Chống ngập TP.HCM, chống mặn ĐBSCL: Đừng theo ý muốn chủ quan!

Muốn ứng phó với biến đổi khí hậu thì phải tìm được quy luật và đi theo quy luật đó, nhưng Việt Nam chưa làm được điều này.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, thế nhưng theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, hiểu biết của Việt Nam đối với biến đổi khí hậu còn quá ít do chúng ta chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu để theo dõi, cơ sở hạ tầng kỹ thuật để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu không phải theo quy luật mà theo kiểu tranh thủ có thì làm, không có thì không làm, hoàn toàn theo ý muốn chủ quan.

"Chúng ta vẫn ước mơ làm sao vượt nhanh bằng mọi cách, rằng phải dám đương đầu với thiên nhiên, nhưng lại không tính được phải đương đầu thế nào, không chịu đầu tư năng lực cơ bản để có thể chống chọi với những biến đổi của thiên nhiên mà cứ đi theo những ý muốn, làm theo kiểu mò mẫm, không tìm ra quy luật", GS.TS Vũ Trọng Hồng nói và dẫn hai ví dụ để minh chứng cho điều này.

Tác động của biến đổi khí hậu đối với ĐBSCL ngày càng nặng nề. Ảnh minh họa

Tác động của biến đổi khí hậu đối với ĐBSCL ngày càng nặng nề. Ảnh minh họa

Câu chuyện thứ nhất: Chống ngập ở TP.HCM

Thời gian qua TP.HCM đã có nhiều cố gắng, thực hiện nhiều giải pháp công trình và phi công trình để chống ngập, thế nhưng kết quả chưa tương xứng với tiền bạc, công sức bỏ ra, ngập vẫn hoàn ngập, dù có nơi đã thực hiện dự án chống ngập, thậm chí xuất hiện thêm điểm ngập mới.

Theo vị chuyên gia thủy lợi,Nếu Hà Nội không lo bị ngập vì nước chảy ra sông Hồng - vốn là đường tiêu nước mạnh nhất thì tình hình TP.HCM rất đáng lo ngại bởi TP.HCM ngập do mưa không kể, mà chủ yếu do triều cường. Nước biển ngày càng dâng cao, triều càng mạnh, đẩy nước dồn lại vào TP.HCM gây ngập.

"Các chuyên gia Hà Lan đã nhận xét, ở dưới đáy biển có rất nhiều luồng nước vào bên trong. Bây giờ, TP.HCM phải cho khảo sát, điều tra để tính toán xem những đường nước ấy vào hướng nào, khu đó không được xây dựng nữa. Như quận 2 ngày xưa để ngập nước thì giờ đất nơi đó đã thành đô thị.

Dự án chống ngập phải gắn với quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý hạ tầng, nhưng hiện nay TP.HCM thiếu sự phối hợp tốt giữa các sở, ngành như Sở GTVT (làm đường), Sở Xây dựng (cấp phép xây dựng nhà ở), Sở Quy hoạch và Kiến trúc (cấp phép quy hoạch)", nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT chỉ rõ.

Câu chuyện thứ hai: Chống hạn mặn, sạt lở ở ĐBSCL

Biến đổi khí hậu cũng đang tác động mạnh ở ĐBSCL, gây nước biển dâng, làm xâm nhập mặn sâu hơn, tình trạng sụt lún đất tại ĐBSCL cũng đang diễn ra nhanh hơn, gây hạ thấp đồng bằng.

GS.TS Vũ Trọng Hồng nhắc lại kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu của Hà Lan. Đó là quốc gia nằm thấp nhất so với mực nước biển, khoảng 2/3 diện tích của Hà Lan nằm ở khu vực dễ ngập lụt trong khi mật độ dân số thuộc nhóm đông đảo bậc nhất. Bởi vậy, Hà Lan tìm cách để đất nước không bị sạt lở, mà cách bền vững nhất là gây bãi, tạo bồi ven sông và ven biển. Hà Lan thậm chí còn thả rong và một số loại cây để hạt phù sa bám vào, sóng không lôi đi được. Chính lớp phù sa bên trong cửa sông đổ ra biển sẽ giúp che chắn, bảo vệ đất ven biển, làm giảm bớt tác động sóng đánh. Nếu phù sa không ra được, nước biển sẽ tấn công mạnh, làm sạt lở nhanh hơn, ăn dần vào phía bên trong. Khi ấy, các công trình trở nên vô nghĩa.

Ở ĐBSCL, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đánh giá, quy hoạch dân cư không tuân theo quy luật tự nhiên khiến phù sa không thể đổ ra biển. Hàng loạt khu dân cư ở Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và các khu vực khác đua nhau mọc lên. Trước đây, ĐBSCL có 9 cửa sông, ngoài ra còn có các nhánh nhỏ. Những nhánh nhỏ này rất quan trọng, chúng đem phù sa, cát sỏi ra bồi ở ven biển, song dần dà người dân biến chúng thành ruộng đồng, xây dựng nhà cửa. Kết quả là dẫu nước từ trong đất liền vẫn chảy ra biển nhưng phù sa, cát sỏi không ra được nữa, phần chân của ĐBSCL ngày một mất đi, không được bồi như Hà Lan.

Giải pháp phổ biến hiện nay được sử dụng ở ĐBSCL để chống sạt lở, hạn mặn là sử dụng các biện pháp công trình và phi công trình để giữ lấy hiện trạng - không để đất sạt lở thêm và ngăn không cho nước mặn xâm nhập vào. Nhiều bờ kè, đập ngăn mặn đã được xây dựng, song chúng chỉ có tác dụng giảm mặn trước mắt ở phía trên, còn mặn ở phía dưới không giải quyết được.

GS Hồng dẫn kinh nghiệm của Hà Lan cho thấy, nguồn nước mặn không phải chỉ đi trên mặt mà còn đi ngầm dưới đất, mà nguồn nước ngầm dưới biển thì rất mạnh. Nếu có làm cửa van đóng lại cũng không thể ngăn được nguồn nước mặn đi ngầm dưới đất này. Chính Rotterdam cũng làm cửa van rất lớn, nhưng sau vài năm nước biển xâm nhập vào đã làm rỗng hết đất bên trong.

Bởi vậy, đối với ĐBSCL, vị chuyên gia kỳ cựu trong ngành thủy lợi cho rằng, phải nghiên cứu những công trình nào giúp chống hạn, công trình nào có thể ngăn mặn thay vì chỉ khuyến khích, hô hào người dân trữ nước. Bên cạnh đó, trữ nước là chưa đủ, phải nắm được quy luật sử dụng nguồn nước, thực hiện chuyển nước từ nơi thừa sang nơi thiếu...

"Nhiều người nói nói trước chung sống với lũ, giờ ở ĐBSCL phải chung sống với hạn mặn. Nhưng làm sao có thể chung sống với hạn vì không có nước thì không thể sống được, không có nước không thể giữ được dân. ĐBSCL không còn nước ngọt thì người dân sẽ di cư.

Chúng ta không thể đi trái quy luật tự nhiên. Tôi tin rằng điều này không phải người ta không hiểu, không biết, nhưng bởi khát vọng lớn quá, duy ý chí quá, trong khi đó việc kiên trì nghiên cứu thì lại kém, dẫn tới cách làm chộp giật, được thì thành công, mà không được thì đổ tại thiên tai, cuối cùng người dân phải gánh chịu", GS.TS Vũ Trọng Hồng nhận xét.

Từ những phân tích ở trên, vị chuyên gia khẳng định, giải pháp đột phá để ứng phó với biến đổi khí hậu chính là con người. Con người này phải nhận thức được, phải trau dồi năng lực, tìm cách ứng phó với biến đổi khí hậu và phải có trách nhiệm. Yếu tố cuối cùng đặc biệt quan trọng đối với những người quản lý, đòi hỏi phải hoàn thiện các quy định của pháp luật để có thể truy cứu trách nhiệm nếu để xảy ra hậu quả nặng nề do thiên tai.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/chong-ngap-tphcm-chong-man-dbscl-dung-theo-y-muon-chu-quan-3426773/