Chống sạt lở kênh Chợ Gạo: Đề nghị dùng vốn ngân sách làm giai đoạn 2

Ban Quản lý các dự án đường thủy vừa có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng vốn ngân sách Nhà nước tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của dự án kênh Chợ Gạo.

Người dân sống ven kênh Chợ Gạo nơm nớp lo sợ nhà của bị nước cuốn trôi. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Ban Quản lý các dự án đường thủy vừa có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức hợp đồng BOT sang sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và bố trí vốn bằng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của dự án theo phân kỳ đầu tư.

Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư với số vốn là 4.221 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước với quy mô nâng cấp tuyến kênh từ ngã ba sông Vàm Cỏ đến ngã ba sông Tiền, đạt tiêu chuẩn cấp 2 kỹ thuật đường thủy nội địa với chiều rộng đáy luồng 80m, sâu 4m.

Năm 2011, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động đến nền kinh tế, lượng hàng vận chuyên qua kênh Chợ Gạo đã có những thay đổi giảm so với dự báo ban đầu, xu hướng sử dụng đội tàu lớn vận tải qua kênh cũng không tăng trưởng như dự báo.

Ngay sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư 2.263 tỷ đồng, quy mô xây dựng công trình được điều chỉnh giảm so với dự án ban đầu (bề đáy luồng 55m, độ sâu chạy tàu 3,1m) và được phân kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 786 tỷ đồng với mục tiêu thông luồng kỹ thuật và kè bờ thảm đá phía bờ Bắc, một số đoạn phía bờ Nam và kè trồng cây tại Kỳ Hôn, Rạch Lá. Giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 1.477 tỷ đồng dự kiến thực hiện trong năm 2016-2017.

Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2015 đã góp phần cải thiện năng lực vận tải trên tuyến và chống xói lở một số đoạn bờ kênh phía bờ Bắc và một phần bờ Nam kênh Chợ Gạo.

Tại thời điểm năm 2015, do nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, giai đoạn 2 của dự án chưa được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ mà Bộ Giao thông Vận tải đã giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nghiên cứu thực hiện giai đoạn 2 theo hình thức xã hội hóa theo hình thức hợp đồng BOT.

Tuy nhiên, thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam rà soát các thủ tục để dùng dự án theo hình thức hợp đồng BOT và đề xuất phương án chuyển hình thức đầu tư. Cục Đường thủy nội địa đã có báo cáo Bộ về việc dừng dự án theo hình thức hợp đồng BOT và chuyển đổi hình thức đầu tư bàng cách bổ sung vào dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam.

Theo đánh giá sơ bộ tình trạng sạt lở 9,4km đoạn bờ kênh phía bờ Nam kênh Chợ Gạo thuộc xã Bình Phục Nhất, Bình Phan và thị trấn Chợ Gạo, trong đó có đoạn sạt lở nghiêm trọng là 6km (sạt lở sâu vào bờ từ 5-20m), sạt lở và làm mất 2/3 mặt đường đá cấp phối đường huyện 25B thuộc ấp Bình Khương xã Bình Phục Nhất, báo cho biết đã xảy ra 3 vụ tai nạn chết người do người đi lại rơi xuống kênh, nhiều vụ học sinh đi học rơi xuống kênh bị thương.

Mặc dù chính quyền địa phương và người dân đã tạm thời khắc phục, gia cố một số đoạn xung yếu bằng cừ tràm, đắp đê đất, gia cố mặt đường để phục vụ cho người dân đi lại, thế nhưng do giai đoạn 2 của dự án chưa thực hiện, người dân đang chờ giải tỏa không ổn định cuộc sống và sản xuất (do toàn bộ diện tích giải phóng mặt bằng của dự án đã được cắm cọc và đo đạc kiểm kê) dẫn đến bị động trong công tác phòng chống và khắc phục sạt lở.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải về việc hỗ trợ 20 tỷ làm kè tạm chống sạt lở tại một số đoạn sạt lở nghiêm trọng trong khi chờ triển khai giai đoạn 2, tuy nhiên việc này được phía Ban Quản lý các dự án đường thủy nhìn nhận sẽ gây lãng phí vì khi thực hiện giai đoạn 2 các hạng mục tạm này phải bị phá bỏ.

Theo Quyết định 1738, giai đoạn 2 của dự án được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác, hiện nay Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về việc dừng dự án theo hình thức hợp đồng BOT và chuyển hình thức đầu tư bằng cách bổ sung dự án “Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam”.

Tuy nhiên, dự án này đang trong giai đoạn nghiên cứu, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và chỉ có thể thực hiện sớm nhất trong giai đoạn 2021-2015 trong khi công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 của dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo đã được thực hiện từ năm 2013 và nhu cầu vận tải thủy hiện nay ngày một tăng cao đặc biệt là vận tải container.

Vì vậy, Ban Quản lý các dự án đường thủy kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức hợp đồng BOT sang sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và bố trí vốn bằng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của dự án theo phân kỳ đầu tư./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chong-sat-lo-kenh-cho-gao-de-nghi-dung-von-ngan-sach-lam-giai-doan-2/509802.vnp