'Chống rác thải nhựa', việc không của riêng ai…

Xếp thứ 68 thế giới về diện tích và thứ 15 về dân số nhưng Việt Nam lại đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa với khoảng 1,83 triệu tấn/năm.

Là một thành phố lớn của Việt Nam, TP.HCM cũng đang thải ra một khối lượng rác thải nhựa “khủng”. Theo đó, mỗi ngày TP.HCM thải ra khoảng 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, chất thải nhựa chiếm tỷ trọng khoảng 1.800 tấn, trong đó gồm có các loại bao bì nhựa, túi ny lon…

Rác thải nhựa ở khắp mọi nơi

Ước tính Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi ny lon/năm. Riêng TP.HCM, mỗi ngày có khoảng 30 tấn ny lon được sử dụng tại các chợ, trung tâm thương mại và siêu thị, chưa kể tại các hộ dân.

Các thống kê cũng chỉ ra rằng, 40% lượng nhựa thải ra môi trường đều xuất phát từ các vật dụng dùng đóng gói hàng hóa. Phần còn lại là từ xây dựng, điện, điện tử, xe hơi và các nguồn khác. Khi thải ra môi trường, rác thải nhựa di chuyển theo sông, kênh, rạch, hướng ra biển; nhựa từ khu rừng ngập mặn trôi ra đại dương và quay theo vòng lưu chuyển của biển. Đó là lý do giải thích tại sao nhiều người du lịch biển thường thấy rác trôi nổi trên mặt nước. Cứ một vài mét, người ta lại thấy rác nhựa trên biển và mật độ ngày càng lớn lên. Không những vậy, các loại tảo bám vào sẽ làm nhựa nặng dần, chìm xuống biển và gây ô nhiễm đáy biển. Khi nhựa bị thải ra môi trường sẽ làm nguồn thoát nước bị tắc nghẽn, tăng nguy cơ ngập lụt; phát tán bệnh dịch như tiêu chảy, tăng nhãn áp…

Thải bỏ túi ny lon không đúng cách gây ra nhiều tác hại cho môi trường

Thải bỏ túi ny lon không đúng cách gây ra nhiều tác hại cho môi trường

Hiện nay, người dân đã được tái định cư, các con kênh, rạch được xây kè hai bên bờ rất đẹp nhưng rác vẫn bị vứt xuống dòng kênh. Nhiều con kênh nhỏ chưa được nâng cấp và chứa đầy rác. Trong đó chủ yếu là nhựa, lục bình lẫn lộn vào nhau gây khó khăn trong quá trình thu gom, xử lý, phân loại.

Nghiên cứu năm 2018 tại sông Sài Gòn cũng cho thấy có 172.000- 519.000 sợi vi nhựa/m3 nước; 10-233 mảnh và màng vi nhựa/m3 nước. Có hai nguồn phát thải vi nhựa ra môi trường gồm nguồn sơ cấp do sản xuất hạt nhựa, mài mòn công nghệ, in 3D, mỹ phẩm; nguồn thứ cấp do phân rã từ chất thải nhựa lớn do tia UV, nhiệt, sống…

Hãy thay đổi từ những việc làm rất nhỏ

Cùng các địa phương trên cả nước, TP.HCM đã và đang tích cực hành động mạnh mẽ bảo vệ môi trường. Mới đây, UBND TP.HCM ban hành Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn thành phố đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ny lon khó phân hủy.

Đến năm 2030, TP.HCM sẽ giảm 75% rác thải nhựa trên biển; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ny lon khó phân hủy.

Để đạt mục tiêu trên, UBND TP.HCM chỉ đạo mọi người dân, cơ quan, tổ chức phải đẩy mạnh hoạt động thu hồi, tái chế, sử dụng chất thải nhựa. Nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường; hình thành thói quen giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ny lon khó phân hủy trong mọi hoạt động. Trong đó nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của sở, ban ngành địa phương, quận huyện, tổ chức, cá nhân bán lẻ, làm sao để người dân càng ý thức hơn nữa trong việc sử dụng sản phẩm nhựa, ny lon.

Trên tinh thần đó, Sở TN&MT TP.HCM đã liên tục tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen sử dụng sử dụng bao bì nhựa, phân loại rác tại nguồn. Những hành động nhỏ của mỗi người đã góp phần thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường từ học sinh, người dân đến doanh nghiệp. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ mở rộng hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ để quản lý, xử lý rác thải nhựa hiệu quả hơn trong thời gian tới.

NI NA

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/moi-truong/chong-rac-thai-nhua-viec-khong-cua-rieng-ai-948193.html