Chống rác thải nhựa: Con số, hậu quả và tới lúc... hành động!

Tác hại của chất thải nhựa đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống người dân. Không còn là sự cảnh báo mà đã đến lúc phải hành động cụ thể!

Trên thế giới, cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa đổ ra, trôi nổi trên các đại dương.

Ở Việt Nam, thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Nếu trung bình khoảng 10% chất thải nhựa, túi nylon dùng một lần không được tái sử dụng, lượng chất thải nhựa từ sản phẩm sử dụng một lần lên tới 2,5 triệu tấn mỗi năm. Một thống kê cũng cho thấy, người Việt thải gần 18.000 tấn rác thải nhựa mỗi ngày và mỗi năm, Việt Nam có khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa ra biển.

Đó là con số không chỉ với Việt Nam mà tất cả các quốc gia trên thế giới cũng phải giật mình khi hiểm họa môi trường toàn cầu đang hiện hữu từ rác thải nhựa. Mỗi năm, thế giới thải ra 300 triệu tấn rác thải nhựa nhưng phải mất hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm, các chất thải từ nhựa và nylon mới bị phân hủy. Đơn cử như một chiếc túi nylon chỉ mất 5 giây để sản xuất, chỉ sử dụng trong 5 phút nhưng phải mất đến 500 năm để phân hủy.

 Tác hại của chất thải nhựa đang hiện hữu. Ảnh minh họa.

Tác hại của chất thải nhựa đang hiện hữu. Ảnh minh họa.

Khoảng 60-70 năm về trước, nhựa bắt đầu được sử dụng trên thế giới và nhanh chóng đóng vai trò rất lớn trong cuộc sống. Những năm 90, nhựa bắt đầu phổ biến ở Việt Nam khi túi nylon được người dân sử dụng nhiều với nhiều tiện lợi rồi đến các đồ gia dụng bằng nhựa xâm lấn vào cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, trở nên phổ biến và đến nay, việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa thành thói quen trong sinh hoạt của đại đa số người dân. Tuy nhiên, những tác hại do lượng lớn rác thải nhựa đang dần hiện hữu và thói quen sử dụng túi nylon hay các vật dụng bằng nhựa đang dần khiến chính chúng ta góp phần hủy hoại môi trường.

Trên thực tế, người Việt thải ra hàng chục nghìn tấn rác thải nhựa mỗi năm nhưng việc tái chế chất thải nhựa vẫn chưa phát triển và tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp. Một lượng lớn chất thải nhựa được chôn lấp cùng lượng rác thải sinh hoạt và một lượng lớn khác được thải trực tiếp ra môi trường.

Do vậy, ở Việt Nam không khó để nhận thấy lượng rác thải nhựa đang tác động khủng khiếp đến môi trường sống khi từ thành thị đến vùng nông thôn, miền núi, từ kênh mương, sông suối ao hồ chỗ nào cũng ngập rác thải nhựa, nhất là túi nylon đã qua sử dụng. Tại các bãi biển từ Bắc vào Nam cũng không khó bắt gặp cảnh rác thải nhựa như túi nylon, vỏ chai nhựa, cốc nhựa, ống hút,…trôi nổi trên mặt biển khiến lo lắng về “ô nhiễm trắng” tại các điểm du lịch ngày càng tăng.

Thực tế, rác thải nhựa đang gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống người dân. Theo các nhà khoa học, vi hạt nhựa ẩn chứa các nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người có thể gây ảnh hưởng đến phổi, đường hô hấp. Trong chất thải nhựa chứa khí carbon và hydro nên khi bị đốt cháy sẽ thải ra khí độc hại với con người.

Đáng quan ngại, theo ông Emil Budianto - Trưởng khoa Khoa học Môi trường thuộc Đại học Indonesia từng cho biết, khi chất thải nhựa và thức ăn thừa được đốt lên, chúng sẽ sản sinh ra chất dioxin và furan - hai loại hóa chất độc hại nhất được biết đến hiện nay trong khoa học. Hai chất độc hại này dù tiếp xúc chỉ một lượng nhỏ cũng có thể gây tử vong. Tác hại khác của việc đốt chất thải là gây ô nhiễm môi trường. Nó có thể phá hủy tầng zone và có tác hại như hiệu ứng nhà kính. Trong khi đó, ở Việt Nam, không ít nơi người dân vẫn thản nhiên đốt rác trong đó có chứa rất nhiều rác thải nhựa.

Cũng sẽ thật khủng khiếp khi lượng chất thải nhựa lớn ở dưới đại dương bởi chúng sẽ phá hủy môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các loại thủy hải sản khi những hạt nhựa siêu vi từ nguồn do rác thải nhựa phân hủy có thể xâm nhập và phá hủy tế bào trong cơ thể của các loài sinh vật biển, qua đó nhiễm vào và phá hủy tế bào trong cơ thể người khi ăn cá và các loại sinh vật biển.

Nó là minh chứng cho việc, rác thải nhựa hàng ngày, hàng giờ đang tác động tiêu cực đến môi trường sống, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Rõ ràng, tác hại của chất thải nhựa đang hiện hữu nên không còn là sự cảnh báo bởi nếu không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng. Đã đến lúc phải hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường.

Năm 2018, để giải quyết những mối đe dọa toàn cầu từ rác thải nhựa và túi nylon, Liên hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018, vấn đề giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đã được Nguyên thủ các quốc gia, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia khẳng định là mối quan tâm chung toàn cầu, đưa ra các cam kết mạnh mẽ về chống rác thải nhựa.

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chính sách, chiến lược để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt. Việt Nam cũng tích cực tham gia, chung tay cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn hiểm họa của ô nhiễm rác thải nhựa tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada; kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu tổ chức tại thành phố Đà Nẵng (năm 2018); Hội nghị WEF Davos 2019 tại Thụy Sỹ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có hành động hiệu quả, quyết liệt giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Thư gửi đến các cơ quan, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và toàn thể đồng chí, đồng bào cả nước kêu gọi toàn xã hội chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

Ngay Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phát động phong trào thi đua “Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni lông” và phối hợp với nhiều địa phương trên cả nước tổ chức các chiến dịch "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần"; thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi nilon tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư... để khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa, túi nilon và từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi. Từ tháng 6/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sử dụng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa dùng một lần tại các cuộc hội nghị, hội thảo.

Sau đó, nhiều phong trào đã được triển khai tại nhiều nơi trên cả nước như phát động làm sạch rác thải nhựa ở TPHCM, chiến dịch dọn rác ở Sơn Trà (Đà Nẵng)…

Tuy nhiên, chỉ tuyên truyền nâng cao nhận thức khó có thể làm thay đổi những thói quen, hành động đã khá phổ biến trong đại đa số người dân. Đã đến lúc cần có những chế tài, biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, cần có những hành động quyết liệt hơn nữa. Cùng với đó, cần có sự chung tay của các các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân bởi chống ô nhiễm rác thải nhựa là trách nhiệm chung của cả xã hội.

Thiên Nga

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/ban-doc-dieu-tra/chong-rac-thai-nhua-con-so-hau-qua-va-toi-luc-hanh-dong-1234342.html