Chống tham nhũng: Cứ tài sản không giải trình được là tịch thu?

'Phòng, chống tham nhũng cần tập trung vào những người sử dụng quyền lực để mưu lợi cho mình. Trước mắt, sửa luật phải tập trung vào những người có khả năng liên quan đến luật, có khả năng phương hại đến công quỹ quốc gia', đại biểu Dương Trung Quốc góp ý tại phiên thảo luận sửa Luật Phòng chống tham nhũng, sáng 21/11.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng phòng, chống tham nhũng cần tập trung vào những người sử dụng quyền lực để mưu lợi cho mình

Trước đó, khá nhiều thảo luận và tranh luận đề cập đến cơ chế thu hồi tài sản bất minh, vấn đề được cho là rất quan trọng với phòng, chống tham nhũng.

"Thu hồi phải do tòa án"

Đầu phiên thảo luận buổi sáng, đại biểu Nguyễn Thị Thủy khi đề xuất cần một cơ chế đặc biệt thu hồi tài sản không rõ nguồn gốc, cũng đã nêu rõ quyền tài sản là quyền hiến định được bảo hộ ở mức cao nhất là Hiến pháp.

Do đó, theo bà Thủy, việc thu hồi tài sản bất minh phải do tòa án phán quyết, không phải tịch thu bằng con đường hành chính.

Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Trần Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng cần phải bổ sung tài sản không có nguồn gốc hoặc nguồn gốc không hợp pháp là tài sản tham nhũng.

Từ đó, cần giải quyết hai vấn đề cốt tử của bộ luật lần này đó là trao thẩm quyền cho cơ quan chức năng kiểm soát có quyền truy lùng đến cùng nguồn gốc của các loại tài sản.

Một trở ngại cho công tác phòng chống tham nhũng nhiều năm qua, theo đại biểu Sơn chính là việc chuyển dịch quyền sở hữu, xác lập quyền sở hữu tài sản ban đầu cho những khối tài sản lớn, nhưng lại không vấp phải bất cứ một hành động kiểm soát nào từ phía cơ quan Nhà nước. Điều đó khiến cho việc này trở thành một nơi trú ẩn, một sự lựa chọn tốt nhất để cất giấu tài sản do tham nhũng mà có.

Nhất trí với đại biểu Sơn, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) đề nghị cần quy định tài sản bất minh vào dự thảo luật. "Hiến pháp bảo vệ tài sản công dân hợp pháp chứ không bảo vệ tài sản công dân bất minh", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Xác định rõ nội hàm để bàn đúng

Cho rằng phải xác định rõ nội hàm của tham nhũng, đại biểu Dương Trung Quốc lập luận: "Một người có rất nhiều tài sản bất minh, nhưng nếu không phải ăn cắp của Nhà nước thì làm sao gọi là tài sản tham nhũng được? Phải quy tham nhũng gắn liền với quyền lực và phương hại đến công quỹ".

Nên theo ông Quốc, nếu không xác định rõ nội hàm mà cứ bàn tràn lan thì sẽ dẫn đến cá to sẽ lọt, toàn bắt cá nhỏ.

Ông góp ý: "Phòng, chống tham nhũng cần tập trung vào những người sử dụng quyền lực để mưu lợi cho mình. Trước mắt, sửa luật phải tập trung vào những người có khả năng liên quan đến luật, có khả năng phương hại đến công quỹ quốc gia".

"Phải làm thế, chúng ta mới có thuốc đặc hiệu, nếu chúng ta cứ pha loãng như thế này chỉ là uống vaccine thì cũng rất cần thiết, nhưng chúng ta không khắc phục được thực tế đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, gây bức xúc cho xã hội", ông Quốc nói.

Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nêu quan điểm, nên áp dụng suy đoán có tội với tài sản bất minh. Tức là nếu tài sản không chứng minh được nguồn gốc, thì có nghĩa là bất minh.

Tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho rằng nếu suy đoán có tội để xử lý cả tài sản mà không xác định được do tham nhũng hay không tham nhũng, chỉ cần không minh bạch, không giải trình được là tịch thu, thì e rằng không phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền tài sản của người dân.

Nguyễn Lê

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/chong-tham-nhung-cu-tai-san-khong-giai-trinh-duoc-la-tich-thu-20171121145103747.htm