy ra cho thấy các cơ quan quản lý chưa coi trọng công tác kiểm tra, giám sát chính các cơ quan phòng, chống tham nhũng này. Trong các vụ án tham nhũng, các cơ quan điều tra, xét xử liệu đã xem xét đến trách nhiệm, xử lý các đoàn thanh, kiểm tra trong việc bao che, dung túng những sai phạm nghiêm trọng, kéo dài của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn làm thiệt hại lớn về kinh tế của Nhà nước, nhân dân? Chẳng phải hằng năm, những tập đoàn, doanh nghiệp này đều được thanh, kiểm tra và đều có nhận xét, kết luận tốt đó sao?

Để cán bộ, công chức trong cơ quan phòng, chống tham nhũng không trở thành kẻ tham nhũng, cấp ủy, người đứng đầu cần coi trọng đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn những người thực sự liêm khiết, công tâm, bản lĩnh vào các cơ quan này. Đã là cán bộ ai cũng cần liêm khiết, công tâm, nhưng với những cơ quan thanh tra, kiểm tra càng phải cần liêm khiết, công tâm hơn. Phải có cơ chế, chế tài gắn trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức thanh tra, kiểm tra với những đánh giá, nhận xét, kết luận thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, cần tuyên dương, khuyến khích người tố cáo các hành vi tham nhũng dưới bất kỳ hình thức nào. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Đặng Khánh Chi

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/ykiendangvien/2019/12939/chong-tham-nhung-hay-tham-nhung.aspx