Chống sách giả: Kêu mãi vẫn thế

'Ngành xuất bản đang chết dần vì nạn sách giả tràn lan hiện nay'- ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nói tại buổi tổng kết hoạt động xuất bản 6 tháng đầu năm tại TPHCM mới đây.

Sách giả tràn lan đang giết chết ngành xuất bản

Sách giả tràn lan đang giết chết ngành xuất bản

Sách giả giết sách thật

“Qua khảo sát của Hội Xuất bản Việt Nam, số sách giả hiện nay được phân phối, phát hành ở quy mô rộng lớn và rất phức tạp”- ông Lê Hoàng nói. Theo ông, sách giả không chỉ xuất hiện trong các cửa hàng sách truyền thống mà còn được rao bán trên các sàn thương mại điện tử theo hình thức cho cá nhân, đơn vị khác thuê “chỗ” kinh doanh nên đa số sàn không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng của sách.

“Bán sách qua sàn giao dịch điện tử với số lượng lớn, quy mô thị trường lớn sẽ gây thiệt hại nhiều hơn cho ngành xuất bản. Đó là chưa kể một số trang ebook cá nhân còn tự ý chuyển từ sách in sang sách số trái phép, để độc giả đọc miễn phí. Tất cả những hoạt động bất hợp pháp trên đều xâm hại đến quyền lợi của người làm xuất bản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của ngành”- ông Hoàng chỉ ra.

Còn theo ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Nhà sách First News, đơn vị của ông có trên 600 đầu sách bị in giả. Trong đó, có những cuốn bị in giả tới 15-20 bản in khác nhau. “Để phát hành được một cuốn sách là cả quá trình dài, tốn rất nhiều chi phí như mua bản quyền, dịch thuật, biên tập, xin giấy phép, in ấn và tổ chức xuất bản. Nhưng có khi chưa kịp phát hành thì đã có sách giả bán tràn lan. Doanh thu của ngành xuất bản vốn đã khiêm tốn, nay phải đối đầu với nạn sách giả thì càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng ”- ông Phước cho biết.

Đại diện một số NXB tại TPHCM cũng khẳng định, nếu không có giải pháp kịp thời, ngành xuất bản có thể sẽ phải đóng cửa bởi sách giả. Theo đại diện một NXB, hiện một số NXB trong nước đang bị các đối tác nước ngoài phản ứng, bởi không kiểm soát được sách giả, dẫn tới quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài có thể bị hủy bỏ. “Như thế thì những tác phẩm hay, những tác phẩm có giá trị sẽ không thể xuất bản tại Việt Nam và người thiệt thòi nhất sẽ là độc giả”, đại diện NXB này nói.

Tuy nhiên, xử lý sách giả không phải là câu chuyện dễ dàng. Việc in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu đang nở rộ do tổ chức và cá nhân in lậu, làm giả và tiêu thụ xuất bản phẩm không phải đầu tư xây dựng đề tài, bản thảo, trả tiền bản quyền, đóng thuế, chất lượng in, giấy kém chất lượng… nhưng khung hình phạt đối với hành vi này hiện rất thấp, chưa đủ răn đe.

Xử lý thế nào?

Ông Nguyễn Văn Phước kể: First News đã từng phối hợp với các ban ngành chức năng đi bắt sách in giả. Đã có vụ bắt giữ được hơn 10 ngàn cuốn sách in giả Đắc nhân tâm do First News xuất bản. Nhà in bị bắt lúc đầu chấp nhận bồi thường 100 triệu cho First News để giải quyết vụ việc. Nhưng First News không nhận và quyết tâm đưa ra tòa để làm gương cho những kẻ làm sách giả khác. Tuy nhiên tại tòa án, First News lại bị thua kiện bởi một lý do cực kỳ vô lý với phán quyết: “10 ngàn quyển sách làm giả đã bị bắt trước khi tung ra thị trường, nên không hề gây bất cứ thiệt hại nào cho First News. Rút cuộc First News thua kiện và còn phải đóng án phí!”.

Còn ông Lê Hoàng cũng cho rằng, cần phải gọi đúng tên hành vi làm sách giả là sản xuất hàng giả. Hành vi này bị chế tài bởi Luật Hình sự năm 2015, có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can và truy tố những kẻ làm hàng giả trước pháp luật. Trong đó, mức phạt tiền cao nhất cho hành vi làm giả có thể lên tới một tỷ đồng và cá nhân vi phạm có thể bị phạt tù 3 năm.... Nhưng cho đến nay các biện pháp đấu tranh bằng pháp lý đối với các trường hợp làm sách giả chưa thấy hiệu quả và cũng chưa có kẻ làm sách giả nào bị trừng trị nghiêm khắc.

“Để diệt trừ tận gốc nạn sách giả cần xóa bỏ tận gốc các ổ sản xuất sách giả. Làm được điều này cần có sự kết hợp của các cơ quan chức năng như công an, thanh tra, quản lý thị trường. Các nhà xuất bản với nguồn lực hạn chế, lại làm về chuyên môn, không thể tự mình xử lý được vấn nạn này. Cơ quan chức năng từng bắt và xử lý nhiều cơ sở sản xuất lịch giả vào dịp Tết, không lý do gì mà không thể phát hiện, khởi tố các ổ sản xuất sách giả”, ông Lê Hoàng nói.

Theo ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TPHCM, sách giả là vấn đề nhức nhối đối với cả nước chứ không riêng TPHCM. Cùng với sự phát triển của công nghệ hiện nay, việc sản xuất và lưu hành sách giả cho thấy pháp luật đang “Chạy theo không kịp”. “Hiện nay giới làm sách đang trông cậy Hội Xuất bản có thể tổ chức các chương trình ký kết thỏa ước giao kèo giữa ngành xuất bản và các kênh/sàn thương mại điện tử với cam kết không phát hành sách giả, không tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường xuất bản vốn chưa được lớn mạnh của chúng ta. Còn trong thời gian tới, các ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để xử lý nghiêm vấn nạn sách giả hiện nay”- Ông Từ Lương nói.

Đại diện Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an TPHCM cho rằng, nếu kiểm soát nghiêm khâu in ấn, bảo đảm không để sách giả được in ra, thì các kênh phát hành dẫu có muốn “trộn” sách giả vào sách thật để phát hành cũng khó. Điều này đòi hỏi công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở in ấn phải chặt chẽ và phải xử nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trọng Thịnh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chong-sach-gia-keu-mai-van-the-1443558.tpo