Chống ô nhiễm môi trường tại bãi rác Nam Sơn: Không làm như phong trào

Sau khi có ý kiến của lãnh đạo thành phố Hà Nội, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (còn gọi là bãi rác Nam Sơn) huyện Sóc Sơn đã có những chuyển biến tích cực.

Bãi rác Nam Sơn

Bãi rác Nam Sơn

Tuy nhiên, người dân địa phương mong muốn những hoạt động kiểm soát môi trường tại khu vực xử lý rác thải cần phải duy trì thường xuyên, chứ không thể chỉ được thực hiện nghiêm sau mỗi lần thành phố quyết liệt chỉ đạo.

Môi trường được cải thiện

Từ đầu tháng 11, tại các thôn của 3 xã Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, việc giám sát, tuyên truyền được thực hiện liên tục. Tại xã Hồng Kỳ, mỗi buổi chiều, loa truyền thanh đều phát các nội dung về chính sách, pháp luật, đề nghị bà con không vào bới rác trong bãi. Dần dần, số lượng người vào bới rác giảm bớt.

Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ Trần Ngọc Hà cho biết, sau buổi đối thoại của thành phố, các sở ngành liên tục xuống để khử khuẩn môi trường, kiểm tra chất lượng nước. Xe chở rác qua khu vực này cũng được bịt chặt, không còn hiện tượng rò rỉ. Đối với vấn đề sức khỏe, tự người dân cũng cảm nhận rõ nét những chuyển biến về môi trường, nguồn nước. “Người dân hiện chỉ còn kiến nghị về việc nâng mức hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng lên phạm vi 1.000m quanh khu vực bãi rác”, lãnh đạo xã cho hay.

Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn mong muốn, thành phố tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để duy trì được những chuyển biến này; đồng thời đầu tư hạ tầng cho xã để Nam Sơn không chỉ được biết đến với rác thải, mà là một nơi đáng sống. Đây cũng là mong muốn của nhiều người dân huyện Sóc Sơn, bởi theo họ, việc kiểm soát tốt mùi rác thường được thực hiện rất tốt sau mỗi lần có chỉ đạo của thành phố. Sau một thời gian, mọi chuyện lại đâu vào đấy.

Đại diện Phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) thông tin, vấn đề vệ sinh trong, ngoài bãi rác đã có chuyển biến lớn. Vừa rồi có đợt gió mùa nhưng không khí vẫn tốt, lượng ruồi giảm rất nhiều, đảm bảo cuộc sống cho người dân quanh khu vực bãi rác.

Cụ thể, từ ngày 23/10 - 3/12, Sở Xây dựng đã cho phủ bạt các phần hở của bãi rác, đã phủ được 73% diện tích bãi hở; mỗi ngày phun 15 lít thuốc khử mùi/ngày. Đặc biệt, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã lập trạm cân ở các đầu xe rác đi vào, xử lý hàng trăm trường hợp xe rác chở quá tải trọng. “Việc xử lý này khiến cho các chủ xe rác ý thức, không nhồi thêm rác trong 1 chuyến nữa, vì nhồi rác quá tải cũng là nguyên nhân xuất hiện nước rỉ rác. Kiểm soát tốt việc này nên nước rỉ rác trên đường hầu như không còn tái diễn”, lãnh đạo Sở Xây dựng nói.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, về vấn đề cấp nước sạch cho nhân dân
3 xã là Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ, đến nay có 2.700/9.300 hộ đã được cấp nước sạch và đến cuối năm 2020 sẽ cấp thêm cho 1.000 hộ. Với các hộ còn lại, Sở đang chỉ đạo mở rộng phạm vi cấp nước, nâng công suất các trạm hiện có để hoàn thành cấp nước sạch cho 3 xã này trong năm 2021.

Ðốt rác phát điện trong quý I/2021

Đại diện Cty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội (chủ đầu tư) nhà máy đốt rác phát điện tại Khu liên hợp xử lý rác thải Sóc Sơn cho biết, nhà máy chính được chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 bao gồm bể rác số 2 và 2 lò đốt vận hành tiếp nhận xử lý rác trong tháng 1/2021; giai đoạn 2 gồm bể rác số 1 và 2 lò đốt vận hành tháng 3/2021; lò đốt cuối cùng vận hành tháng 5/2021. Công tác chuẩn bị sản xuất đã cơ bản sẵn sàng, toàn bộ công tác vận hành năm đầu tiên của nhà máy sẽ do cán bộ kỹ thuật người nước ngoài phụ trách. Các chuyên gia đã sang đủ để chờ vận hành nhà máy.

Tại buổi kiểm tra tại dự án Nhà máy đốt rác phát điện Sóc Sơn ngày 3/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan của thành phố giải quyết, tháo gỡ khó khăn của nhà đầu tư. Ông Huệ đề nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công tích cực triển khai để đưa dự án vào hoạt động sớm nhất có thể, trước mắt là đưa vào vận hành thử trong quý I/2021.

Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 17 khu xử lý chất thải có xử lý chất thải sinh hoạt. Ngoài dự án đốt rác phát điện tại Sóc Sơn sắp đi vào hoạt động, các dự án đầu tư xử lý rác công nghệ cao tại Hà Nội hầu như đang rơi vào “ngõ cụt”. Tiêu biểu như Khu xử lý rác huyện Đông Anh, dự kiến đi vào hoạt động là tháng 4/2017. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thiện; Dự án xử lý rác thải thu hồi điện tại Xuân Sơn (chủ đầu tư là Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và Công ty Hitachi Zosen Coporation), nhà đầu tư nước ngoài đang rút vốn, dự án chưa được thực hiện...

Tháng 11/2020, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng đã yêu cầu kiểm tra, rà soát để thu hồi các dự án nhà máy xử lý rác phát điện trên địa bàn thành phố chậm tiến độ, nhà đầu tư thực hiện không đúng cam kết với thành phố...

Công an vào cuộc về quá trình xử lý rác thải

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ giao Thanh tra thành phố tiến hành thanh tra các khâu của việc thu gom, xử lý rác thải tại Khu Liên hợp xử lý rác thải Sóc Sơn. Đặc biệt, ông Huệ giao Công an thành phố lập chuyên án xem có tiêu cực, sai phạm trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; có việc đổ nước vào rác để tăng khối lượng rác thải, nước rỉ rác không... và xử lý nghiêm nếu có sai phạm.

“Từ chuyện xử lý rác để làm gương, làm mẫu cho các vấn đề khác của thành phố, từ nước thải, cấp thoát nước, ô nhiễm không khí và các vấn đề dân sinh bức xúc khác... nhằm thực hiện chủ đề công tác năm 2021 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu.

Trần Hoàng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chong-o-nhiem-moi-truong-tai-bai-rac-nam-son-khong-lam-nhu-phong-trao-1759495.tpo