Chống rồi ngập, ngập lại chống

Liên tiếp những ngày gần đây thông tin ngập lụt, sụt lún xảy ra khắp các huyện ngoại thành Hà Nội và một số địa phương của tỉnh Hòa Bình.

Trong đợt mưa lũ tháng 7/2018, mực nước trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội) dâng cao đã làm tràn nhiều đoạn của đê Hữu Bùi, ngập đê Bùi 2 (thuộc các xã Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Tân Tiến)… Hầu hết diện tích canh tác ở vùng Hữu Bùi và các khu vực trũng thấp vùng Tả Bùi - Hữu Đáy bị ngập úng. Những ngày gần đây, trên địa bàn xã Thủy Xuân Tiên bắt đầu xảy ra hiện tượng sụt lún hố sâu khoảng 2,5m, rộng khoảng 3m, ảnh hưởng đến phần móng một số nhà dân, bao gồm cả những ngôi nhà kiên cố.

Trong khi đó, tại huyện Quốc Oai, nước lũ tràn qua mặt đê Đồng Lọc, nối liền xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) và xã Đông Yên, huyện Quốc Oai (TP Hà Nội), khiến cho các xã này bị ngập úng nặng. Nước lũ làm tỉnh lộ 421B thuộc địa bàn xã Cấn Hữu, dài khoảng 500m nối với thị trấn Quốc Oai, bị ngập sâu khoảng 0,5m.

Hình ảnh ngập lụt ở huyện Chương Mỹ

Mặc dù trong nhiều ngày nay, người dân đã di chuyển tài sản, sơ tán và chống tràn đê sông Tích, tình trạng ngập lụt vẫn xảy ra trên diện rộng.

Theo Dân trí, từ khoảng 16h chiều 30/7, tại Km69 + 600 trên Quốc lộ 6, đoạn qua Tổ 25 và 26, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình đã bắt đầu xảy ra tình tạng nứt nhà dân, sau đó dẫn đến sạt lở đất, kéo các ngôi nhà đi khoảng 300m, các hộ dân ở liền kề nhau có nguy cơ bị trượt xuống lòng sông Đà.

Tiếp đó, trên Tỉnh lộ 445 đoạn qua huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình xuất hiện một vết nứt rộng dài cả trăm mét. 15 nhà dân sinh sống gần đây bị ảnh hưởng, có nguy cơ bị sông Đà “nuốt chửng”.

Ảnh 2 Hình ảnh ngập trục đường giao thông chính ở Quốc Oai

Theo chính quyền địa phương, nguyên nhân là do lũ rừng ngang đổ về từ Hòa Bình. Tuy nhiên, đây là hiện tượng xảy ra thường xuyên, có tính chất kinh niên. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, các địa phương vẫn chỉ có phương án đối phó phần ngọn mà chưa có một giải pháp dài hạn.

Không khó để tìm ra mối liên hệ giữa tình trạng sụt lún và ngập lụt xảy ra ngày càng nhiều với nạn cát tặc đang hoành hành khắp các lòng sông lớn tại miền Bắc cũng như việc san lấp hồ để xây dựng khu chung cư, khu đô thị tại các quận nội đô. KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam - từng cho biết trên Diễn đàn doanh nghiệp: 5 năm qua (tính đến năm 2016) đã có gần 70/112 hồ, ao tại khu vực nội thành Hà Nội bị san lấp hoàn toàn. Một số hồ bị cạn là do bốc hơi nhưng một phần khác là vì lấn chiếm.

Ngôi nhà bị sụt lún ở Hòa Bình

Từ đây lại nảy sinh các bản quy hoạch chống ngập, thêm vào lượng lớn quy hoạch dày lên đã tích trữ xưa nay. Theo chuyên gia về quy hoạch Ðào Ngọc Nghiêm, Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước toàn thành phố, thậm chí có cả quy hoạch điều chỉnh đợt 2, nhưng trong quá trình làm chưa thực hiện đầy đủ và hoàn tất. Một phần nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do xây dựng nhiều, và cũng chưa quan tâm đến quy hoạch cảnh quan cây xanh, mặt nước điều hòa. Đẩy mạnh bơm và kết nối các con sông thoát nước với sông Hồng cũng gặp trắc trở lớn, vì “các sông kết nối với sông Hồng đều bị ô nhiễm. Lượng bùn, rác thải nhiều làm hạn chế tốc độ dòng chảy”.

Quy hoạch cứ nối quy hoạch, tầm nhìn cứ nối tầm nhìn. Khi cái hạn đặt ra tiệm cận, lại đẻ thêm quy hoạch mới, tầm nhìn mới. Và cứ nhìn…

Thanh Lam

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/chong-roi-ngap-ngap-lai-chong-82383.html